Cụ thể, Mỹ giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc từ 145% xuống còn 30% trong 90 ngày. Đổi lại, Trung Quốc giảm thuế đối với hàng hóa Mỹ từ 125% xuống 10% trong cùng thời gian trên.
Cho dù cách biểu lộ quan điểm và thái độ của hai bên không giống nhau thì kết quả đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn là hai bên đã chạm tay tới một thỏa hiệp lâu dài. Kết quả trên vừa giúp không để xảy ra cuộc thương chiến thuế quan bảo hộ thương mại song phương, vừa định hình lại toàn bộ mối quan hệ hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại giữa hai bên.
Diễn biến mới này trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc gây bất ngờ cho thế giới bên ngoài. Trung Quốc là đối tác kinh tế và thương mại duy nhất của Mỹ bị Tổng thống Mỹ Donald Trump từ sau khi trở lại cầm quyền ở nước Mỹ muốn thực hiện rốt ráo nhất về thuế quan bảo hộ thương mại. Dưới góc nhìn của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nước Mỹ luôn thiệt thòi trong quan hệ thương mại với Trung Quốc. Cho nên, việc cần làm là cân bằng quan hệ thương mại giữa hai bên. Mức độ thuế quan bảo hộ thương mại rất cao mà ông Trump từng áp cho hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ và mức độ đáp trả của Trung Quốc thể hiện rất rõ mối bất hòa này giữa Mỹ và Trung Quốc sâu sắc đến mức nào.
Vì thế, thế giới bên ngoài bị bất ngờ khi Mỹ và Trung Quốc từ chỗ kiên quyết không chịu xuống thang căng thẳng và kiên quyết "ăn miếng, trả miếng" đã nhanh chóng đi vào đàm phán thương mại với nhau. Và ngay trong lần đàm phán trực tiếp đầu tiên kể từ khi xảy ra cuộc chiến thuế quan từ tháng 4 vừa qua, hai bên đã đạt được kết quả đàm phán tích cực và quan trọng. Qua đó, có thể thấy hai bên đều cần cả tác động chính trị của việc đàm phán thương mại với nhau lẫn kết quả đàm phán cụ thể.
Xem ra, cả Mỹ và Trung Quốc đều đã cùng ý thức được về điểm dừng trong lần thương chiến thuế quan bảo hộ thương mại. Nếu cứ tiếp tục leo thang thì chẳng mấy chốc hai bên sẽ đẩy nhau tới ranh giới giữa còn duy trì hoặc hủy bỏ trao đổi thương mại và hợp tác kinh tế với nhau. Đây là điều mà cả nền kinh tế Mỹ lẫn nền kinh tế Trung Quốc đều không thể chịu đựng nổi - đặc biệt khi mối bất hòa này hoàn toàn có thể hóa giải. Ngay đến chính đặc phái viên của Mỹ về thương mại Jamieson Greer cũng đã xác nhận, sự bất đồng quan điểm giữa Mỹ và Trung Quốc "không lớn như đã nghĩ".
Trung Quốc có nhu cầu thiết thực trong việc gấp rút xử lý ổn thỏa xung khắc thương mại lần này với Mỹ cũng nhằm tránh hệ lụy không đáng có. Trong đó, có việc tránh kịch bản phải xử lý việc này với Mỹ sau khi Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại mới với tất cả các đối tác kinh tế và thương mại khác trên thế giới, đặc biệt với những đối tác lớn như Anh, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Khi ấy tình thế sẽ bất lợi hơn cho Trung Quốc.
Mỹ cũng cần nhanh chóng đạt được thỏa thuận thương mại mới với Trung Quốc vì ông Trump cần thành tựu cầm quyền cụ thể. Và chắc chắn, thỏa thuận với Trung Quốc sẽ giúp Mỹ có lợi thế lớn trong đàm phán thương mại với các đối tác khác. Bên "cầu" gặp bên "ước" nên thương thảo nhanh chóng đạt kết quả như vậy.
Đại sứ Trần Đức Mậu