Mỹ - Trung đàm phán 'tháo ngòi' thương chiến

Mỹ - Trung đàm phán 'tháo ngòi' thương chiến
7 giờ trướcBài gốc
Nền tảng mới cho đối thoại thương mại
Trong hai ngày 10 và 11/5, các quan chức kinh tế cấp cao của Mỹ và Trung Quốc đã tiến hành đàm phán tại Geneva, Thụy Sĩ nhằm giải quyết những bất đồng về thương mại và thuế quan. Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đối đầu kinh tế kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, bởi đây là cuộc gặp đầu tiên của quan chức hai nước kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nâng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc lên 145%, trong khi Bắc Kinh đáp trả bằng mức thuế lên tới 125% đối với hàng hóa Mỹ.
Kết thúc phiên đàm phán kéo dài hai ngày tại Thụy Sĩ, quan chức cả hai nước đều đánh giá cuộc thảo luận là “hiệu quả”, “thẳng thắn” và “mang tính xây dựng”. Theo tuyên bố chung được công bố ngày 12/5, hai bên nhất trí giảm mạnh thuế quan đối với hàng hóa của nhau trong thời hạn ban đầu là 90 ngày. Bước đột phá này dù chỉ là tạm thời, nhưng đã mở ra hy vọng về một thỏa thuận thương mại mới, giúp giảm thuế và hạ nhiệt căng thẳng toàn cầu, trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung cùng với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế quan cao đối với hàng chục quốc gia khác đang làm gia tăng nguy cơ về một cuộc suy thoái toàn cầu nghiêm trọng.
Dẫn đầu phái đoàn đàm phán Trung Quốc là Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế Hà Lập Phong; trong khi đoàn đàm phán Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent dẫn đầu.
Cuộc gặp tại Geneva do Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ làm trung gian tổ chức, diễn ra kín đáo nhưng được đánh giá là bước đi quan trọng để hai nền kinh tế tìm kiếm giải pháp mà cả hai bên có thể chấp nhận.
Theo tuyên bố chung được hai nước đưa ra sau cuộc đàm phán vào cuối tuần qua, từ ngày 14/5, Mỹ sẽ tạm thời giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc từ 145% xuống 30%, trong khi Trung Quốc cũng sẽ giảm thuế đối với hàng nhập khẩu của Mỹ từ 125% xuống 10%.
Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận về việc tạm dừng và giảm đáng kể các mức thuế quan trong 90 ngày. Cả hai bên sẽ giảm thuế đối ứng của mình xuống 115%. Chúng tôi đã có những cuộc thảo luận rất sôi nổi. Cả hai bên đều thể hiện sự tôn trọng lớn.
Ông Scott Bessent - Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ
Theo tuyên bố chung, hai bên cũng nhất trí thiết lập “một cơ chế để tiếp tục thảo luận về quan hệ kinh tế và thương mại”, do Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer dẫn đầu.
Các cuộc thảo luận này có thể được tiến hành luân phiên tại Trung Quốc và Mỹ hoặc một quốc gia thứ ba theo thỏa thuận của các bên. Theo yêu cầu, hai bên có thể tiến hành tham vấn cấp độ làm việc về các vấn đề kinh tế và thương mại có liên quan.
Các quan chức Mỹ trước đó cho biết, kết thúc đàm phán tại Geneva, hai bên đã đạt được thỏa thuận cho các vấn đề thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Về phần mình, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong nhấn mạnh rằng cuộc họp đã đạt được “tiến triển đáng kể” và “sự đồng thuận quan trọng”, tạo tiền đề cho hợp tác lâu dài thông qua cơ chế tham vấn thương mại mới.
Nhờ những nỗ lực chung của cả hai bên, cuộc gặp đã diễn ra hiệu quả và là bước đi đầu tiên quan trọng mà hai bên thực hiện để giải quyết thỏa đáng những khác biệt thông qua đối thoại bình đẳng.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong.
Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Lý Thành Cương cho biết, hai nước nhất trí thiết lập một cơ chế chung, tập trung cho việc liên lạc để giải quyết những bất đồng liên quan tới các vấn đề thương mại.
Theo giới quan sát, việc hai bên đạt được thỏa thuận giảm thuế và đồng thuận tổ chức các vòng đàm phán tiếp theo là kết quả tích cực.
Thu hẹp bất đồng
Theo giới quan sát, căn nguyên của thương chiến là sự mất cân đối trong cấu trúc thương mại toàn cầu, nơi thế giới phụ thuộc vào sản xuất giá rẻ và hiệu quả từ Trung Quốc, trong khi tiêu dùng chủ yếu đến từ tầng lớp trung lưu Mỹ sẽ không thể được giải quyết trong một cuộc họp hay một tuần lễ. Tuy nhiên, thị trường có thể tạm yên tâm khi thấy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có cơ hội làm dịu tình hình, tránh nguy cơ căng thẳng thương mại lan rộng sang lĩnh vực tài chính và địa chính trị. Trong bối cảnh ấy, những tiến bộ đạt được tại vòng đàm phán lần này giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã được đón nhận tích cực.
