Mỹ và Trung Quốc chiếm bao nhiêu thị phần xuất khẩu nông sản của Việt Nam?

Mỹ và Trung Quốc chiếm bao nhiêu thị phần xuất khẩu nông sản của Việt Nam?
9 giờ trướcBài gốc
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) tháng 6 năm 2025 ước đạt 5,9 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng 6 năm 2024; đưa tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS 6 tháng đầu năm 2025 đạt 33,8 tỷ USD.
Một số mặt hàng nông sản chính có sự tăng trưởng mạnh gồm: Cà phê, chè, sắn, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ…
Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng NLTS lớn nhất của Việt Nam. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu NLTS của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025 sang thị trường Mỹ tăng 16%, Trung Quốc giảm 0,7%, và Nhật Bản tăng 25%.
Theo Thứ trưởng Tiến, cơ cấu thị trường có sự thay đổi rõ rệt. Năm nay, thị trường Mỹ tăng mạnh so với những năm trước, lấn át thị phần của Trung Quốc tạo nên thế cân bằng giữa thị trường Mỹ và Trung Quốc.
Thống kê từ Bộ NN&MT, thị trường Mỹ và Trung Quốc chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao trong nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như: Rau quả, hạt điều, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ,...
Cơ cấu thị trường xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc một số mặt hàng nông sản chủ lực trong 6 tháng đầu năm 2025. Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ Bộ NN&MT.
Chia sẻ với phóng viên về kết quả xuất khẩu thủy sản trong 5 tháng đầu năm, bà Lê Hằng, Phó Tổng thư ký VASEP cho biết, kể từ tháng 4, khi câu chuyện thuế đối ứng của Mỹ bắt đầu nổi lên thì các doanh nghiệp đổ xô vào xuất khẩu trước khi thuế đối ứng áp dụng ở mức cao hơn từ ngày 9/7. Do đo, nhu cầu từ các thị trường đều sự tăng tốc mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm có duy trì mức tăng trưởng này không thì phụ thuộc vào kết quả đàm phán thuế đối ứng với Mỹ.
Với gỗ và các sản phẩm gỗ, theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, dù không tăng trưởng cao như mọi năm, song trong bối cảnh như hiện nay thì kết quả này là chấp nhận được.
Trước đó, các doanh nghiệp đã rất lo lắng thuế đối ứng từ Mỹ sẽ tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam. Tuy vậy, do kỳ hoãn thuế đối ứng 90 ngày cho nên các doanh nghiệp cũng tranh thủ xuất khẩu. Các doanh nghiệp Việt Nam đã có đàm phán và chia sẻ với các nhà nhập khẩu với tinh thần cùng chia sẻ gánh chịu rủi ro do thị trường mang tới.
Trong khi chờ đợi kết quả đàm phán, các doanh nghiệp gỗ cũng đã và đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sang các nước như Australia, Trung Đông và New Zealand nhằm tránh "bỏ trứng vào một giỏ". Tuy vậy, khối lượng gia tăng vào các thị trường này rất là khiêm tốn nên khó có thể bù đắp được thị trường từ Mỹ.
Theo Thứ trưởng Tiến, trước bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới và trong nước năm 2025, cùng với dự báo những thách thức và cơ hội đan xen trong giai đoạn tới, chủ trương “Phát triển ngành nông nghiệp theo chuỗi giá trị kinh tế nông nghiệp từ khâu sản xuất đến công đoạn chế biến tạo giá trị gia tăng, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và phát triển thị trường, giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông lâm thủy sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu” tiếp tục là định hướng xuyên suốt trong việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam giai đoạn mới. Để tiếp tục thúc đẩy gia tăng giá trị, chất lượng và thị phần xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tập trung triển khai thực hiện loạt giải pháp.
Đầu tiên là hoàn thiện và cụ thể hóa các thể chế mang tính định hướng phát triển thị trường nông sản và hội nhập phù hợp với các Luật chuyên ngành được sửa đổi, ban hành; tập trung triển khai các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ điểm nghẽn và xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh và uy tín của nông sản Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế.
Tiếp tục triển khai thực hiện các Chiến lược phát triển từng ngành hàng trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp nhằm duy trì sản xuất, đảm bảo nguồn cung phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; chủ động xây dựng, triển khai, điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng phó phù hợp, kịp thời với diễn biến thị trường nhằm hạn chế mất cân đối cầu và biến động giá cả.
Quản lý chặt chẽ chất lượng trong sản xuất, chế biến và chứng nhận sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn, quy định của thị trường, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, làm cơ sở để phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam.
Thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản, đóng góp vào sự phát triển của ngành và đất nước trong giai đoạn mới; nghiên cứu triển khai các nhiệm vụ nhằm khai thác tốt hơn thị trường Trung Quốc, bảo đảm ổn định đầu ra cho nông sản; tăng cường các hoạt động phát triển thị trường, kết nối, quảng bá nông sản tại các thị trường lớn nhưng thị phần còn chưa tương xứng như EU, Nhật Bản; tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu các nhóm sản phẩm chủ lực như trái cây và nhóm sản phẩm tiềm năng còn nhiều dư địa gia tăng xuất khẩu như sản phẩm chăn nuôi.
Trang Mai
Nguồn Doanh Nhân VN : https://doanhnhanvn.vn/my-va-trung-quoc-chiem-bao-nhieu-thi-phan-xuat-khau-nong-san-cua-viet-nam.html