Nỗ lực của Tổng thống Donald Trump trong việc khôi phục ngành sản xuất Mỹ bằng cách áp đặt các mức thuế quan mạnh tay lên hàng hóa Trung Quốc đang đối mặt với một trở ngại lớn: các nhà máy tại Mỹ hiện phụ thuộc nặng nề vào máy móc và linh kiện từ Trung Quốc.
Một xưởng sản xuất linh kiện tại Trung Quốc. Ảnh: Costfoto
Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã kéo dài và leo thang trong nhiều tháng qua. Dù gần đây các quan chức Mỹ có dấu hiệu hạ giọng với Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn giữ vững lập trường cứng rắn. Những mức thuế lên tới ba con số đã gây ra không ít xáo trộn trên thị trường chứng khoán, đồng thời làm đảo lộn các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tổng thống Donald Trump khẳng định chính sách thương mại của ông là bước đi cần thiết để mở ra một “kỷ nguyên vàng” cho ngành sản xuất Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia thương mại và doanh nghiệp nhận định rằng các mức thuế quan áp dụng trên diện rộng có thể khiến việc hồi sinh một số ngành công nghiệp trở nên phức tạp hơn.
Nền kinh tế Mỹ không chỉ dựa vào Trung Quốc để nhập các sản phẩm hoàn thiện như đồ chơi hay máy tính xách tay, mà còn cần đến các công cụ từ quốc gia này để sản xuất từ ô tô đến thiết bị điện tử ngay tại các nhà máy nội địa.
Bà Susan Helper, nhà kinh tế tại Đại học Case Western Reserve ở Ohio, người từng là cố vấn cấp cao về chiến lược công nghiệp cho chính quyền Biden, nhận xét: “Ngành máy móc của Mỹ hiện không ở trạng thái tốt nhất. Tùy thuộc vào từng lĩnh vực cụ thể, Trung Quốc đang nắm giữ một phần lớn năng lực sản xuất”.
Giá máy móc công nghiệp tăng vọt do thuế quan chỉ là một trong nhiều biểu hiện của sự hỗn loạn kinh tế và bất ổn lan rộng mà cuộc chiến thương mại này gây ra. Tình trạng này càng làm nổi bật mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc, đồng thời cho thấy những khó khăn trong việc đưa chuỗi cung ứng trở lại nội địa, vốn đã trở nên toàn cầu hóa mạnh mẽ trong vài thập kỷ qua.
Bà Helper nhấn mạnh thêm: “Việc tự sản xuất những thứ giúp chúng ta tạo ra sản phẩm khác là rất quan trọng. Tuy nhiên, đây không phải chuyện có thể thực hiện trong ngày một ngày hai, và chỉ dựa vào thuế quan thôi thì chưa đủ”.
Trong hơn một thập kỷ qua, ngành máy móc Trung Quốc đã vươn lên vị thế dẫn đầu toàn cầu. Theo Liên đoàn Công nghiệp Máy móc Trung Quốc, xuất khẩu máy móc của nước này đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2015, đạt con số 869 tỷ USD vào năm 2024.
Dù Đức từ lâu được xem là quốc gia tiên phong về máy móc tiên tiến, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc đã nhanh chóng bắt kịp và thu hẹp khoảng cách với đối thủ châu Âu.
Hiện tại, Trung Quốc là nước xuất khẩu máy móc lớn nhất thế giới, trong khi Mỹ giữ vị trí quốc gia nhập khẩu máy móc hàng đầu. Theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, Trung Quốc cung cấp 17% lượng máy móc nhập khẩu của Mỹ trong năm 2023.
Tuy nhiên, con số 17% này có thể chưa phản ánh đầy đủ mức độ phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc. Đối với nhiều sản phẩm, đặc biệt là máy móc, lượng hàng nhập trực tiếp từ Trung Quốc không thể hiện hết sự liên kết sâu rộng trong chuỗi cung ứng. Thực tế, nhiều máy móc dù được nhập từ các quốc gia khác vẫn sử dụng linh kiện từ Trung Quốc.
Giáo sư Richard Baldwin từ Trường Kinh doanh IMD ở Thụy Sĩ đã nghiên cứu hiện tượng mà ông gọi là “sự phụ thuộc ẩn”. Ông chỉ ra rằng ngành máy móc là một trong những lĩnh vực tại Mỹ có mức phụ thuộc ngầm lớn nhất vào Trung Quốc.
“Mọi trung tâm sản xuất trên thế giới đều dựa nhiều vào các đầu vào công nghiệp trung gian từ Trung Quốc. Khoảng 40% hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ là sản phẩm trung gian, chứ không phải hàng hóa thành phẩm. Điều này gần như không thể tránh khỏi”, ông Baldwin giải thích.
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất Thiết bị của Mỹ, các linh kiện máy móc như vòng bi, bánh răng hay hệ thống thủy lực với bơm và van chỉ có thể được cung cấp với quy mô lớn từ Trung Quốc.
