Mỹ tạm hoãn áp thuế, doanh nghiệp hồi sinh đơn hàng

Mỹ tạm hoãn áp thuế, doanh nghiệp hồi sinh đơn hàng
8 ngày trướcBài gốc
Rạng sáng 10-4 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo hoãn áp thuế đối ứng với các nước trong 90 ngày, trong đó có Việt Nam, đồng thời đưa mức thuế đối ứng về 10%.
Doanh nghiệp tạm 'trút gánh lo' khi Mỹ hoãn áp thuế đối ứng
Thông tin này ngay lập tức khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực dệt may, rau quả, hồ tiêu… thở phào nhẹ nhõm. Bởi trước đó, mức thuế cao khiến nhiều đơn hàng đi Mỹ bị tạm dừng hoặc hủy bỏ.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vina T&T Group, chia sẻ rằng ngay trong đêm, sau khi Tổng thống Trump công bố hoãn áp thuế, đối tác Mỹ đã gọi điện để thông báo tin vui và xác nhận các đơn hàng có thể tiếp tục xuất khẩu bình thường.
“Trước đó, doanh nghiệp phải gấp rút đẩy hàng đi Mỹ trước thời điểm áp thuế. Đối tác cũng tạm giảm 40% số đơn hàng để thăm dò phản ứng thị trường vì sợ giá tăng khiến người tiêu dùng không chấp nhận. Nay có thêm 90 ngày tạm hoãn, chúng tôi kỳ vọng hai nước sẽ có thêm thời gian để đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận ổn định, đôi bên cùng có lợi”, ông Tùng nói.
Sơ chế bưởi trước khi xuất khẩu tại Công ty Vina T&T Group. Ảnh: AH
Cùng quan điểm, ông Hoàng Mạnh Cầm, Phó chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) – nhận định: “So với mức 46% trước đây, mức thuế 10% đã ‘dễ thở’ hơn rất nhiều. Điều này giúp Việt Nam có lại được sự cạnh tranh công bằng với các đối thủ như Bangladesh hay Ấn Độ”.
Tuy vậy, dù mức thuế giảm còn 10% nhưng về bản chất vẫn là tăng so với trước đây, nên dự báo nhu cầu ở thị trường Mỹ vẫn giảm xuống, gây ảnh hưởng trực tiếp tới biên lợi nhuận của doanh nghiệp trong quý II và quý III sắp tới.
Ông Cầm cũng lưu ý rằng 90 ngày tới là thời điểm vàng để doanh nghiệp đàm phán lại với khách hàng. Vì các nhà bán lẻ Mỹ thường không muốn tăng giá bán, họ sẽ yêu cầu nhà sản xuất chia sẻ phần thuế. Do đó, cần chủ động thương lượng để cùng chia sẻ rủi ro.
Phó tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam – ông Trần Hữu Hậu cho biết mức thuế cao từng khiến nhiều đơn hàng bị đình trệ. Giờ đây, với chính sách mới này của Tổng thống Trump, nhiều hợp đồng có thể được khôi phục và tiếp tục xuất khẩu.
Vẫn đối mặt nhiều rủi ro, cần chiến lược dài hạn
Dù đón nhận tin tích cực, các doanh nghiệp vẫn tỏ ra thận trọng trong bối cảnh thuế quan có nhiều biến động. Ông Lê Việt Anh, Chánh Văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, nhấn mạnh rằng Mỹ hiện là thị trường lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam. Do đó, nếu Mỹ chính thức áp mức thuế 46%, tác động sẽ rất lớn.
Ông Việt Anh cũng cảnh báo: “Xu hướng tiêu dùng hiện nay ở Mỹ là mua đủ dùng. Do đó, doanh nghiệp Việt cần chủ động mở rộng thị trường, không nên phụ thuộc vào một thị trường duy nhất.”
Về lâu dài, ông Trần Hữu Hậu đề xuất ngành điều nên chú trọng đầu tư vào chế biến sâu và mở rộng sang thị trường Halal đầy tiềm năng để giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Vinatex đang đầu tư mạnh vào chuỗi cung ứng nội bộ, mở rộng từ sản xuất sợi, vải, đến dệt nhuộm, nhằm chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, kiểm soát chất lượng và gia tăng giá trị sản phẩm. Ảnh minh họa: Vinatex
Phân tích sâu hơn, từ góc độ doanh nghiệp dệt may, ông Hoàng Mạnh Cầm cho rằng sự biến động trong chuỗi cung ứng và chính sách thương mại đã trở thành bản chất của thương mại hiện đại. Từ năm 2000 đến nay, số lượng các rào cản thuế quan và phi thuế quan đã tăng gấp nhiều lần so với giai đoạn trước, không chỉ tại Mỹ mà ở nhiều quốc gia khác.
“Các doanh nghiệp cần hiểu rằng mình đang sống trong thời kỳ mà ‘biến động là bình thường’. Sự linh hoạt, chủ động là yếu tố sống còn”, ông Cầm nhấn mạnh.
Về các chiến lược dài hạn để ứng phó với sự thay đổi luôn diễn ra không ngừng, đơn cử như với Vinatex, ông Cầm cho biết tập đoàn đã có những định hướng từ lãnh đạo tập đoàn, đưa ra các chính sách cụ thể, các chương trình hành động để phát triển một cách vững vàng và hướng tới phát triển xanh, phát triển bền vững. Trong đó, Vinatex đã và đang đẩy mạnh các dòng sản phẩm giá trị cao, đặc thù như vải và trang phục chống cháy – ít chịu tác động từ biến động thị trường.
Song song đó, Vinatex còn đầu tư mạnh vào chuỗi cung ứng nội bộ, mở rộng từ sản xuất sợi, vải, đến dệt nhuộm, nhằm chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, kiểm soát chất lượng và gia tăng giá trị sản phẩm.
“Nhờ làm chủ chuỗi cung ứng, vị thế của Vinatex trong ngành dệt may toàn cầu cũng ngày càng được nâng cao”, ông Cầm chia sẻ.
Việt Nam và Hoa Kỳ sắp đàm phán cấp kỹ thuật về thương mại đối ứng
Trao đổi với PLO sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, ngày 9-4, trong khuôn khổ chuyến thăm Hoa Kỳ với tư cách là Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm để trao đổi về các vấn đề kinh tế - thương mại song phương, ông đã gặp Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson Greer cùng nhiều bên liên quan.
Phó Thủ tướng cho hay, Việt Nam là nước thứ hai sẽ đàm phán thỏa thuận thương mại đối ứng với Hoa Kỳ, sau Nhật Bản.
“Đoàn công tác của Việt Nam đã rất tích cực làm việc, vận động Chính phủ Hoa Kỳ và thống nhất lịch đàm phán. Đàm phán cấp kỹ thuật sẽ khởi động vào ngày 10-4” - Phó Thủ tướng cho biết.
CHÂN LUẬN
AN HIỀN
Nguồn PLO : https://plo.vn/my-tam-hoan-ap-thue-doanh-nghiep-hoi-sinh-don-hang-post843604.html