Người dân bán hàng tại chợ ở Damascus, Syria ngày 16/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Bộ Tài chính Mỹ cho biết đã cấp giấy phép chung mới để mở rộng các hoạt động và giao dịch mà người dân và doanh nghiệp Mỹ được phép tiến hành với Syria trong khi Washington tiếp tục theo dõi các diễn biến dưới chính quyền mới.
Tuy nhiên, lệnh phong tỏa tài sản của những cá nhân hoặc tổ chức hiện đang nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ được giữ nguyên. Việc chuyển tiền cho những người này cũng bị cấm, trừ một số khoản thanh toán được ủy quyền cho các tổ chức quản lý hoặc các nhà cung cấp dịch vụ liên quan tại Syria.
Bộ này cho biết quyết định này nhằm giúp đảm bảo rằng các lệnh trừng phạt không cản trở các dịch vụ thiết yếu và việc quản lý hành chính Syria, như cung cấp điện, năng lượng, nước và vệ sinh. Thứ trưởng Tài chính Wally Adeyemo cũng khẳng định Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ viện trợ nhân đạo và việc quản lý có trách nhiệm tại Syria trong giai đoạn chuyển tiếp này.
Liên quan đến vấn đề viện trợ cho Syria, ngày 6/1, một máy bay của Không quân Qatar đã chở 23 tấn viện trợ nhân đạo đến thủ đô Damascus. Quỹ Phát triển Qatar, một tổ chức chính phủ tập trung vào việc nâng cao sinh kế toàn cầu, và Qatar Charity, một tổ chức từ thiện và nhân đạo phi chính phủ có trụ sở tại Doha, cung cấp lô hàng viện trợ này. Đây là máy bay viện trợ thứ 3 hạ cánh tại Sân bay quốc tế Damascus và là máy bay thứ 8 được điều động theo sáng kiến cầu hàng không của Qatar.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông - Bắc Phi, cùng ngày, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đã thảo luận với người đồng cấp Jordan Ayman Safadi về tình hình ở Syria và công cuộc tái thiết của nước này, đặc biệt là trong các lĩnh vực giao thông, nông nghiệp và an ninh lương thực, và xây dựng lộ trình.
Về các nỗ lực chống khủng bố, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn chặn sự trỗi dậy trở lại của lực lượng "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Đồng tình với những lo ngại về an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Jordan cũng lên tiếng phản đối sự can thiệp của nước ngoài vào Syria bởi an ninh và sự ổn định của Syria gắn liền trực tiếp với an ninh của các nước láng giềng như Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó cùng ngày, phát biểu sau tại cuộc họp nội các, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhấn mạnh lập trường của nước này đối với sự thống nhất của Syria. Ông cũng ám chỉ về khả năng tiến hành một hoạt động quân sự xuyên biên giới mới tại Syria nếu Thổ Nhĩ Kỳ nhận thấy mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của mình.
Từ năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành nhiều hoạt động quân sự tại Syria bao gồm "Lá chắn Euphrates" (2016), "Cành ô liu" (2018) và "Mùa Xuân hòa bình" (2019), chủ yếu nhắm vào lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria.
Đài Trang - Nguyễn Tùng (TTXVN)