Thông tin trên được ông Keith Kellogg, đặc phái viên của tổng thống Mỹ về Ukraine, nói với kênh Fox Business hôm 13-5.
Đặc phái viên Mỹ cho biết dự luật trừng phạt mới đang được quốc hội Mỹ xem xét, sẽ nhắm trực tiếp vào các trụ cột kinh tế của Nga, bao gồm Ngân hàng Trung ương Nga và đội tàu chở dầu có biệt danh "hạm đội bóng tối" vốn vận chuyển phần lớn dầu mỏ Nga ra nước ngoài.
"Chúng tôi đã cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin. Các lệnh trừng này mạnh tay hơn bất kỳ lệnh trừng phạt nào mà chúng ta từng thấy trước đây. Các đối tác châu Âu cũng đang thực hiện động thái tương tự" – ông Kellogg nhấn mạnh.
Quan chức Washington cho biết hiện có hơn 70 thượng nghị sĩ Mỹ ủng hộ dự luật trừng phạt mới nhắm vào Nga nếu xung đột tiếp tục leo thang tại Ukraine.
Đặc phái viên Mỹ Keith Kellogg và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: AP
Đặc phái viên Kellogg nói rằng một trong những mục tiêu chính của lệnh trừng phạt mới nhằm làm gián đoạn nguồn thu từ xuất khẩu dầu của Moscow. Khoảng 70% dầu Nga xuất khẩu được vận chuyển qua biển Baltic và Mỹ có thể bắt đầu nhắm vào "hạm đội bóng tối".
Đặc phái viên Mỹ cũng nói thêm rằng Thủ tướng Đức Friedrich Merz có lập trường rất cứng rắn về các lệnh trừng phạt mới, trong khi châu Âu đang đứng lên bảo vệ Ukraine.
"Điều này cho thấy sự đồng thuận ngày càng rõ rệt giữa Mỹ và châu Âu trong việc gây sức ép lên Moscow" – đặc phái viên Mỹ quả quyết.
Bloomberg trước đó dẫn nguồn tin cho biết các lãnh đạo châu Âu tạm thời chưa thúc ép Mỹ đưa ra gói trừng phạt mới nhắm vào Nga. Họ chờ kết quả cuộc đàm phán dự kiến giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15-5.
Nếu như Nga từ chối ngừng bắn hoặc không tham dự cuộc họp, EU sẽ kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump xúc tiến áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay chưa từng có.
Các tổ chức và cá nhân Nga đã phải hứng chịu hàng ngàn lệnh trừng phạt của Mỹ cùng các phương Tây kể từ khi nổ ra xung đột tại Ukraine hơn 3 năm trước.
Tổng thống Putin hồi tháng 3 xác nhận tổng cộng 28.595 lệnh trừng phạt đã được áp đặt đối với các công ty và cá nhân của Nga trong những năm gần đây - nhiều hơn tổng số lệnh trừng phạt đối với tất cả các quốc gia khác cộng lại.
Moscow tuyên bố động thái này sẽ không thể gây tổn hại cho nền kinh tế Nga, thay vào đó sẽ làm tăng chi phí năng lượng và lạm phát ở châu Âu.
Tổng thống Putin cáo buộc phương Tây tìm cách loại bỏ Moscow khỏi vị trí đối thủ cạnh tranh nhưng nền kinh tế của Nga ngày càng kiên cường hơn dưới áp lực.