Mỹ, Ukraine và châu Âu 'đối đầu' tại Liên Hợp Quốc

Mỹ, Ukraine và châu Âu 'đối đầu' tại Liên Hợp Quốc
4 giờ trướcBài gốc
Trong một công hàm ngoại giao được gửi hôm 23/2, Mỹ mô tả nghị quyết ngắn gọn của mình là "một nghị quyết hướng tới tương lai tập trung vào ý tưởng đơn giản: Chấm dứt chiến tranh".
"Thông qua nghị quyết này, các quốc gia thành viên có thể hình thành động lực thực sự hướng tới hòa bình và an ninh quốc tế", phía Mỹ cho biết, đồng thời yêu cầu các quốc gia "bỏ phiếu chống cho bất kỳ nghị quyết hoặc sửa đổi nào khác được trình bày" trong cuộc họp ngày 24/2.
Dự thảo nghị quyết của Mỹ, được đưa ra hôm 21/2, đặt nước này vào thế đối đầu với Ukraine và Liên minh châu Âu (EU).
Ukraine và EU đã đàm phán với các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc trong suốt một tháng qua về nghị quyết của riêng họ liên quan đến xung đột ở Ukraine, trong đó lặp lại yêu cầu rằng Nga phải rút quân và ngừng giao tranh.
Ukraine đã từ chối rút lại dự thảo nghị quyết của mình và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cũng sẽ bỏ phiếu vào hôm nay, ngày đánh dấu ba năm xung đột ở Ukraine, hai nhà ngoại giao châu Âu cho biết.
Kể từ khi xung đột bùng phát, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc gồm 193 thành viên đã nhiều lần ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong phạm vi biên giới được quốc tế công nhận.
Bản dự thảo của Mỹ không đề cập đến điều này, mà bày tỏ thương tiếc về những mất mát trong "cuộc xung đột Nga - Ukraine", nhắc lại rằng mục đích chính của Liên Hợp Quốc là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, đồng thời giải quyết các tranh chấp. Mỹ "kêu gọi chấm dứt nhanh chóng cuộc xung đột, tiếp tục xây dựng một nền hòa bình lâu dài giữa Ukraine và Nga".
Việc Mỹ thúc đẩy hành động của Liên Hợp Quốc diễn ra sau khi Tổng thống Donald Trump nỗ lực làm trung gian chấm dứt xung đột, gây ra rạn nứt với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và làm dấy lên mối lo ngại trong số các đồng minh châu Âu rằng họ có thể bị loại khỏi cuộc đàm phán hòa bình.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc, Vassily Nebenzia, nói với các phóng viên vào tuần trước rằng nghị quyết của Mỹ là "một động thái tốt".
Nga đã đề xuất sửa đổi dự thảo của Mỹ để đề cập đến việc giải quyết "nguyên nhân gốc rễ" của cuộc chiến. Nga gọi chiến dịch quân sự năm 2022 của mình là "hoạt động quân sự đặc biệt" được thực hiện để "phi phát xít hóa" Ukraine và ngăn chặn sự mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Anh và 24 quốc gia Liên minh châu Âu cũng đã đề xuất sửa đổi dự thảo của Mỹ tại Đại hội đồng. Họ muốn mô tả xung đột là "cuộc tấn công toàn diện vào Ukraine", ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, kêu gọi "hòa bình công bằng, lâu dài và toàn diện" phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Các nghị quyết của Đại hội đồng không mang tính ràng buộc nhưng có sức nặng chính trị, phản ánh quan điểm toàn cầu về cuộc chiến. Không quốc gia nào có quyền phủ quyết.
Minh Hạnh
Theo Reuters, AP
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/my-ukraine-va-chau-au-doi-dau-tai-lien-hop-quoc-post1719687.tpo