Hôm 13/5, Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) thuộc Bộ Thương mại Mỹ ban hành các hướng dẫn mới về chip cho các ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Trong số này có một "cảnh báo" cho ngành công nghệ về việc sử dụng chip tiên tiến từ Trung Quốc - cụ thể là chip Ascend 910B, 910C, 910D của Huawei - mà không có giấy phép là vi phạm các quy tắc kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.
Huawei tiếp tục là mục tiêu trấn áp của Chính phủ Mỹ. Ảnh: Bloomberg
Giải thích về động thái này, BIS cho biết việc phát triển và sản xuất chip Ascend "có khả năng" vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Do đó, bất kỳ cá nhân hoặc công ty nào trong hoặc ngoài nước Mỹ sử dụng chúng mà không có sự cho phép của BIS cũng sẽ vi phạm các quy tắc liên quan và có thể phải đối mặt với "các hình phạt hình sự và hành chính đáng kể và bao gồm bỏ tù, phạt tiền, mất đặc quyền xuất khẩu hoặc các hạn chế khác”.
BIS sẽ không tiến hành xử lý đối với các bên mua chip Ascend chỉ nhằm mục đích phân tích kỹ thuật hoặc đánh giá năng lực kỹ thuật của chip.
Chip AI Ascend dùng trong đào tạo và suy luận đang trở nên phổ biến ở Trung Quốc, đặc biệt khi nhà phát triển chip AI hàng đầu Nvidia bị kiểm soát xuất khẩu chặt hơn khiến việc phục vụ khách hàng đại lục trở nên khó khăn hơn. Chính phủ Trung Quốc cũng đang khuyến nghị các công ty địa phương ứng dụng nhiều giải pháp nội địa hơn. Các doanh nghiệp công nghệ trong nước như iFlytek và SenseTime là những người dùng trung thành của Huawei.
CEO Nvidia Jensen Huang hơn một lần mô tả Huawei là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm.
Cuộc trấn áp mới nhất đối với Huawei diễn ra chỉ một ngày sau khi Washington và Bắc Kinh công bố thỏa thuận tạm thời cắt giảm thuế quan trong 90 ngày, vốn được xem là bước ngoặt lớn trong căng thẳng thương mại giữa hai bên.
Theo Jonah Cheng, Giám đốc đầu tư của Công ty cổ phần tư nhân J&J Investment, quy định mới nhất của Mỹ sẽ có tác động hạn chế đến ngành công nghiệp bán dẫn vì chip Ascend đang khan hàng.
"Chip Ascend thậm chí không đủ cho Huawei dùng riêng, chứ đừng nói đến việc cung cấp nó ở nước ngoài", ông Cheng, người đã theo dõi ngành công nghiệp chip trong nhiều thập kỷ, trả lời trên Nikkei. Ông cho rằng, tác động của các biện pháp kiểm soát xuất khẩu tháng 1 - hạn chế các nhà sản xuất chip và các nhà đóng gói chip cung ứng cho khách hàng Trung Quốc - còn lớn hơn nhiều.
Thắng lợi lớn với Nvidia
Cũng trong ngày 13/5, BIS ban hành ba hướng dẫn mới về kiểm soát xuất khẩu chip sau khi chính thức hủy bỏ quy định hạn chế xuất khẩu chip AI thời cựu Tổng thống Joe Biden. Quy tắc này phân loại các quốc gia thành 3 cấp và áp đặt các giới hạn đối với cấp 2 và 3. Theo đó, ngay cả các đồng minh như Mexico cũng sẽ phải đối mặt với những hạn chế về số lượng chip AI tiên tiến có thể nhập khẩu từ Mỹ.
BIS cho biết sẽ ban hành một quy tắc thay thế "trong tương lai".
Việc hủy bỏ quy tắc cũ đánh dấu thắng lợi lớn cho các nhà sản xuất chip Mỹ, đặc biệt là Nvidia. CEO Huang đã vận động hành lang để nới lỏng các các quy tắc kiểm soát xuất khẩu chip, lập luận rằng Mỹ đang bỏ lỡ cơ hội khi Washington và Bắc Kinh chạy đua để thống trị kỷ nguyên AI.
"Nếu chúng ta không phục vụ một thị trường cụ thể, rời bỏ hoàn toàn một thị trường, không bất ngờ nếu ai đó sẽ nhảy vào”, ông Huang trình bày trước khán giả tại Hội nghị Milken ở Los Angeles vào tuần trước.
Ông cho biết các công ty như Huawei, "một trong những doanh nghiệp công nghệ đáng gờm nhất trên thế giới", sẽ bước vào các thị trường mà Nvidia vắng mặt, "như họ đã làm như vậy ở Trung Quốc".
Ông Huang, thành viên của phái đoàn do Nhà Trắng dẫn đầu đến Ả Rập Xê Út, cho biết Nvidia sẽ bán hơn 18.000 chip Blackwell cho công ty AI Humain của nước này.
Một nhà đầu tư tại một văn phòng gia đình ở Dubai tiết lộ các nước Trung Đông vẫn mở cửa cho cả công nghệ AI của Mỹ và Trung Quốc, nhưng quy định mới nhắm vào chip Huawei có thể buộc họ phải chọn một.
Chiu Shih-fang, nhà phân tích chuỗi cung ứng công nghệ cấp cao của Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan (TIER), nhận xét quy định mới của chính quyền Donald Trump đối với chip Huawei cho thấy Mỹ sẽ tiếp tục thắt chặt kiểm soát đối với các ngành công nghiệp cụ thể, bất chấp cuộc chiến thương mại gần đây đã giảm leo thang.
"Để đảm bảo lợi thế chiến lược của nước Mỹ, dự kiến các cuộc đàm phán thương mại của Washington với các nước khác cũng sẽ tập trung vào kiểm soát công nghệ đối với Trung Quốc”, bà nói.
(Theo Nikkei)
Du Lam