Mỹ viện trợ số tiền kỷ lục 17,9 tỷ USD cho Israel

Mỹ viện trợ số tiền kỷ lục 17,9 tỷ USD cho Israel
4 giờ trướcBài gốc
Đạn pháo mà quân đội Israel sử dụng trên chiến trường phần lớn do Mỹ viện trợ (Ảnh: NetEasy)
Số tiền viện trợ lớn lập kỷ lục lịch sử
Là đồng minh quan trọng nhất của Israel, Mỹ từ lâu đã cung cấp vũ khí và thiết bị cho Israel. Một báo cáo thống kê do Brown University công bố vào ngày 7/10 cho thấy kể từ ngày 7/10 năm ngoái, đến nay Mỹ đã cung cấp ít nhất hơn 17,9 tỷ USD viện trợ quân sự cho Israel, một mức cao kỷ lục trong lịch sử.
Theo báo cáo này, Israel cũng là nước nhận viện trợ quân sự lớn nhất của Mỹ trong lịch sử. Kể từ năm 1959, viện trợ quân sự của Mỹ cho Israel đã đạt tổng cộng 251,2 tỷ USD (đã điều chỉnh theo lạm phát). Năm 1979, Mỹ cam kết viện trợ quân sự hàng tỷ USD hàng năm cho Israel. Dưới thời chính quyền Obama, số tiền viện trợ quân sự được ấn định ở mức 3,8 tỷ USD mỗi năm và sẽ kéo dài đến năm 2028.
Báo cáo cho thấy kể từ ngày 7/10/2023, sau khi bùng nổ xung đột Hamas – Israel, Mỹ đã cung cấp 17,9 tỷ USD viện trợ quân sự cho Israel, lập kỷ lục về mức viện trợ trong một năm. Điều này bao gồm tài trợ tiền chi quân sự, bán vũ khí, và thiết bị tồn kho hoặc đã qua sử dụng trị giá ít nhất 4,4 tỷ USD.
Ngay sau khi Hamas tấn công Israel, ông Biden đã tới gặp Thủ tướng Netanyahu khẳng định Mỹ ủng hộ nước này (Ảnh: Getty).
Không giống như sự cởi mở hoàn toàn về viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine, hiện tại người ta không thể biết chính xác tất cả các chi tiết về sự viện trợ quân sự của Mỹ cho Israel trong năm qua và vì báo cáo đã được hoàn thành trước cuộc không kích của Israel vào Lebanon cuối tháng 9 vừa qua khiến xung đột Lebanon-Israel trở nên căng thẳng hơn, số tiền viện trợ sẽ càng cao hơn.
Dư luận chỉ ra rằng, kể từ khi bùng nổ vòng xung đột quy mô lớn giữa Hamas và Israel, Mỹ một mặt kêu gọi ngừng bắn nhưng mặt khác lại tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự khổng lồ cho Israel, vạch trần sự vô lý và đạo đức giả trong các chính sách của nước này.
Israel là nước được Mỹ bảo hộ kể từ khi thành lập vào năm 1948 và là nước được hưởng lợi lớn nhất từ sự hỗ trợ quân sự của Mỹ trong lịch sử. Báo cáo ước tính rằng Israel đã nhận được 251,2 tỷ USD viện trợ quân sự kể từ năm 1959; số tiền này đã được điều chỉnh theo lạm phát.
Hầu hết vũ khí được Mỹ chuyển giao cho Israel trong năm là đạn dược, từ đạn pháo cho đến bom 2.000 pound và bom dẫn đường chính xác được sử dụng cho các cuộc tấn công vào các boongke dưới lòng đất.
Vũ khí được giao kể từ ngày 7/10/2023 bao gồm 57.000 viên đạn pháo, 36.000 liều phóng đạn pháo, 20.000 súng trường M4A1, gần 14.000 tên lửa chống tăng và 8.700 quả bom Mk82.
Sau khi Iran tấn công tên lửa, máy bay vận tải quân sự đã tới Israel chở theo hàng viện trợ được cho là tên lửa phòng không (Ảnh: CCTV).
Nghiên cứu cho thấy khoảng 4 tỉ USD được dùng để bổ sung hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome (Vòm Sắt) và David's Sling của Israel cho đến tiền mặt mua súng trường và nhiên liệu máy bay phản lực.
Không giống như viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine được ghi nhận công khai, chi tiết cụ thể về các chuyến hàng của Mỹ tới Israel kể từ ngày 7/10 năm ngoái không được công khai vì một số giao dịch nhỏ và không yêu cầu phải báo cáo chi tiết trước Quốc hội.
