Mỹ thuật Hà Nam 'được mùa'

Mỹ thuật Hà Nam 'được mùa'
11 giờ trướcBài gốc
Giải thưởng này được tổ chức định kỳ 5 năm/lần do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam chủ trì xét trao giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí. Ở giải thưởng lần này, Ban tổ chức đã nhận được gần 3.500 tác phẩm thuộc 8 lĩnh vực: Văn hóa, âm nhạc, múa, sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, báo chí từ khắp mọi miền Tổ quốc gửi về tham gia bình xét.
Theo Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo giải thưởng, phía sau mỗi ánh đèn sân khấu, ẩn trong mỗi trang viết, mỗi thước phim, mỗi khung hình là sự trăn trở, mồ hôi, công sức, là những chuyến đi không quản hiểm nguy, gian khó với những trái tim nồng ấm, tư duy sáng tạo của người nghệ sỹ, luôn đau đáu góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị tư tưởng. Trong 208 tác phẩm xuất sắc được Bộ Quốc phòng trao giải, họa sỹ Nguyễn Ngần và họa sỹ Đỗ Kích của Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Hà Nam giành 01 giải A và 01 giải B tác phẩm Mỹ thuật về đề tài LLVT & CTCM.
Các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm đoạt Giải A nhận giải.
Với Đỗ Kích, ông thích mảng đề tài chiến tranh cách mạng, bởi lẽ Đỗ Kích từng là bộ đội những năm chống Mỹ, từng vào chiến trường, từng được sống trong không khí của cuộc chiến cam go, gian khổ. Hết chiến tranh, họa sỹ Đỗ Kích vẫn đau đáu nỗi lòng về đồng đội, về chiến trường xưa, về những năm tháng tuổi trẻ ông đi qua. 6 năm trong quân ngũ (từ 1970 đến 1976), cuộc sống chiến đấu đã cho ông một cái nhìn chân thực về chiến tranh, về tình cảm quân dân, về tình đồng chí đồng đội, về sự hy sinh của những người ở hậu phương... Chính vì thế, trong hàng nghìn bức vẽ của Đỗ Kích, ông dành trọn một phần cho đề tài chiến tranh cách mạng. Hình ảnh những người lính Cụ Hồ trong kháng chiến đẹp một cách giản dị và trong ngần lý tưởng; hình ảnh những người mẹ, người vợ ở hậu phương nhân hậu, hy sinh vì tiền tuyến cũng được thể hiện một cách cao cả và giàu xúc cảm...
Họa sỹ Đỗ Kích nói rằng, thực tế cuộc sống cho ông một cái nhìn chân thực và giàu cảm xúc. Đi qua chiến tranh mới hiểu hết sự mất mát, hy sinh của đồng bào, đồng chí, của dân tộc và điều đó mang đến cho ông một cảm hứng bất tận về đề tài chiến tranh cách mạng. Gửi một cái nhìn vào hiện thực trong tác phẩm, gửi một nỗi suy tư của riêng mình khi trong cuộc sống con người ta không phải lúc nào cũng có thể bộc lộ được qua giao tiếp thông thường. Chiến tranh làm cho những người đi qua nó thấy tự hào, thấy vẻ vang và can đảm hơn... “Hà Nội 12 ngày đêm” (Giải thưởng Quân đội năm 2002), “Chiến đấu đến cùng” (Huy chương Đồng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2003), “Cùng chung chiến hào Điện Biên năm xưa” (Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2004), “Đêm hành quân” (Huy chương Đồng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2005), “Đường vào chiến dịch” (Giải B Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí của Bộ Quốc phòng về đề tài LLVT &CTCM giai đoạn 2020-2025)... là những tác phẩm đánh dấu chặng đường sáng tác khá thành công của Đỗ Kích ở mảng đề tài này.
