Sức ép từ Mỹ
Một khu vực ở Greenland, Đan Mạch. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo hãng tin Reuters ngày 10/1, thông tin trên do ông Greg Barnes, Giám đốc điều hành Tanbreez Mining, tiết lộ. Ông nói thêm rằng đã có những cuộc thảo luận thường xuyên với Mỹ khi họ xem xét các lựa chọn tài chính để phát triển các khoáng sản quan trọng của đảo này. Động thái này cho thấy các quan chức Mỹ có mối quan tâm kinh tế lâu dài với hòn đảo này của Đan Mạch, từ trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump bắt đầu nghĩ về việc mua lại Greenland trong vài tuần gần đây.
Các nguyên tố đất hiếm có từ tính mạnh, khiến chúng trở thành yếu tố quan trọng đối với các ngành công nghệ cao, từ xe điện đến hệ thống tên lửa. Vai trò cần thiết của đất hiếm đã khiến Trung Quốc và phương Tây cạnh tranh gay gắt về lợi ích trong bối cảnh Trung Quốc gần như kiểm soát toàn bộ quá trình khai thác và chế biến.
Theo ông Greg Barnes, khi công ty ông đang thiếu tiền, các quan chức Mỹ đã đến thăm dự án của Tanbreez Mining ở phía Nam Greenland hai lần vào năm 2024 và đã liên tục chia sẻ một thông điệp: không bán mỏ lớn này cho người mua nào có liên hệ với Trung Quốc.
Cuối cùng, ông Barnes đã bán mỏ Tanbreez cho công ty Critical Metals ở New York theo một phần của thỏa thuận phức tạp sẽ hoàn tất vào cuối năm nay. Tanbreez dự định khai thác 500.000 tấn khoáng sản eudialyte chứa đất hiếm hàng năm vào năm 2026.
Ông Tony Sage, Giám đốc điều hành Critical Metals, cho biết: “Đã có rất nhiều áp lực để không bán cho Trung Quốc”. Ông Barnes đã chấp nhận 5 triệu USD tiền mặt và 211 triệu USD dưới dạng cổ phiếu Critical Metals để bán Tanbreez, ít hơn nhiều so với những gì các công ty Trung Quốc đã đề nghị.
Ông Barnes giải thích các lời đề nghị từ Trung Quốc và các bên khác không có giá trị vì họ không nêu rõ cách thức thanh toán.
Theo các nhà phân tích, các lợi ích của Mỹ có vẻ đang thay đổi cục diện của các dự án đất hiếm, những dự án trước đây không được xem là các khoản đầu tư hấp dẫn.
Ông David Merriman, Giám đốc nghiên cứu tại công ty tư vấn khoáng sản Project Blue, bình luận: “Mặc dù quy mô của Tanbreez là đáng kể, nhưng chất lượng và khoáng vật không có gì nổi bật”. Ông đánh giá cơ hội để dự án của công ty này tiến tới giai đoạn sản xuất thương mại là thấp, do khoáng vật học phức tạp.
Thương vụ bán Tanbreez cho Critical Metals cho thấy các quan chức Mỹ đã thành công hơn ở Greenland so với ở châu Phi - nơi mà Trung Quốc có ảnh hưởng với khu vực giàu khoáng sản ở Trung Phi.
Ông Dwayne Menezes, Giám đốc tổ chức Nghiên cứu Địa cực và Sáng kiến Chính sách (Anh), nói: “Mặc dù Greenland không phải để bán, nhưng hòn đảo này sẵn sàng chào đón hoạt động kinh doanh. Greenland sẽ hoan nghênh các khoản đầu tư lớn hơn từ Mỹ”.
Một dự án đất hiếm ở Greenland của công ty Energy Transition Minerals (Australia) đã bị đình trệ do tranh cãi pháp lý kéo dài. Dự án này cạnh tranh với dự án của công ty Tanbreez. Công ty Energy Transition Minerals có cổ đông lớn nhất là Shenghe của Trung Quốc.
Trong khi đó, công ty Critical Metals đã xin tài trợ từ Bộ Quốc phòng Mỹ vào năm ngoái để phát triển một cơ sở chế biến đất hiếm, nhưng quá trình xem xét đã bị đình trệ trước thềm lễ nhậm chức của ông Trump vào ngày 20/1. Ông Sage nói rằng các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục sau khi ông Trump nhậm chức và đội ngũ chuyển tiếp của ông Trump đã liên hệ với ông. Ông cho biết: “Chúng tôi đã bắt đầu các cuộc thảo luận với Mỹ về việc bán đất hiếm cho Mỹ và xây dựng nhà máy chế biến tại Mỹ”.
Mỏ Tanbreez chứa khoảng 30% đất hiếm nặng, được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực quốc phòng. Địa điểm này cũng chứa gallium, chất mà Trung Quốc đã áp dụng hạn chế xuất khẩu vào năm ngoái.
Theo ông Sage, Critical Metals đã có các cuộc đàm phán cung cấp với nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin và có các cuộc đàm phán sắp tới với RTX và Boeing.
Phản ứng về ý định mua Greenland
Thủ tướng Đức Olaf Sholz. Ảnh: PAP/TTXVN
Thông tin mà hãng tin Reuters tiết lộ nói trên được đưa ra trong bối cảnh các bên đang phản ứng với ý định mua đảo Greenland của ông Trump.
Ngày 8/1, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã đưa ra quan điểm cứng rắn về vấn đề này, trong đó đều nhấn mạnh tới tầm quan trọng của chủ quyền đối với các quốc gia.
Ủy ban châu Âu (EC) ra tuyên bố khẳng định chủ quyền của các quốc gia cần được tôn trọng và đây cũng là giá trị ngoại giao và nguyên tắc cốt lõi mà EC đang hướng tới. Bên cạnh đó, điều khoản về phòng thủ chung theo Hiệp ước Lisbon cũng sẽ được áp dụng đối với Greenland trong trường hợp xảy ra các động thái quân sự. Tuy nhiên, EC bày tỏ mong muốn thúc đẩy mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương mạnh mẽ hơn với chính quyền mới tại Mỹ, hướng tới các mục tiêu chung và lợi ích chiến lược quan trọng.
Cùng ngày, Thủ tướng Đức Olaf Sholz cũng cho biết đã liên lạc với các đối tác trong khu vực về vấn đề Greenland và nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đều tỏ ra bối rối trước những tuyên bố của Tổng thống đắc cử Mỹ. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đức khẳng định việc không xâm phạm biên giới là nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế mà các nước nhỏ hay siêu cường đều phải tuân thủ.
Theo trang france24.com, cùng ngày, Pháp cũng khẳng định biên giới chủ quyền của Liên minh châu Âu (EU). Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot nhấn mạnh Greenland là một phần lãnh thổ của EU và EU sẽ không để bất kỳ quốc gia nào tấn công biên giới chủ quyền của khối. Ông cũng tin tưởng Mỹ sẽ không dùng hành động quân sự với Greenland, đồng thời cho rằng thay vì chấp nhận bị đe dọa hoặc quan ngại quá mức, EU nên tự củng cố sức mạnh quân sự.
Thùy Dương/Báo Tin tức