Điều này càng làm gia tăng thách thức cho chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất Mỹ, đặc biệt khi Bắc Kinh áp đặt hạn chế xuất khẩu khoáng sản đất hiếm để đáp trả cuộc chiến thương mại. Những khoáng sản này đóng vai trò thiết yếu trong nhiều ngành công nghiệp của Mỹ, từ quốc phòng, y tế đến công nghệ.
Dù Tổng thống Donald Trump từng bày tỏ mong muốn thu hút thêm đầu tư từ Trung Quốc vào Mỹ, các mức thuế quan hiện tại đã khiến không ít doanh nghiệp Trung Quốc phải cân nhắc lại kế hoạch mở rộng tại thị trường này.
Ông John Ling, một chuyên gia tư vấn hỗ trợ các công ty Trung Quốc xây dựng nhà máy tại Mỹ, cho biết nhiều doanh nghiệp đang lo ngại về việc tìm nguồn nguyên liệu và máy móc với chi phí hợp lý trong bối cảnh thuế quan mới.
Ông Ling tiết lộ rằng chi phí đầu tư để xây dựng một nhà máy tại Mỹ trong một số trường hợp có thể tăng gấp đôi. Điều này khiến nhiều công ty Trung Quốc e ngại, thậm chí từ bỏ ý định thiết lập cơ sở sản xuất mới tại đây. “Chi phí ngày càng chồng chất, dẫn đến việc một số dự án bị hủy bỏ hoặc hoãn lại”, ông Ling nói.
Một nhà sản xuất vật liệu xây dựng chia sẻ về khó khăn khi thiết lập hoạt động tại Mỹ mà không có máy móc từ Trung Quốc. Công ty này, khởi nguồn từ Trung Quốc và hiện đã có nhà máy tại Mỹ cũng như Đông Nam Á, cho biết hầu hết máy móc cần thiết cho các nhà máy tại Mỹ đều đến từ Trung Quốc hoặc Đức.
“Tại Mỹ, bạn gần như không thể tìm mua được những thiết bị như vậy”. một đại diện công ty giấu tên chia sẻ, nhấn mạnh sự nhạy cảm của các cuộc thảo luận chính sách giữa hai nước.
Dù vậy, công ty này đã chuẩn bị trước. Trước thềm cuộc bầu cử năm ngoái và dự đoán về thuế quan cao hơn, họ đã chuyển một lượng lớn máy móc từ Trung Quốc sang Mỹ để phục vụ kế hoạch mở rộng sản xuất.
Sự bất định từ chính sách thuế quan cũng đang khiến các nhà sản xuất đau đầu trong việc đưa ra quyết định kinh doanh. Chính quyền Tổng thống Donald Trump phát đi những tín hiệu không rõ ràng về việc liệu thuế quan với hàng hóa Trung Quốc sẽ được duy trì hay không. Trong khi đó, vào đầu tháng Tư, Washington bất ngờ thay đổi lập trường về thuế quan áp lên một số quốc gia khác.
Ông Wen Han, nhà sáng lập Windrose Technology - công ty xe tải điện có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc và các nhà máy lắp ráp tại Mỹ cùng châu Âu cho biết ông đã tạm ngừng mọi quyết định mua sắm trong vài tuần qua để “chờ qua giai đoạn hỗn loạn của thuế quan”.
Dù các nhà máy của Windrose tại Mỹ chủ yếu làm công đoạn lắp ráp và không phụ thuộc vào máy móc Trung Quốc, họ vẫn cần một số linh kiện từ quốc gia này.
Giáo sư Baldwin nhận định rằng thông điệp thiếu nhất quán từ Washington đang cản trở mục tiêu thúc đẩy sản xuất nội địa.
“Chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới, nơi việc đưa sản xuất trở lại Mỹ là điều tích cực. Nhưng đây là một nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi Mỹ phải có chiến lược rõ ràng về ngành nào cần ưu tiên, đồng thời hiểu rằng đây là kế hoạch kéo dài 10 năm, chứ không phải 10 tháng”, ông Baldwin nhấn mạnh.
Trong khi đó, các công ty máy móc Trung Quốc đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội tại những thị trường không chịu thuế thương mại, như Đông Nam Á và châu Phi. Bắc Kinh cũng đẩy mạnh củng cố quan hệ kinh tế với các nước như Việt Nam trong tháng này để đối phó với áp lực từ Tổng thống Donald Trump.
Ông Chen Bin, Phó Giám đốc Ủy ban Chuyên gia của Liên đoàn Công nghiệp Máy móc Trung Quốc, trong một buổi họp báo hồi tháng Hai, bày tỏ sự lạc quan về triển vọng xuất khẩu bất chấp căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, theo truyền thông nhà nước.
“Các công ty Trung Quốc đang chủ động mở rộng tại các thị trường mới nổi, đồng thời tăng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm”, ông khẳng định.
Việt Hà (Theo The Washington Post)