Lần đầu tiên có tác phẩm đoạt giải, lại đoạt giải cao nhất tại Giải thưởng uy tín đối với VHNT, họa sỹ Nguyễn Ngần cho biết, “Trên thao trường” là bức tranh khắc gỗ khắc họa cảnh luyện tập, huấn luyện chiến đấu của cán bộ chiến sỹ QĐND Việt Nam. Điểm đặc biệt ở tác phẩm này, Nguyễn Ngần đã tạo nên một bối cảnh huấn luyện của lực lượng không quân với những phương tiện kỹ thuật hiện đại, trong các tình huống nhanh, đòi hỏi các cán bộ, chiến sỹ thao tác hết sức thuần thục, chính xác, tập trung cao độ. Với những đường nét tinh tế, kỹ thuật chạm khắc điêu luyện, Nguyễn Ngần đã tạo nên một bức tranh sống động với những mảng tối-sáng, nét chạm nông - sâu có chủ định. Bố cục bức tranh được thể hiện khá chặt chẽ, gây ấn tượng và cảm xúc đặc biệt khi cho người xem thấy được không khí và không gian của các hoạt động trên thao trường.
Họa sỹ Nguyễn Ngần (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh lưu niệm với nhà điêu khắc Lê Khuy (cùng đoạt giải A mỹ thuật) và cán bộ Bảo tàng quân sự Việt Nam.
Họa sỹ Nguyễn Ngần chia sẻ: “Tôi vẽ khắc gỗ và đam mê sự sáng tạo này, nhưng ở đề tài LLVT & CTCM lại rất hạn chế vẽ. Tôi từng cho rằng, có sự ngăn cản trong tư duy của bản thân mình. Thứ nhất cảm hứng không dồi dào như những đề tài khác. Thứ hai không có thực tế chỉ dựa vào tư liệu và hình dung thì khó diễn đạt được hết nội tâm của vấn đề. Thứ ba, tôi đã từng loay hoay tìm một chỗ đứng để nhìn về chiến tranh – cái điều tôi chưa hòa mình vào nó nên gặp khó khăn trong thể hiện lắm”. Thế rồi, thực tế cuộc sống, những trải nghiệm giàu cảm xúc đã làm cho Nguyễn Ngần có ý tưởng đẹp về người lính. “Trên thao trường” ra đời như thế. Họa sỹ Nguyễn Ngần giờ đây nhìn vào tác phẩm của mình, ông đã có suy nghĩ khác: Mình nghĩ đề tài này đâu cần đòi hỏi cứ phải vẽ chiến tranh, anh có thể nhìn nó theo cách nhìn mới: con đường cách mạng dân tộc Việt Nam đã đi qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Quân đội chúng ta ngày một lớn mạnh, lúc nào cũng chiến đấu, xây dựng lực lượng đấy chứ. Vũ khí của chúng ta hiện đại hơn...
Hai họa sỹ của Hà Nam giành giải A và giải B Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí của Bộ Quốc phòng về đề tài LLVT & CTCM giai đoạn 2020-2025 của Bộ Quốc phòng lĩnh vực mỹ thuật. Để có thành tích này, các họa sỹ đã không ngừng tham gia các hoạt động sáng tạo mỹ thuật, vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống và công việc. So với các chi hội trong Hội VHNT tỉnh, Mỹ thuật có số hội viên không nhiều nhưng có tiềm năng và tài năng.
Theo ông Trần Đức Duy, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, Hà Nam luôn đứng trong tốp đầu về chất lượng tranh, tượng trong khu vực với các tác phẩm của họa sĩ Đỗ Kích, Nguyễn Ngần, Lê Thị Lượng, Trần Phong, Lê Minh Sơn... Mỹ thuật đã có những đóng góp đáng kể vào diện mạo chung của VHNT Hà Nam. Chỉ tính các tác phẩm đã tham gia Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, khu vực và của tỉnh đã có hàng trăm tác phẩm triển lãm, công bố, trong đó nhiều tác phẩm đạt giải thưởng của Trung ương, khu vực và của tỉnh. Năm nay, đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), mỹ thuật Hà Nam “được mùa” ở các triển lãm và giải thưởng uy tín, ghi dấu thành tựu đáng tự hào trong sự nghiệp sáng tác VHNT của các họa sỹ.
Giang Nam
Nguồn Hà Nam : https://baohanam.com.vn/van-hoa/van-hoc-nghe-thuat/my-thuat-ha-nam-duoc-mua-160422.html