Mỹ thuật Phật giáo Huế - di sản sống trong dòng chảy văn hóa Cố đô

Mỹ thuật Phật giáo Huế - di sản sống trong dòng chảy văn hóa Cố đô
9 giờ trướcBài gốc
Mỹ thuật Phật giáo Huế - giao hòa cung đình và Thiền tông
Trong khuôn khổ Tuần lễ Phật đản 2025, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán (15A Lê Lợi, thành phố Huế) trở thành điểm nhấn quan trọng của đời sống mỹ thuật Phật giáo Huế. Tại đây đã diễn ra triển lãm khoảng 100 tác phẩm của các họa sĩ, điêu khắc gia về tranh và tượng theo chủ đề Phật giáo. Những bức tranh Phật với đường nét thanh thoát, các tượng Bồ tát được tạc bằng chất liệu đất nung, sơn mài công phu tạo nên một không gian trầm mặc mà sống động.
Để chuẩn bị cho triển lãm, họa sĩ Nguyễn Thị Huệ cùng với nhiều đồng nghiệp khác đã bắt đầu những sáng tác mới về Phật giáo từ hàng tháng trước. Họa sĩ Nguyễn Thị Huệ cho hay: Phật giáo có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống mỹ thuật Huế. Hay có thể nói mỹ thuật Phật giáo là một nội dung rộng lớn đối với nghệ sĩ Cố đô. Hầu như tất cả các họa sĩ ở vùng đất này đều có sáng tác về Phật giáo trong những sáng tác của mình.
Huế, một trung tâm lớn của Phật giáo nước Việt, văn hóa Phật giáo thấm đẫm trong vùng đất và con người nơi đây. Trong các không gian chùa chiền xứ Huế, mỹ thuật Phật giáo hiện diện hài hòa, mang giá trị tôn giáo - thẩm mỹ - triết lý sâu sắc.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thanh Bình, nhà phê bình mỹ thuật (Huế), đánh giá: Phật giáo ảnh hưởng đến đời sống, thẩm mỹ của người Việt, nhưng Phật giáo trong tâm thức của người dân Huế càng lắng đọng hơn, thúc đẩy các sáng tạo về mỹ thuật. So với các vùng, miền khác, các họa sĩ, nghệ sĩ ở Huế từ già tới trẻ đều quan tâm đến Phật giáo. Nhiều họa sĩ sáng tác về Phật giáo xuyên suốt từ xưa đến nay, góp phần tạo cho Phật giáo Huế bản sắc riêng.
Nhiều cao tăng Phật giáo Huế cho rằng, mỹ thuật Phật giáo Huế chịu nhiều ảnh hưởng từ mỹ thuật cung đình. Điều đó thể hiện ở sự xuất hiện khá dày đặc của “Tứ linh” (Long - Lân - Quy - Phượng); màu sắc chùa thì trầm mặc hơn, kiến trúc theo lối chữ Khẩu. Nguyên do là nhiều giai đoạn phong kiến triều Nguyễn tôn sùng Phật giáo, có nhiều ngôi chùa được xây dựng dưới sự bảo trợ của các nhà vua, hoàng thái hậu, hoàng thân, hay do giám quan xây dựng. Sau khi rời quan trường, nhiều hoàng thân, giám quan đã đến các chùa Thiên Mụ, Từ Hiếu, Quốc Ân… xuống tóc quy y cửa Phật, thành cao tăng đắc đạo. Trong số những vua, quan có ảnh hướng đến Phật giáo thì Chúa Nguyễn Phúc Chu có ảnh hưởng sâu đậm hơn cả.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Phan Thanh Bình cho rằng, Phật giáo Huế chịu ảnh hưởng từ rất nhiều phong cách ngoài nét cung đình là Phật giáo Chăm Pa, Ấn Độ, văn hóa cổ của người Việt… Phật giáo Huế nằm trong không gian văn hóa liên quan đến cái nôi văn hóa Chăm Pa, là mạch nối của văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh và dòng chảy văn hóa Trung - Ấn và đa đảo. Trong mỹ thuật, Phật giáo Huế có âm điệu của Chăm Pa như màu xanh chàm, cây chuối với con voi, chiếc hồ lô, các vật phẩm, pháp khí huyền bí…
Ngoài những yếu tố đó, mỹ thuật Phật giáo Huế, về bản chất Phật học, chủ yếu được truyền từ Thiền phái Liễu Quán. Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán (1667-1742, tại xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Ngài chứng đắc được Bát nhã và Thiền, đặt nền móng cho hệ phái Thiền tông Lâm tế Liễu Quán ở xứ Đàng trong, đặc biệt là ở Huế. Hầu hết các Tổ đình lớn ở Cố đô đều đi theo dòng phái này cho đến ngày nay.