Trung Quốc vốn là tâm điểm trong cuộc chiến thương mại toàn cầu do Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động. Theo số liệu do Hải quan Trung Quốc công bố, kim ngạch thương mại Mỹ - Trung Quốc đạt 668 tỷ USD trong năm 2024. Tuy nhiên, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc rất lớn, lên tới 361 tỷ USD.
Tổng thống Donald Trump luôn phản đối thâm hụt thương mại. Ông cho rằng điều này thể hiện nước Mỹ đang bị “lợi dụng” và đối xử bất công. Do đó, tại cuộc đàm phán lần này, ưu tiên hàng đầu của Washington là giảm thâm hụt thương mại với Bắc Kinh, đồng thời thuyết phục Trung Quốc từ bỏ mô hình kinh tế trọng thương, đóng góp nhiều hơn cho tiêu dùng toàn cầu - sự chuyển đổi đòi hỏi Trung Quốc phải thực hiện nhiều cải cách trong nước.
Về phần mình, Bắc Kinh phản đối cái gọi là sự can thiệp từ bên ngoài. Trung Quốc muốn Washington giảm thuế, làm rõ những mặt hàng mà Mỹ muốn Trung Quốc tăng mua và đối xử bình đẳng với Trung Quốc trên trường quốc tế.
Theo một số nhà quan sát, so với nhiệm kỳ trước của ông Trump, khoảng cách giữa hai bên hiện sâu sắc hơn. Ngoài thuế quan ở mức ba chữ số mà thị trường coi như hình thức “cấm vận thương mại ngầm”, các chủ đề phi thương mại như kiểm soát fentanyl, hạn chế công nghệ và căng thẳng địa chính trị cũng làm phức tạp thêm tiến trình đàm phán.
Trong bối cảnh ấy, việc hai bên chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán và thực tế cuộc đàm phán diễn ra đã là một thành công.
Cuộc gặp tại Geneva đánh dấu lần tiếp xúc chính thức công khai đầu tiên giữa quan chức cấp cao của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nhằm tháo gỡ căng thẳng thương mại đang có nguy cơ tác động tiêu cực đến tăng trưởng toàn cầu.
Ngay sau khi thông tin nêu trên được công bố, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala khẳng định, đây là một bước tiến lớn, tiến trình này không chỉ quan trọng đối với Mỹ và Trung Quốc mà còn đối với phần còn lại của thế giới, bao gồm cả những nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất.
Trước đó, hồi trung tuần tháng 4, bà Okonjo-Iweala đã cảnh báo về những tác động đối với kinh tế thế giới, trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung.
Trong khi thương mại Mỹ - Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 3% thương mại hàng hóa thế giới, việc tách rời giữa hai nền kinh tế lớn có thể gây ra hậu quả sâu rộng nếu nó góp phần vào sự phân mảnh rộng hơn của nền kinh tế toàn cầu theo các đường lối địa chính trị thành hai khối biệt lập. Ước tính của chúng tôi cho thấy GDP toàn cầu sẽ giảm gần 7% trong dài hạn. Điều này khá nghiêm trọng.
Bà Ngozi Okonjo-Iweala - Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới
Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó cũng đã ca ngợi tiến triển sau ngày đàm phán đầu tiên trong một bài đăng trên nền tảng mạng xã hội Truth Social, nhưng không cung cấp nhiều chi tiết. “Một cuộc họp rất tốt hôm nay với Trung Quốc, tại Thụy Sĩ. Nhiều điều đã được thảo luận, nhiều điều đã được nhất trí”, ông Trump viết.
Thị trường chứng khoán trên toàn thế giới tăng điểm trong ngày 12/5 sau khi Mỹ và Trung Quốc đồng ý bãi bỏ mạnh mẽ thuế quan đối với hàng hóa của nhau trong thời hạn 90 ngày đầu tiên.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 3,4% vào cuối buổi chiều theo giờ địa phương. Tại châu Âu, chỉ số DAX của Đức và CAC của Pháp lần lượt tăng 1,2% và 1% vào đầu phiên giao dịch. Chỉ số FTSE của London tăng 0,3%. Hợp đồng tương lai của Mỹ cũng tăng. Chỉ số Dow Jones mở cửa tăng 2,1%, trong khi hợp đồng tương lai của S&P 500 và Nasdaq thiên về công nghệ lần lượt tăng 2,7% và 3,6%. Dầu thô Brent, chuẩn mực dầu mỏ toàn cầu, đang giao dịch tăng 2,8%.
