Mỹ triển khai B-1B Lancer tới Nhật Bản trong động thái mạnh mẽ ở Thái Bình Dương

Mỹ triển khai B-1B Lancer tới Nhật Bản trong động thái mạnh mẽ ở Thái Bình Dương
10 giờ trướcBài gốc
Việc bố trí cùng lúc 10 máy bay ném bom chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Trung Đông đánh dấu sự thay đổi lịch sử trong tư thế quân sự của Mỹ, vì đây là lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Việt Nam, máy bay ném bom tầm xa được triển khai tại Nhật Bản trong thời gian dài.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là xung quanh Biển Đông và Eo biển Đài Loan, đồng thời báo hiệu chiến lược rộng lớn hơn của Mỹ nhằm chống lại quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc trong khi củng cố liên minh với Nhật Bản, Hàn Quốc và các đối tác khu vực khác.
Ngoài hoạt động luân chuyển thường lệ, đợt triển khai này đặt ra câu hỏi về các mục tiêu dài hạn của Lầu Năm Góc tại một khu vực mà sự cạnh tranh giữa các cường quốc đang ngày càng gia tăng.
Máy bay ném bom B-1B Lancer
Quyết định triển khai B-1B tại Nhật Bản lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ đánh dấu sự thay đổi đáng kể so với các hoạt động trước đây, vốn phụ thuộc nhiều vào Guam, Úc và Diego Garcia để triển khai máy bay ném bom ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong Chiến tranh Việt Nam, B-52 hoạt động từ Căn cứ Không quân Kadena ở Okinawa nhưng các đợt luân chuyển máy bay ném bom liên tục ở Nhật Bản đã chấm dứt sau đó do các vấn đề nhạy cảm về chính trị và sự sẵn có của các căn cứ thay thế.
Sự trở lại Misawa cho thấy sự điều chỉnh lại chiến lược của Mỹ để ứng phó với sự gia tăng quân sự của Trung Quốc, bao gồm các hệ thống chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) tiên tiến như tên lửa "sát thủ tàu sân bay" DF-21D và hệ thống phòng không S-400 mua của Nga.
Máy bay ném bom B-1B bay cùng phi đội tiêm kích
Bằng cách bố trí máy bay ném bom gần hơn với các điểm nóng tiềm tàng, Mỹ muốn làm phức tạp kế hoạch tác chiến của Trung Quốc trong khi trấn an các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc, cả hai đều đang phải đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng từ chương trình tên lửa của Triều Tiên và các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Yếu tố con người đằng sau đợt triển khai này cũng đáng chú ý không kém. Phi đội ném bom viễn chinh số 9, chịu trách nhiệm cho nhiệm vụ B-1B, là một đơn vị dày dạn kinh nghiệm với lịch sử hoạt động ở Trung Đông, Châu Âu và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Máy bay ném bom tàng hình B-2
Đối với Trung Quốc, sự hiện diện của B-1B và B-2 trong phạm vi tấn công nhấn mạnh khả năng của Lầu Năm Góc trong việc triển khai sức mạnh sâu vào các khu vực tranh chấp, thách thức chiến lược A2/AD của Bắc Kinh. Triều Tiên, nước đã đe dọa trả đũa không xác định sau khi B-1B bay qua Hàn Quốc, cũng có thể điều chỉnh lại các hành động khiêu khích của mình để đáp trả màn phô trương sức mạnh này.
Việc triển khai này trùng với các hoạt động quân sự gần đây của Trung Quốc, bao gồm các chuyến bay tăng cường của máy bay ném bom H-6N gần Đài Loan và các cuộc tập trận hải quân chung với Nga ở Biển Nhật Bản. Mặc dù nguyên nhân trực tiếp vẫn chưa rõ ràng, những diễn biến song song này cho thấy động thái ăn miếng trả miếng trong khu vực, nơi mỗi bên đều tìm cách khẳng định sự thống trị mà không leo thang thành xung đột công khai.
Theo Bulgarianmilitary
Việt Hùng
Theo Bulgarianmilitary
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/my-trien-khai-b-1b-lancer-toi-nhat-ban-trong-dong-thai-manh-me-o-thai-binh-duong-post609398.antd