'Na Tra 2' và bài học kinh nghiệm cho hoạt hình Việt

'Na Tra 2' và bài học kinh nghiệm cho hoạt hình Việt
3 giờ trướcBài gốc
Cảnh trong phim “Na Tra 2”
Cột mốc lịch sử
"Na Tra 2" là bộ phim đầu tiên không phải của Hollywood lọt vào top các phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Theo trang Securities Times, thành công của phim không chỉ đánh dấu tiềm năng khổng lồ của thị trường mà còn cho thấy sự trỗi dậy của hoạt hình Trung Quốc trong làng điện ảnh thế giới. Thành công này đến từ sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa công nghệ tiên tiến, cốt truyện hấp dẫn và yếu tố văn hóa bản địa.
Công nghệ làm phim của Trung Quốc đã có bước tiến đáng kể. Kinh phí thực hiện "Na Tra 2" là 80 triệu USD. Ngoài giọng hát nguyên sơ của dân tộc Động (Quý Châu) thổi hồn cho bộ phim, "Na Tra 2" còn gây ấn tượng với cảnh hải chiến hoành tráng, hình ảnh binh tôm tướng cua sống động như thật. Những cảnh quay như núi Côn Lôn, luyện ngục dưới đáy biển… vô cùng chân thực và lôi cuốn. Kỹ xảo hình ảnh được trau chuốt tỉ mỉ, mang đến cho khán giả trải nghiệm nghe nhìn vô cùng mãn nhãn.
Trong số hơn 2.400 cảnh quay của "Na Tra 2" có tới hơn 1.900 cảnh quay sử dụng kỹ xảo, với 800 máy tính hoạt động liên tục, tạo ra những khung hình mãn nhãn. Quá trình sản xuất kéo dài 5 năm, trong đó 3 năm dành cho việc dựng hình tại Trung tâm siêu máy tính Quý An (Quý Châu). Hơn 40% cảnh quay hiệu ứng đặc biệt của toàn bộ phim được trợ giúp bởi công ty này. Vào thời điểm cao điểm nhất, 1.000 card đồ họa hiệu suất cao đã được huy động, giúp nâng cao đáng kể hiệu quả dựng hình.
"Đây không còn là một bộ phim hoạt hình đơn giản với hình ảnh kém trau chuốt mà đã đạt đến đẳng cấp quốc tế. Đạo diễn Sủi Cảo, vốn xuất thân là một chuyên gia y khoa, đã mang tư duy khoa học vào quá trình sản xuất phim, đảm bảo chất lượng hình ảnh đạt đến mức độ tỉ mỉ chưa từng có trong hoạt hình Trung Quốc", nhà phê bình phim Cary Darling nhận xét trên hệ thống Rotten Tomatoes.
Ngoài ra, thành công của bộ phim còn nhờ vào yếu tố bản sắc văn hóa và tinh thần dân tộc. Trung Quốc đang trong giai đoạn củng cố "niềm tự hào quốc gia" thông qua văn hóa, "Na Tra 2" đã trở thành biểu tượng của sự trỗi dậy đó. Khán giả Trung Quốc không chỉ đến rạp để xem một bộ phim giải trí, họ còn xem đây là cách để ủng hộ điện ảnh nước nhà trước sự thống trị lâu năm của Hollywood.
Ngoài ra, "Na Tra 2" tận dụng triệt để lợi thế từ nền tảng thần thoại Trung Hoa, đưa câu chuyện quen thuộc vào một bối cảnh đương đại để tạo ra sự gần gũi với người xem. Việc bộ phim hướng đến đối tượng khán giả ở mọi lứa tuổi, kết hợp với yếu tố hài hước đã giúp nó có sức hấp dẫn rộng rãi và đủ tiềm năng để vươn lên vị trí quán quân phòng vé. Nhân vật Na Tra trong phiên bản mới xô đổ quy tắc và định kiến, khẳng định: Ta là ai do bản thân ta định đoạt chứ không phụ thuộc vào quan niệm xung quanh. Thông điệp này đã chạm đến một "vấn đề thời đại" mà khán giả trẻ có thể dễ dàng tìm thấy tiếng nói chung.
Một yếu tố quan trọng khác trong sự thành công của Na Tra 2 chính là cách tiếp cận thị trường. Trung Quốc đã khéo léo sử dụng cộng đồng người Hoa ở nước ngoài làm bệ phóng để đưa bộ phim vươn xa. Đây là chiến lược mà nhiều quốc gia có nền công nghiệp điện ảnh phát triển đang áp dụng. Trên mạng xã hội Trung Quốc, người dùng kêu gọi nhau ra rạp, và thậm chí xem phim nhiều lần.
