Theo Sci-News, cho đến nay, người ta cho rằng những sinh vật đầu tiên có thể được gọi là khủng long bắt nguồn từ các vĩ độ cao của siêu lục địa cổ đại Gondwana.
Vào kỷ Tam Điệp - bắt đầu vào khoảng 251 triệu năm trước - Trái Đất chỉ có 2 siêu lục địa là Gondwana ở phía Nam và Laurasia ở phía Bắc. Đến giữa kỷ địa chất này, các loài khủng long sơ khai nhất bắt đầu xuất hiện ở Gondwana, có kích thước bé nhỏ.
Đến kỷ địa chất tiếp theo là kỷ Jura (200-146 triệu năm trước), dòng dõi khủng long mới phát triển mạnh và bước vào thời hoàng kim vào kỷ Phấn Trắng (145-66 triệu năm trước).
Hiện trường khai quật tại Wyoming (ảnh lớn) và ảnh đồ họa mô tả chân dung sinh vật mới vừa được khai quật - Ảnh: Bảo tàng địa chất Đại học Wisconsin
Ở siêu lục địa phía Bắc Laurasia, khủng long được cho là xuất hiện sau loài khủng long phương Nam cổ xưa nhất ít nhất 6-10 triệu năm.
Nhưng các mảnh hóa thạch thuộc về một sinh vật bí ẩn được tìm thấy ở Wyoning - Mỹ, một phần của Laurasia cổ đại, lại có niên đại 230 triệu năm, tức cùng thời với loài khủng long Gondwana cổ xưa nhất.
Loài mới này được đặt danh pháp là Ahvaytum bahndooiveche.
"Ahvaytum bahndooiveche sống ở Laurasia trong hoặc ngay sau thời kỳ biến đổi khí hậu lớn gọi là "thời kỳ mưa phùn Carnian", được cho là có liên quan đến thời kỳ đầu khủng long đa dạng hóa” - TS Dave Lovelace từ Bảo tàng Địa chất của Đại học Wisconsin (Mỹ) cho biết.
Khí hậu trong thời kỳ đó ẩm ướt hơn nhiều so với trước đây, biến những vùng sa mạc rộng lớn, nóng bức thành môi trường sống thuận lợi hơn cho những loài khủng long đầu tiên.
Với sự xuất hiện của Ahvaytum bahndooiveche, lịch sử của dòng họ quái thú này cần được viết lại: Rõ ràng các sự kiện đồng thời đã diễn ra ở cả 2 siêu lục địa Bắc Nam, chứ không phải các loài khủng long hình thành ở phía Nam sau đó mới di cư lên phương Bắc.
Ahvaytum bahndooiveche gây sốc lần 2 khi các kết quả phân tích cho thấy nó là một Sauropodomorph, là nhóm khủng long trung gian, tiền thân của dòng họ siêu quái thú Sauropod, tức khủng long chân thằn lằn khổng lồ.
Trái với dự liệu, con Sauropodomorph cổ xưa này có thân hình bé nhỏ, dài chỉ 1 m, rất thon thả và có chiếc đuôi dài hơn cổ. TS Lovelace mô tả nó như "một con gà có đuôi rất dài".
Nó không giống một chút nào với những con Sauropod hậu duệ, có thể nặng hàng chục tấn, bốn chân to như cột đinh, thân hình đồ sộ, cổ dài đặc trưng, chiếc đuôi cũng dài nhưng rất to và nặng nề.
Những dữ liệu này cũng giúp lấp đầy khoảng trống quan trọng trong hồ sơ ban đầu về quá trình tiến hóa của Sauropodomorph, theo bài công bố trên tạp chí khoa học Zoological Journal of the Linnean Society.
“Với những hóa thạch này, chúng tôi có loài khủng long trung gian lâu đời nhất trên thế giới, đây cũng là loài khủng long lâu đời nhất ở Bắc Mỹ” - TS Lovelace nói.
Tại cùng địa điểm Garrett's Surprise, các nhà cổ sinh vật học cũng tìm thấy một chiếc xương hóa thạch của một sinh vật giống khủng long có tên là silesaurid, cho thấy Wyoming có thể cung cấp thêm những mảnh ghép thú vị để viết lại lịch sử ban đầu của khủng long.
Theo Người lao động