Mới đây Nga đã sử dụng tên lửa Oreshnik để tấn công các mục tiêu trong đất Ukraine, đáng chú ý ở chỗ đây là một loại tên lửa chiến lược tầm trung triển khai trên đất liền.
Trong vụ tấn công vừa qua, Nga đã loại bỏ đầu đạn hạt nhân trang bị cho tên lửa Oreshnik để thay bằng đầu đạn thông thường nhằm gửi thông điệp cứng rắn tới các nước phương Tây.
Tuy vậy động thái trên của Nga bị nhận xét chắc chắn sẽ thổi bùng lên một cuộc chạy đua vũ trang mới, bởi với thao tác trên, Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (Hiệp ước INF) đã chính thức không còn hiệu lực.
Mặc dù trước đó Nga và Mỹ đã thông báo hủy bỏ Hiệp ước INF nhưng cả hai cho biết sẽ chỉ trang bị tên lửa chiến lược tầm trung triển khai trên mặt đất nếu đối phương có động thái "xé rào" trước, và nay Moskva đã cho Washington lý do để đáp trả.
Giới phân tích cho rằng trước mắt, Mỹ có thể sớm khôi phục hoạt động của hai loại tên lửa chiến lược vốn được xem như "cơn ác mộng" của Liên Xô thời kỳ chiến tranh Lạnh.
Đầu tiên chính là tên lửa đạn đạo hạt nhân tầm trung MGM-31 Pershing II, vũ khí này có tầm bắn 1.770 km, tích hợp đầu đạn hạt nhân W85 rất tiên tiến cùng động cơ kiểm soát vector lực đẩy mang lại khả năng siêu cơ động và chẳng thể nào đánh chặn.
Tên lửa đạn đạo chiến lược tầm trung MGM-31 Pershing II có chiều dài 10,6 m; đường kính thân 1,02 m; trọng lượng phóng 7.400 kg; tầm bắn khoảng 1.770 km, vòng tròn sai số chỉ vào khoảng 30 m.
Pershing II được lắp đặt đầu dò radar hình ảnh công nghệ số vô cùng tiên tiến, được nhận định là đã đi trước thời đại hàng chục năm cho độ chính xác cực kỳ cao và gần như không thể gây nhiễu bằng các tổ hợp tác chiến điện tử thông thường.
So sánh với Iskander-M của Nga thì thậm chí ra đời trước hơn 30 năm nhưng Pershing II vẫn tỏ ra nổi trội ở hầu hết mọi công nghệ áp dụng cũng như tính năng kỹ chiến thuật cơ bản.
Quân bài tiếp theo mà Mỹ có thể tái trang bị trong thời gian ngắn chính là phiên bản mặt đất của tên lửa hành trình Tomahawk nổi tiếng - BGM-109G Gryphon, nó được thiết kế với mục đích phá hủy hệ thống tên lửa đạn đạo di động RSD-10 Pioner (SS-20 Saber) của Liên Xô.
BGM-109G Gryphon được lắp đầu đạn hạt nhân đơn khối W84 vốn dựa trên bom hạt nhân B61, đương lượng nổ lên tới 150 kT, nó sử dụng động cơ đẩy nhiên liệu rắn F107-WR-400, cho tốc độ cận âm 880 km/h và phạm vi tác chiến 2.500 km.
Nhờ hệ thống dẫn đường INS/TERCOM trên cơ sở so sánh sai lệch giữa địa hình với dữ liệu được nạp trong bộ nhớ máy tính của tên lửa mà độ sai lệch của Gryphon chỉ vào khoảng 30 - 35 m.
Điểm nổi trội của Gryphon là khả năng bay thấp luồn lách bám địa hình, đây chính là bí quyết để vượt qua các đài radar cảnh báo sớm của Nga vốn tối ưu hóa cho việc phát hiện tên lửa đạn đạo ở tầm cao.
Trong tình hình hiện nay đạn BGM-109G Gryphon có thể lập tức tích hợp vào tổ hợp tên lửa mặt đất đa năng Typhon mà Mỹ đang triển khai khắp châu Âu, sẽ tạo ra năng lực răn đe cực mạnh.
Nếu bộ đôi MGM-31 Pershing II và BGM-109G Gryphon được Mỹ tái triển khai sau thời gian dài loại biên thì chắc chắn Nga sẽ phải giật mình khi những cơn ác mộng từ thời Liên Xô quay lại với những công nghệ mới còn nổi trội hơn nhiều so với khi được đưa đi lưu trữ.
Bạch Dương
Theo Defense Express