Nhìn lại hoạt hình Việt
Lịch sử phim hoạt hình Việt Nam bắt đầu từ năm 1959 với bộ phim đầu tiên "Đáng đời thằng cáo" thuộc thể loại đồ họa. Đến nay, Việt Nam đã có khoảng 700-800 phim hoạt hình với quy mô sản xuất khoảng 15-17 phim/năm. Năm 2023, "Wolfoo và hòn đảo kỳ bí" trở thành phim hoạt hình chiếu rạp đầu tiên tại Việt Nam, đánh dấu sự khởi sắc của hoạt hình trong nước. Phim thu về hơn 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, khán giả vẫn kỳ vọng nhiều hơn thế. Các dự án như Chiến binh gốm - Blank Blank và Truyền thuyết Kim Ngưu cũng chiếm được sự chú ý nhưng hoạt hình Việt vẫn còn khoảng cách quá lớn so với các cường quốc điện ảnh.
Phim hoạt hình Việt “Wolfoo và hòn đảo kỳ bí”
Một trong những xu hướng chính của hoạt hình hiện nay là kết hợp giữa công nghệ tiên tiến với cốt truyện mang tính địa phương. Thay vì chỉ đi theo phong cách hoạt hình phương Tây, nhiều nhà làm phim đã tìm cách khai thác những truyền thuyết, văn hóa bản địa để tạo ra sự khác biệt. Một số nhà sản xuất phim cho rằng, thành công của "Na Tra 2" có thể là bài học lớn cho hoạt hình Việt Nam. Nếu muốn bứt phá, các nhà làm phim Việt cần phải mạnh dạn đầu tư vào những câu chuyện mang bản sắc dân tộc.
Đây là dịp để hoạt hình Việt Nam nhìn nhận khía cạnh đưa văn hóa truyền thống, nhân vật trong lịch sử, truyền thuyết dân gian lên phim. "Việt Nam không thiếu chất liệu để làm phim hoạt hình, từ Sơn Tinh - Thủy Tinh, Thánh Gióng cho đến các truyền thuyết về Lạc Long Quân - Âu Cơ. Tất cả đều là những câu chuyện tiềm năng có thể phát triển thành tác phẩm lớn nếu được đầu tư bài bản", nhà phê bình Thảo Đan đề xuất.
Phim "Truyền thuyết Kim Ngưu"
Tháng 6/2025 đánh dấu lần góp mặt đầu tiên của Việt Nam tại Liên hoan phim hoạt hình quốc tế Annecy (Pháp). Đây là một trong những lễ hội điện ảnh danh giá nhất của ngành hoạt hình toàn cầu. Nhiều sản phẩm hoạt hình Việt Nam sẽ được giới thiệu tại sân chơi quốc tế thông qua gian trưng bày sản phẩm hoạt hình nổi bật trong nước. Đây cũng là dịp tiếp xúc trực tiếp với các nhà đầu tư cũng như các xưởng phim quốc tế.
Còn đạo diễn Phạm Minh Trí chia sẻ: "Hoạt hình Việt có thể đi con đường này để ra quốc tế, với thế mạnh là kịch bản nhân văn, đậm bản sắc dân tộc. Phải biết điểm mạnh là gì để cạnh tranh. Chúng ta thuyết phục khán giả thế giới bằng kịch bản hay, độc đáo thay vì kỹ xảo hoành tráng".
Ngoài ra, thời gian làm một phim hoạt hình trung bình có thể kéo dài từ 4 đến 5 năm, tốn nhiều sức người và sức của. Phim hoạt hình Việt cần nỗ lực nhiều ở khâu đầu tư, đào tạo nhân lực, quảng bá mới có thể cho ra đời các tác phẩm tốt. "Lý do chính khiến hoạt hình Việt Nam chưa thể cất cánh nằm ở ba điểm yếu cốt lõi: Thiếu đầu tư nghiêm túc, công nghệ hạn chế và chưa có định hướng rõ ràng về bản sắc. Phim hoạt hình trong nước phần lớn mang phong cách truyền thống, thiếu sự đột phá về công nghệ và chất lượng hình ảnh. Trong khi Trung Quốc có thể huy động 138 công ty hoạt hình và hơn 4.000 nhân sự để thực hiện một bộ phim, thì ở Việt Nam, số lượng studio đủ khả năng làm phim điện ảnh còn vô cùng ít ỏi", đạo diễn Thủy Hằng phân tích.
Gia Trung (Tổng hợp)
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/na-tra-2-va-bai-hoc-kinh-nghiem-cho-hoat-hinh-viet-20250225203723977.htm