Theo Tạp chí FlightGlobal, tướng Thomas Bussiere-Chỉ huy Bộ tư lệnh tấn công toàn cầu của không quân Mỹ-đã kêu gọi đánh giá lại quy mô phi đội máy bay ném bom B-21 Raider-biệt danh “sát thủ” tàng hình do Tập đoàn Northrop Grumman sản xuất. Ông ủng hộ việc sản xuất nhanh hơn và nhiều hơn máy bay ném bom B-21 Raider thế hệ tiếp theo nhằm ứng phó với các mối đe dọa đang gia tăng nhanh chóng.
Không quân Mỹ hiện có kế hoạch mua 100 chiếc B-21, nhưng theo ông Bussiere, con số này có thể cần phải tăng lên để đáp ứng nhu cầu của chiến tranh hiện đại và những thách thức địa chính trị gia tăng. Ông nhấn mạnh, không quân Mỹ có nhu cầu lớn đối với phi đội máy bay ném bom, bao gồm cả B-52J được nâng cấp, đồng thời lưu ý rằng chúng thường xuyên được triển khai cho các hoạt động chiến đấu và răn đe chiến lược. Tướng Bussiere cho biết, các đánh giá trước đây cho rằng không quân Mỹ cần có 220 máy bay ném bom, có thể cần phải điều chỉnh theo diễn biến tình hình an ninh hiện tại.
Máy bay ném bom B-21 Raider đang trong quá trình thử nghiệm. Ảnh: Airandspaceforces
Phát biểu tại Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ Mitchell, tướng Bussiere nhấn mạnh vai trò quan trọng của B-21 dự kiến thay thế các máy bay ném bom B-1B do Boeing sản xuất và B-2 của Northrop. Ông Bussiere đã mô tả B-21 là “hệ thống vũ khí tinh vi nhất từng được chế tạo”. Nhưng những thách thức trong việc sản xuất B-21 đã dẫn đến việc thu hẹp số lượng máy bay ném bom thế hệ tiếp theo theo kế hoạch, buộc Mỹ phải duy trì các máy bay ném bom cũ trong biên chế lâu hơn so với dự kiến ban đầu.
Máy bay B-21 vẫn đang trong quá trình bay thử nghiệm, với dự kiến triển khai hoạt động ban đầu vào giữa những năm 2020. Máy bay ném bom tàng hình B-21 năm ngoái đã thực hiện chuyến bay thử đầu tiên, đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực nhằm cung cấp cho máy bay khả năng tấn công tầm xa, khả năng sống sót cao để ngăn chặn các cuộc tấn công chiến lược.
Trước đòi hỏi phải tăng cường sức mạnh không quân siêu thanh, không quân Mỹ đã nâng cấp máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit của mình bằng phần mềm tiên tiến, tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu trong bối cảnh sản xuất B-21 bị chậm trễ. Phi đội bay B-2, hiện có 19 chiếc, vẫn là máy bay ném bom xuyên giáp duy nhất của không quân Mỹ cho đến khi B-21 đạt được khả năng hoạt động ban đầu.
Theo Asia Times, không quân Mỹ cũng đang nâng cấp đáng kể đội bay ném bom B-52, biến máy bay thời Chiến tranh Lạnh thành máy bay chiến đấu hiện đại có khả năng chống lại các mối đe dọa. Các nâng cấp bao gồm động cơ được cải tiến, buồng lái kỹ thuật số, radar mảng quét điện tử chủ động (AESA), hệ thống điện tử hàng không hiện đại, khả năng tác chiến điện tử và hệ thống vũ khí tiên tiến. Được chỉ định cho B-52J, các nâng cấp này nhằm mục đích kéo dài tuổi thọ của máy bay đến những năm 2050, hoạt động cùng với B-21. B-52J cũng sẽ được trang bị vũ khí siêu thanh và các loại đạn dược tiên tiến khác, giúp tăng đáng kể khả năng tấn công của máy bay. Bất chấp những tiến bộ này, B-52J vẫn phải đối mặt với sự chậm trễ. Do thiếu hụt kinh phí và chi phí tăng trong chương trình hiện đại hóa radar, khả năng hoạt động ban đầu hiện được dự kiến vào năm 2033.
Một báo cáo của Viện nghiên cứu RAND hồi tháng 4-2023 cho biết, mặc dù Mỹ có khả năng vượt trội về không quân, nhưng họ không có lợi thế rõ ràng về khả năng tấn công siêu thanh. Báo cáo cho biết khoảng cách năng lực này có thể trở nên trầm trọng hơn do thực tế là quân đội Mỹ dựa vào vũ khí không đối đất của máy bay ném bom và máy bay chiến đấu để có khả năng tấn công tầm xa và thể hiện khả năng hỏa lực toàn cầu.
Cũng theo Asia Times, chương trình tên lửa siêu thanh của không quân Mỹ, cụ thể là vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không AGM-183 (ARRW), đang ở thời điểm quan trọng. Chương trình này đang nhận được nguồn tài trợ mới mặc dù trước đó có dấu hiệu hủy bỏ do kết quả thử nghiệm kém. ARRW, một phương tiện tăng tốc lướt siêu thanh (HGV), được thiết kế để chống lại các mục tiêu có giá trị cao, được bảo vệ nghiêm ngặt nhưng đã phải đối mặt với nhiều lần thử nghiệm thất bại, dẫn đến sự chậm trễ và cắt giảm ngân sách
Bất chấp những thất bại đó, chương trình vẫn tiếp tục với các cuộc thử nghiệm theo kế hoạch, được thúc đẩy bởi mối lo ngại ngày càng tăng về khả năng siêu thanh của không quân Trung Quốc. Không quân Mỹ cũng đang khám phá các vũ khí siêu thanh “thở bằng không khí”, có thể cung cấp các giải pháp hiệu quả hơn về chi phí và linh hoạt hơn nhưng vẫn chưa được chứng minh.
XUÂN PHONG