B61-13 sở hữu sức công phá cực kỳ khủng khiếp, với đương lượng nổ tối đa lên tới 360.000 tấn thuốc nổ TNT, gấp 24 lần quả bom nguyên tử “Little Boy” mà quân đội Mỹ đã thả xuống Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945.
"Nhà máy Pantex đã xuất xưởng quả bom hạt nhân B61-13 đầu tiên. Loại vũ khí này được thiết kế nhằm tăng cường mức độ linh hoạt và tin cậy của lực lượng răn đe hạt nhân Mỹ", Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Chris Wright cho biết hôm 19/5.
Nhà máy Pantex tại bang Texas là nơi lắp ráp và tháo rời vũ khí hạt nhân của Mỹ, đồng thời phụ trách hoạt động thử nghiệm và đánh giá liên quan khí tài này.
Cơ sở nằm dưới sự giám sát của Cơ quan An ninh Hạt nhân Quốc gia (NNSA) trực thuộc Bộ Năng lượng Mỹ.
Quả bom B61-13 đầu tiên này đã được hoàn thành sớm gần một năm so với mốc thời gian dự kiến ban đầu và chưa đầy hai năm kể từ khi chương trình được công bố, khiến nó trở thành một trong những loại vũ khí được phát triển và triển khai nhanh nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Chris Wright cho biết hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân là nhiệm vụ thiết yếu để thực thi chính sách "hòa bình thông qua sức mạnh" của Tổng thống Donald Trump.
“Tốc độ sản xuất đáng kinh ngạc của B61-13 là minh chứng cho sự sáng tạo của các nhà khoa học và kỹ sư của chúng ta, đồng thời phản ánh sự cấp thiết trong việc củng cố năng lực răn đe trong thời đại bất ổn mới”, ông Chris Wright nhấn mạnh.
Mỹ không chế tạo thêm đầu đạn hạt nhân cho B61-13, mà tái sử dụng đầu đạn trên những quả bom đời cũ.
Chưa rõ chi phí của dòng bom này, nhưng phiên bản B61-12 trước đó nặng 320 kg và có giá 28 triệu USD, đắt hơn khối vàng ròng có cùng trọng lượng vào thời điểm dự án bắt đầu.
Bom B61-13 có thiết kế bên ngoài y hệt phiên bản tiền nhiệm B61-12, trong đó có bộ điều khiển chứa hệ thống dẫn đường quán tính ở đuôi. "B61-13 cũng được tích hợp các tính năng hiện đại nhằm bảo đảm độ an toàn, bảo mật và chính xác giống như B61-12", NNSA cho hay.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai phiên bản là sức công phá. Tất cả các phiên bản của dòng B61 đều có khả năng tùy chỉnh sức nổ, tùy theo yêu cầu của quân đội.
NNSA không tiết lộ con số chính xác, nhưng cho biết B61-13 có sức công phá tối đa ngang phiên bản B61-7, tương đương 340.000-360.000 tấn thuốc nổ TNT, trong khi bom B61-12 chỉ mạnh bằng 50.000 tấn TNT.
Giới chức Mỹ cho biết sức công phá lớn sẽ giúp bom B61-13 tập kích tốt hơn những mục tiêu kiên cố như sở chỉ huy ngầm dưới lòng đất, cũng như mục tiêu trải rộng trên diện tích lớn.
Theo website Bộ Năng lượng Mỹ, B61-13 là một trong bảy chương trình hiện đại hóa đầu đạn hạt nhân đang được NNSA triển khai nhằm đảm bảo tính đáng tin cậy và hiệu quả của kho vũ khí hạt nhân Mỹ.
Trong khi các biến thể thuộc dòng B61 có thể được triển khai bởi nhiều loại chiến đấu cơ và máy bay ném bom, B61-13 chỉ được sử dụng trên các máy bay ném bom chiến lược, và sẽ chỉ được triển khai từ các căn cứ nằm trong lãnh thổ chính của Mỹ.
Sự ra đời của B61-13 diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và Liên bang Nga tiếp tục mở rộng các cơ sở quân sự dưới lòng đất.
Trong khi đó, chính phủ Mỹ nhấn mạnh rằng việc triển khai B61-13 sẽ tăng cường năng lực tấn công các mục tiêu được gia cố sâu dưới mặt đất, từ đó duy trì khả năng răn đe hiệu quả đối với các đối thủ tiềm tàng.
Quân đội Mỹ lần đầu thông báo kế hoạch phát triển và biên chế bom B61-13 hồi năm 2023, chủ yếu nhằm mục đích thay thế biến thể B61-7.
Việt Hùng
Theo TWZ