Chiếc xe chở Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent rời khỏi khu dinh thự nơi diễn ra cuộc đàm phán thương mại giữa phái đoàn Trung Quốc và Mỹ tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 10/5. Ảnh: Reuters.
Cuộc gặp sáng ngày 10/5 tại Geneva (Thụy Sỹ) đánh dấu lần đầu tiên hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đối thoại trực tiếp sau nhiều tuần căng thẳng leo thang, khi mức thuế nhập khẩu áp lên hàng hóa của nhau đã vượt mốc 100%, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gây biến động thị trường tài chính và dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.
Mọi thông tin về địa điểm đàm phán đều được giữ kín, song một nhân chứng cho biết đã thấy hơn một chục xe cảnh sát đậu trước một biệt thự yên tĩnh ở ngoại ô Geneva.
Một thông tin khác cho biết các xe Mercedes đen kính tối đã rời khách sạn nơi đoàn Trung Quốc lưu trú bên hồ Geneva, giữa lúc người dân địa phương đang khởi động cho cuộc chạy marathon cuối tuần, theo Reuters.
Phía Mỹ có hơn 10 quan chức tham gia, trong đó có ông Bessent và Đại diện Thương mại Jamieson Greer. Các thành viên trong phái đoàn Mỹ rời khách sạn với nụ cười trên môi, cà vạt đỏ nổi bật và cờ Mỹ cài trên ve áo. Tuy nhiên, ông Bessent từ chối trả lời báo chí.
Trước đó, Washington kỳ vọng đối thoại sẽ giúp thu hẹp thâm hụt thương mại với Trung Quốc và thúc ép Bắc Kinh từ bỏ mô hình kinh tế được cho là mang tính "trọng thương" - vốn bị chỉ trích là bóp méo cạnh tranh toàn cầu - và thay vào đó, đóng góp nhiều hơn vào tiêu dùng toàn cầu.
Ngược lại, Bắc Kinh phản đối điều họ gọi là sự can thiệp từ bên ngoài. Trung Quốc muốn Mỹ giảm thuế, làm rõ những mặt hàng cần Bắc Kinh tăng mua và quan trọng nhất là đối xử với Trung Quốc như một đối tác bình đẳng trên trường quốc tế.
Dù vậy, các nhà phân tích cảnh báo không nên kỳ vọng quá nhiều vào vòng đàm phán lần này, khi cả hai bên đều giữ lập trường cứng rắn và không muốn thể hiện sự yếu thế.
Tổng thống Donald Trump hôm 9/5 đã tiếp tục gây chú ý khi tuyên bố mức thuế 80% với hàng hóa Trung Quốc là "phù hợp", lần đầu đưa ra một phương án thay thế cho mức 145% mà ông đã áp trước đó. Ông Trump cũng khẳng định chính Bắc Kinh là bên khởi xướng cuộc đàm phán.
Trong khi đó, Trung Quốc bác bỏ thông tin trên, cho rằng Washington mới là bên đề nghị đối thoại và chính sách phản đối thuế quan của họ vẫn không thay đổi.
Giới quan sát nhận định Bắc Kinh có thể đang tìm kiếm một "khoảng hoãn" thuế quan kéo dài 90 ngày, tương tự những gì Mỹ từng dành cho một số quốc gia khác để có thêm thời gian đàm phán. Bất kỳ động thái nào liên quan đến giảm thuế hoặc đồng ý đàm phán tiếp đều được thị trường đánh giá tích cực.
Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sĩ Guy Parmelin - nước chủ nhà - cho biết việc hai bên chịu ngồi lại đàm phán đã là một bước tiến. “Nếu họ vạch ra được lộ trình và đồng ý tiếp tục đối thoại, căng thẳng sẽ hạ nhiệt”, ông Parmelin nói với báo giới, đồng thời tiết lộ các cuộc thảo luận có thể kéo dài đến Chủ nhật (11/5) hoặc thậm chí sang đầu tuần tới.
Được biết, Thụy Sĩ đã đóng vai trò trung gian, xúc tiến cuộc gặp trong các chuyến thăm gần đây của lãnh đạo nước này tới Washington và Bắc Kinh.
Trong thời gian lưu lại Geneva, ông Hà Lập Bằng dự kiến có cuộc gặp với bà Ngozi Okonjo-Iweala - Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), theo xác nhận từ phát ngôn viên tổ chức này.
Phương Linh