Mỹ và Iran nhất trí thiết lập khuôn khổ cho thỏa thuận hạt nhân tiềm năng

Mỹ và Iran nhất trí thiết lập khuôn khổ cho thỏa thuận hạt nhân tiềm năng
7 giờ trướcBài gốc
Cuộc khủng hoảng trong quan hệ quốc tế liên quan tới chương trình hạt nhân Iran đang đứng trước cơ hội lớn được giải quyết.
Theo Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi, các phái đoàn Iran và Mỹ đã đạt được tiến triển về các nguyên tắc và mục tiêu của một thỏa thuận khả thi. Trước khi các phái đoàn gặp lại nhau vào ngày 26/04, các cuộc đàm phán cấp kỹ thuật sẽ được tổ chức trong những ngày tới. Các chuyên gia sẽ thảo luận chi tiết về một thỏa thuận khả thi cho thấy sự chuyển động trong các cuộc thảo luận:
"Các cuộc thảo luận đã diễn ra trong bầu không khí xây dựng và tôi có thể nói rằng đàm phán đang tiến triển. Chúng ta phải rất thận trọng, nhưng cũng không có lý do gì để quá bi quan. Chúng ta phải đi theo con đường trung dung, hợp lý và bình tĩnh. Tôi hy vọng rằng tuần tới, sau các cuộc họp kỹ thuật, Iran sẽ có vị thế tốt hơn để đánh giá khả năng đạt được thỏa thuận. Chúng tôi vẫn đang hành động thận trọng”.
Ảnh minh họa: Reuters
Phía Mỹ cùng ngày xác nhận thông tin của một quan chức nước này rằng, cũng giống như vòng đàm phán đầu tiên ở Oman, tại một thời điểm trong các cuộc đàm phán ở Rome, Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff và Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi đã nói chuyện trực tiếp.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Oman Badr al-Busaidi- người đóng vai trò trung gian trong vòng đàm phán đầu tiên lạc quan cho rằng, những cuộc thảo luận này đang thu hút được nhiều sự chú ý và giờ đây ngay cả điều không tưởng cũng trở thành có thể. Trong một bài đăng riêng rẽ, Bộ Ngoại giao Oman cho biết, các bên đã nhất trí tiếp tục đàm phán để tìm kiếm một thỏa thuận đảm bảo Iran hoàn toàn không có vũ khí hạt nhân và được dỡ bỏ lệnh trừng phạt, đồng thời duy trì khả năng phát triển năng lượng hạt nhân hòa bình.
Hãng tin AP trong bài đăng sáng nay mô tả, việc các cuộc đàm phán đang diễn ra thậm chí có thể coi là mang tính lịch sử nếu xét đến nhiều thập kỷ căng thẳng giữa hai nước kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 và cuộc khủng hoảng con tin tại Đại sứ quán Mỹ. Năm 2018, trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên, ông Donald Trump đã đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, chưa đầy 3 năm sau khi được ký kết giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Đức). Kể từ đó, mọi nỗ lực nhằm khôi phục thỏa thuận dù là hạn chế đều không thành công, dẫn đến vòng xoáy “trừng phạt- tăng cường làm giàu urain” giữa Mỹ và Iran.
Theo một số nguồn tin, Nga và Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) có thể đóng vai trò quan trọng trong việc xác minh sự tuân thủ của Iran nếu đạt được thỏa thuận, giống như đã làm với thỏa thuận năm 2015. Những ngày qua, Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi đã tăng cường các cuộc tiếp xúc ngoại giao và ngay trước thềm vòng đàm phán thứ hai tại Roma đã gặp Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani. Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi hồi đầu tuần này cũng đã có chuyến thăm tới Nga và gặp Tổng thống Vladimir Putin.
Hiện vẫn chưa rõ Iran và Mỹ sẽ nhượng bộ đến đâu trong các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, ông Ali Shamkhani, cố vấn của Lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei cho biết, Iran sẽ không chấp nhận từ bỏ chương trình làm giàu uraniu như Libya hay đồng ý sử dụng urani làm giàu ở nước ngoài cho chương trình hạt nhân của mình. Theo ông, Iran tham gia đàm phán để đạt được một thỏa thuận cân bằng.
Thu Hoài/VOV1 Tổng hợp
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/my-va-iran-nhat-tri-thiet-lap-khuon-kho-cho-thoa-thuan-hat-nhan-tiem-nang-post1193498.vov