Cơ hội thoát thế “cùng thua”
Những tiến triển trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung diễn ra trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được dự báo chịu tổn thất nghiêm trọng vì cuộc chiến thương mại. Đến nay, nhiều dấu hiệu tổn thương đã bắt đầu xuất hiện, cả về sản xuất, tiêu dùng lẫn tăng trưởng GDP.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhấn mạnh rằng, thuế quan sẽ khiến nước Mỹ mạnh hơn, trong khi Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ “chiến đấu đến cùng”, nhưng thực tế là các khoản thuế đang gây tổn hại cho cả hai nước.
Theo dữ liệu của chính phủ, sản lượng nhà máy tại Trung Quốc đã bị ảnh hưởng. Hoạt động sản xuất trong tháng 4 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2023. Và một cuộc khảo sát của hãng tin Caixin được công bố mới đây cho thấy, hoạt động dịch vụ đã ở mức thấp nhất trong 7 tháng.
Tôi nghĩ Trung Quốc nhận ra rằng có thỏa thuận vẫn tốt hơn là không có thỏa thuận. Vì vậy, họ đã có quan điểm thực tế và nói rằng: ‘Được rồi, chúng ta cần phải bắt đầu các cuộc đàm phán này.’
Giáo sư Bert Hofman - Viện Đông Á, Đại học Quốc gia Singapore.
Và vì vậy, ngay khi kỳ nghỉ lễ lớn nhân dịp Ngày Quốc tế Lao động ở Trung Quốc kết thúc, các quan chức nước này đã quyết định rằng đã đến lúc phải đàm phán.
Về phía Mỹ, sự bất ổn do thuế quan gây ra đã khiến nền kinh tế nước này rơi vào suy thoái lần đầu tiên sau ba năm. Và các ngành công nghiệp vốn phụ thuộc lâu dài vào hàng hóa do Trung Quốc sản xuất đặc biệt lo lắng.
Một ví dụ điển hình là ngành đồ chơi Mỹ. Một khảo sát mới từ Hiệp hội Đồ chơi Mỹ cho thấy, các công ty của nước này đang trì hoãn hoặc hủy đơn hàng hàng loạt, với 46% doanh nghiệp nhỏ và 45% doanh nghiệp lớn có nguy cơ phá sản trong vài tuần hoặc vài tháng tới nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không được giải quyết.
Trung Quốc từ lâu đã là trung tâm sản xuất đồ chơi toàn cầu, đặc biệt là cho thị trường Mỹ. Khoảng 80 - 85% đồ chơi bán ra tại Mỹ được sản xuất tại Trung Quốc, nhờ vào mạng lưới nhà máy quy mô lớn, chuỗi cung ứng hiệu quả và chi phí lao động thấp.
Bản thân Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng thừa nhận rằng, người tiêu dùng Mỹ sẽ cảm thấy đau đớn.
Vâng, có thể trẻ em sẽ có hai con búp bê thay vì 30 con búp bê và có thể hai con búp bê sẽ đắt hơn một vài USD so với giá thông thường.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Thương chiến cũng có nguy cơ gây ra những tác động chính trị, khi tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump giảm do lo ngại về lạm phát và suy thoái kinh tế. Hơn 60% người Mỹ cho rằng ông Trump tập trung quá nhiều vào thuế quan.
Mặt khác, thời điểm này cũng rất quan trọng đối với Bắc Kinh khi cuộc đàm phán thương mại với Mỹ diễn ra cùng thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có chuyến thăm Nga. Ông là khách mời danh dự tại lễ duyệt binh kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng của Liên Xô và quân đồng minh trước Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai.
Việc nhà lãnh đạo Trung Quốc xuất hiện cùng các nhà lãnh đạo từ khắp Nam Bán cầu tại buổi lễ là một lời nhắc nhở với chính quyền Trump rằng Trung Quốc không chỉ có các lựa chọn khác cho thương mại mà còn thể hiện mình là một nhà lãnh đạo toàn cầu thay thế. Trong khi đó, Mỹ cần phải cân nhắc đến lợi ích địa chính trị của mình nếu tiếp tục cuộc thương chiến này.
Việc cả Mỹ và Trung Quốc cùng ngồi vào bàn đàm phán với kết quả tích cực về việc giảm thuế quan lẫn nhau trong thời hạn 90 ngày, đã thắp lên hy vọng về một sự “tan băng” trong quan hệ thương mại, vốn mang lại lợi ích không chỉ cho hai quốc gia mà còn cho toàn bộ nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi sự nhượng bộ và thiện chí thực sự từ cả hai phía để có thể đạt được một thỏa thuận bền vững và công bằng.
Minh Thúy
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/my-trung-dam-phan-thao-ngoi-thuong-chien-329059.htm