Mỹ: Tác động từ các biện pháp cắt giảm chi tiêu tới năng lực chống thông tin sai lệch

Mỹ: Tác động từ các biện pháp cắt giảm chi tiêu tới năng lực chống thông tin sai lệch
7 giờ trướcBài gốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng. Ảnh: THX/TTXVN
Các chuyên gia cảnh báo, việc phá bỏ các rào cản này có thể tạo điều kiện cho các quốc gia đối thủ gia tăng chiến dịch gieo rắc thông tin sai lệch nhằm vào công chúng Mỹ. Song song với việc các nền tảng mạng xã hội giảm bớt kiểm duyệt nội dung và việc Meta đình chỉ chương trình kiểm tra thông tin bên thứ ba tại Mỹ, diễn biến mới này làm dấy lên quan ngại sâu sắc trong giới nghiên cứu về nguy cơ sự thật và hư cấu ngày càng khó phân biệt.
Một trong những động thái đáng chú ý là Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF) đã hủy bỏ hàng trăm khoản tài trợ nghiên cứu, trong đó có các dự án về thông tin sai lệch, trí tuệ nhân tạo (AI), cũng như các dự án về tính đa dạng, công bằng, hòa nhập (DEI). Trong khi đó, Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE), cơ quan mới dưới sự cố vấn của tỷ phú Elon Musk, đánh giá việc hủy 402 khoản tài trợ DEI là kết quả tiết kiệm ngân sách lên tới 233 triệu USD.
Bà Lisa Fazio, Phó giáo sư tâm lý học tại Đại học Vanderbilt, cho biết dự án nghiên cứu cách hình thành và sửa chữa niềm tin sai lệch do nhóm bà thực hiện cũng bị cắt tài trợ. Các khoản này bao gồm cả những dự án nghiên cứu phát hiện deepfake và thông tin sai lệch trong lĩnh vực y tế - vào thời điểm mà các công cụ AI rẻ tiền đang vô tình “tiếp tay” làm gia tăng các vụ lừa đảo. Phó Giám đốc Trung tâm Dân chủ & Công nghệ (CDT), bà Becca Branum nhận định việc cắt giảm nghiên cứu về tác động của công nghệ tới xã hội chính là một hình thức kiểm duyệt đáng lo ngại.
Việc cắt giảm diễn ra chỉ vài ngày sau khi Ngoại trưởng Marco Rubio đóng cửa trung tâm tuyên bố đóng cửa Trung tâm Chống Can thiệp và Thao túng Thông tin Nước ngoài (R/FIMI. Các chuyên gia cho rằng quyết định này tạo ra khoảng trống nguy hiểm, cho phép các quốc gia khác tự do hoạt động hơn trong không gian thông tin của Mỹ.
R/FIMI, tiền thân là Trung tâm Tham gia Toàn cầu (GEC) từ năm 2016, từng có ngân sách khoảng 60 triệu USD và lực lượng nhân sự đáng kể, nay chính thức bị giải thể. Ông Rubio lập luận rằng việc đóng cửa là nhằm "bảo vệ và duy trì quyền tự do ngôn luận của người Mỹ".
Tuy nhiên, việc giải thể cơ quan này đồng nghĩa với việc lần đầu tiên sau hơn 8 năm, Bộ Ngoại giao Mỹ không còn một văn phòng chuyên trách chống lại thông tin sai lệch từ nước ngoài. Động thái này cũng nằm trong kế hoạch tổng thể của lãnh đạo bộ nhằm tái cấu trúc cơ quan, cắt giảm biên chế và đóng cửa các chương trình chuyên biệt.
Ngoài ra, chính quyền ông Trump cũng bị cáo buộc nhắm mục tiêu vào các quan chức chịu trách nhiệm giám sát sự can thiệp nước ngoài vào bầu cử Mỹ, với hàng loạt đợt điều chuyển tại Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng (CISA).
Linh Tô (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/my-tac-dong-tu-cac-bien-phap-cat-giam-chi-tieu-toi-nang-luc-chong-thong-tin-sai-lech-20250428113626800.htm