Bản sắc Huế -hồn Việt trong mỹ thuật Phật giáo
Suốt một thời gian dài, Phật giáo đã bị “thị trường hóa”; các yếu tố mỹ học, mỹ thuật của Phật giáo đã bị vọng ngưỡng theo bên ngoài, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự thuần khiết, tinh tế, bản sắc dân tộc.
Phật giáo Huế, với nền tảng các Tổ đình có bề dày lịch sử vẫn còn giữ được những yếu tố khác biệt trong mỹ thuật Phật giáo. Bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni tại chính điện chùa Từ Đàm vẫn được xem là một trong những biểu tượng của mỹ thuật Phật giáo Huế. Tác phẩm thể hiện đức Phật ngồi trên tòa sen tay bắt ấn tam muội, cao 1,3m bằng đồng; do nhà Phật học Nguyễn Khoa Toàn cùng nghệ nhân Nguyễn Hữu Tuân thực hiện vào năm 1940.
Họa sĩ Đặng Mậu Tựu, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Huế, đánh giá rằng từ đó đến nay, pho tượng này đã trở thành biểu tượng tâm linh và nghệ thuật của chùa, đồng thời là minh chứng cho sự kết hợp hài hòa giữa mỹ thuật Phật giáo và bản sắc văn hóa Huế.
Tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán đang trưng bày một số tượng Phật được chế tác từ triều Nguyễn mang âm hưởng Phật giáo Việt. Hình tướng của Phật không đầy đặn, mập mạp, huyền bí mà mang sắc thái bình dị, gầy, đầu to… kiểu thường thấy trong dòng Thiền phái Trúc lâm Việt Nam, dân dã mà uy nghiêm; hoặc những pho tượng Phật ở các Tổ đình Từ Hiếu, chùa Phước Duyên đều mang đậm âm hưởng Việt.
Theo họa sĩ Đặng Mậu Tựu, đang có một phong trào sáng tác mới ở Huế về mỹ thuật Phật giáo. Nơi các nghệ sĩ, họa sĩ đang có xu hướng Việt hóa và Huế hóa những giá trị mỹ thuật Phật giáo mà vẫn giữ được giá trị cốt lõi của Phật học.
Họa sĩ trẻ Phan Thanh Hùng - người đã tham gia nhiều chương trình sáng tác mỹ thuật Phật giáo cho hay: “Các họa sĩ trẻ ngày nay đang sáng tác nhiều về Phật giáo và muốn Việt hóa, Huế hóa những hình tượng Phật giáo. Nhiều họa sĩ trẻ rất nghiêm túc trong sáng tác về Phật giáo, trước và trong giai đoạn sáng tác, họ tham gia thiền và giữ giới để có thể tạo ra những tác phẩm đặc sắc có hồn ”.
Họa sĩ tin tưởng vào xu hướng sáng tác mỹ thuật Phật giáo sẽ mang đậm yếu tố dân tộc và bản sắc Huế vì 3 yếu tố: Giới họa sĩ trẻ ngày càng thấu hiểu về Phật giáo; có tư duy cuộc sống trong lành và từ bi, thân thiện; hầu hết đều có tu tập, thiền định, xem đó là một phần trong cuộc sống bình thường dù không quy y.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thanh Bình, nhận định: Xu hướng Việt hóa hình tượng Phật, Bồ tát đã có từ lâu và hiện tại ở Huế đang có xu hướng “Huế hóa” trong sáng tác mỹ thuật Phật giáo. Dễ thấy nhất hiện nay là hình tượng về hoa sen, đang có hơi hướng đậm nét về chất cung đình, chất ca Huế hay âm điệu Huế bên cạnh hình tượng là biểu trưng của Phật giáo.
Giữa những dòng chảy văn hóa và tôn giáo, Huế đã chọn cho mình một con đường đặc biệt, dung hợp tinh thần Phật giáo với cốt cách nghệ thuật thuần Việt. Không có sự xa rời quần chúng, không có những tạo tác hoành tráng kiểu cung đình phương Bắc, thay vào đó là nét duyên ngầm, sự tinh lọc, “vừa vặn” với tâm hồn người dân xứ kinh kỳ.
Kha Phạm - Hải Âu (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/van-hoa/my-thuat-phat-giao-hue-di-san-song-trong-dong-chay-van-hoa-co-do-20250509100010434.htm