Vì vậy, các nhà nghiên cứu tin rằng số tiền viện trợ 17,9 tỷ USD này có thể chỉ là một phần.
Hoạt động quân sự của Mỹ ở Trung Đông gia tăng
Ngoài ra, Mỹ cũng đã chi 4,86 tỷ USD để tăng cường các hoạt động quân sự của họ ở Trung Đông, bao gồm cả việc trả đũa các cuộc tấn công của lực lượng vũ trang Houthi ở Yemen.
Kể từ khi cuộc chiến ở Gaza bắt đầu, chính quyền Biden đã tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực, nhằm ngăn chặn và đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào vào lực lượng Israel và Mỹ.
Báo cáo cho biết các hoạt động quân sự bổ sung này tiêu tốn ít nhất 4,86 tỷ USD và không bao gồm việc tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ai Cập và các đối tác khác trong khu vực.
Mỹ thường xuyên duy trì lực lượng quân sự lớn ở Trung Đông (Ảnh: CCTV).
Vào ngày Hamas tấn công Israel (7/10/2023), Mỹ có 34.000 quân ở Trung Đông. Đến tháng 8 năm nay, sau khi hai tàu sân bay tiến vào khu vực, số lượng quân Mỹ tăng lên khoảng 50.000 người. Khi đó, Israel đã giết hại Ismail Haniyeh, thủ lĩnh Hamas ở Iran và mục đích tăng cường quân sự của Mỹ là nhằm ngăn chặn bất kỳ hành động trả đũa nào nhằm vào Israel. Tổng số quân Mỹ ở Trung Đông hiện nay là khoảng 43.000 người.
Số lượng tàu và máy bay Mỹ được triển khai ở Địa Trung Hải, Biển Đỏ và Vịnh Aden, bao gồm các nhóm tấn công tàu sân bay, nhóm tàu đổ bộ, phi đội máy bay chiến đấu và các trận địa tên lửa phòng không, đã được thay đổi trong suốt cả năm.
Lầu Năm Góc cho biết một nhóm tấn công tàu sân bay khác sẽ sớm tới châu Âu, điều này có thể làm tăng tổng số quân đóng quân trở lại nếu hai tàu sân bay một lần nữa có mặt trong khu vực cùng lúc.
Tàu Mỹ trên Biển Đỏ phóng tên lửa tấn công vị trí của Houthi ở Yemen (Ảnh: AP).
Tấn công lực lượng vũ trang Houthi
Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, quân đội Mỹ đã triển khai quân đội để đáp trả các cuộc tấn công ngày càng leo thang của lực lượng Houthi. Đây là một nhóm nổi dậy vũ trang kiểm soát thủ đô và các khu vực phía bắc của Yemen, đã tiến hành các cuộc tấn công vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ kể từ khi bùng phát cuộc xung đột ở Gaza để thể hiện tình đoàn kết với Hamas.
Các nhà nghiên cứu ước tính chi phí 4,86 tỷ USD cho phần hành động quân sự bổ sung này là một "thách thức phức tạp và tốn kém không đối xứng" đối với Mỹ.
Lực lượng Houthi liên tục tấn công các tàu đi qua các tuyến đường thương mại quan trọng, khiến Mỹ phải tấn công vào các địa điểm phóng tên lửa của Houthi và các mục tiêu khác. Cuộc chiến đã trở thành trận chiến trên biển khốc liệt nhất mà Hải quân Mỹ phải đối mặt kể từ Thế chiến thứ hai.
Các tác giả báo cáo của Brown University cho biết: “Mỹ đã triển khai nhiều tàu sân bay, tàu khu trục, tàu tuần dương và tên lửa trị giá hàng triệu USD để chống lại các máy bay không người lái giá rẻ của Houthi do Iran sản xuất có giá chỉ 2.000 USD”.
Tính toán của các nhà nghiên cứu cũng bao gồm ít nhất 55 triệu USD chi trợ cấp chiến đấu bổ sung để tăng cường các hoạt động quân sự trong khu vực.
Báo cáo ước tính rằng các cuộc tấn công của Houthi vào các tàu buôn khiến thương mại hàng hải thiệt hại thêm 2,1 tỷ USD do các công ty vận tải hàng hóa phải thay đổi tuyến đường hoặc phải trả chi phí bảo hiểm cao. Do đó, người tiêu dùng Mỹ có thể phải đối mặt với áp lực từ giá hàng hóa tăng cao.
Theo NetEasy, Epochtimes
Thu Thủy
Nguồn VietTimes : https://viettimes.vn/my-vien-tro-so-tien-ky-luc-179-ty-usd-cho-israel-post178945.html