Theo thỏa thuận, hai bên nhất trí thành lập Quỹ Đầu tư tái thiết do hai nước quản lý.
Phái đoàn Mỹ và Ukraine tham gia ký kết thỏa thuận tại Washington hôm 30.4
Trong bài viết trên Telegram, Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal giải thích về Quỹ Đầu tư tái thiết, cho biết Mỹ và Ukraine cùng quản lý một cách bình đẳng và sẽ cùng đóng góp vào quỹ.
Theo ông Shmyhal, viện trợ quân sự trong tương lai từ phía Mỹ có thể được tính là một phần đóng góp vào quỹ, nhưng các khoản viện trợ trước đó sẽ không được tính. Ông Shmyhal khẳng định: "Thỏa thuận không bao gồm bất kỳ nghĩa vụ nợ nào".
Thủ tướng Ukraine cũng lưu ý Kiev sẽ giữ "quyền kiểm soát hoàn toàn đối với tài nguyên dưới lòng đất, cơ sở hạ tầng và tài nguyên thiên nhiên".
Việc thành lập quỹ cũng sẽ không cản trở tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Ukraine.
Các khoản đóng góp cho quỹ sẽ không bị tính thuế ở cả Mỹ cũng như Ukraine, thêm rằng Washington sẽ hỗ trợ thu hút thêm đầu tư và công nghệ cho Ukraine như một phần của thỏa thuận.
Ông Shmyhal tuyên bố: "Nhờ thỏa thuận này, chúng tôi sẽ có thể thu hút nguồn lực lớn cho công cuộc tái thiết, bắt đầu tiến trình tăng trưởng kinh tế và nhận được các công nghệ tiên tiến từ các đối tác cũng như nhà đầu tư chiến lược đến từ Mỹ".
Tuy nhiên, theo tờ Washington Post, cơ quan truyền thông vốn đã xem xét phiên bản mới nhất của thỏa thuận, văn kiện này không đưa ra bất kỳ bảo đảm an ninh cụ thể nào cho Ukraine. Thay vào đó, thỏa thuận khẳng định "sự liên kết chiến lược dài hạn" giữa hai quốc gia và cam kết Mỹ "hỗ trợ an ninh, thịnh vượng, tái thiết và hội nhập của Ukraine vào các khuôn khổ kinh tế toàn cầu".
Tờ Washington Post cho biết thêm rằng thỏa thuận cũng không đề cập đến Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (ZNPP) đang bị Nga kiểm soát. Trước đó, các quan chức Mỹ từng gợi ý việc kiểm soát nhà máy này có thể là một phần của một thỏa thuận hòa bình trong tương lai.
Phó Thủ tướng thứ nhất Ukraine Yulia Svyrydenko Svyrydenko đã có mặt tại Washington vào ngày 30.4 để ký thỏa thuận khung thay mặt cho Ukraine. Đại diện phía Mỹ là Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent.
Phát biểu sau lễ ký kết, bà Svyrydenko cho biết: "Tôi biết ơn tất cả mọi người đã làm việc vì thỏa thuận và làm cho nó có ý nghĩa hơn. Bây giờ, văn bản này có thể đảm bảo thành công cho cả hai quốc gia của chúng ta, Ukraine và Mỹ".
Về phía Mỹ, Bộ trưởng Bessent nhấn mạnh thỏa thuận sẽ không cho phép bất kỳ "quốc gia hoặc cá nhân nào hỗ trợ chiến dịch quân sự của Nga" được hưởng lợi từ quá trình tái thiết Ukraine.
Việc ký kết thỏa thuận khoáng sản diễn ra sau nhiều tháng đàm phán, có thời điểm khá căng thẳng, và đạt được gần như vào phút chót của ngày 30.4. Mỹ và Ukraine dự kiến ký kết thỏa thuận vào cuối tháng 2, song kế hoạch đổ vỡ sau cuộc tranh cãi nảy lửa tại Nhà Trắng giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ukraine xếp thứ 40 trong số các quốc gia khai thác khoáng sản và sở hữu khoảng 5% trữ lượng khoáng sản của thế giới, theo Dữ liệu Khai khoáng Thế giới (WMD) 2024. Tuy nhiên, không phải tất cả tài nguyên này đã được khai thác hoặc có thể khai thác dễ dàng.
Cục Nghiên cứu Địa chất và Khai khoáng Pháp (BRGM) hồi năm 2023 cho biết tại Ukraine có hơn 100 loại tài nguyên khoáng sản, trong đó có sắt, mangan, than chì, titanium, lithium và uranium. Lithium và than chì là những nguyên liệu quan trọng cho sản xuất pin điện.
Mỹ là nhà tài trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, đã cung cấp cho Kiev khoảng 72 tỷ USD kể từ đầu chiến sự, theo Viện nghiên cứu Kiel tại Đức.
Ngay trước khi thỏa thuận được ký kết, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết chính phủ đã phê duyệt thỏa thuận này.
Trong khi đó, có nguồn tin tiết lộ thỏa thuận suýt bị trì hoãn vào phút chót vào ngày 30.4, khi những bất đồng về điều khoản cuối cùng đã làm dấy lên nghi ngờ liệu thỏa thuận có được ký hay không.
Thỏa thuận khung sau khi ký sẽ được trình lên Quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada) để phê chuẩn.
Quỳnh Vũ