Năm 2024, báo động tình trạng gia tăng tội phạm vị thành niên

Năm 2024, báo động tình trạng gia tăng tội phạm vị thành niên
14 giờ trướcBài gốc
Năm 2024, xã hội xuất hiện nhiều vụ án mạng, tai nạn, phạm tội là những người trẻ tuổi, thậm trí là trẻ chưa thành niên. Theo thống kê sơ bộ, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 13.000 thanh thiếu niên vi phạm pháp luật. Trong đó, tỷ lệ gây án ở tuổi vị thành niên là 5,2% đối với người dưới 14 tuổi, 24,5% đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và 70,3% đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi.
Các hành vi vi phạm không chỉ dừng lại ở những hành vi nhỏ lẻ như trộm cắp vặt, gây rối trật tự công cộng mà còn bao gồm cả những tội nghiêm trọng như cướp giật, trộm cắp tài sản có tổ chức, bạo lực học đường và thậm chí là mua bán tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy và giết người.
Nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra
Gần đây nhất, vụ việc Tòa án nhân dân quận Long Biên đưa ra xét xử vụ nam sinh lớp 8, bị đánh chết não, rồi tử vong sau 2 tháng điều trị tại bệnh viện nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận. Trong vụ án này, TAND Q. Long Biên (Hà Nội) tuyên phạt bị cáo T.V.M (16 tuổi, trú trên địa bàn) mức án 4 năm 9 tháng tù về tội cố ý gây thương tích.
Nam sinh lớp 8 bị đánh dẫn đến tử vong.
8 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Lai Châu xảy ra 7 vụ phạm tội về trật tự xã hội do người trong độ tuổi vị thành niên (từ 14 đến dưới 18 tuổi) gây ra. Đặc biệt, trong thời gian nghỉ hè (tháng 7- tháng 8/2024) xảy ra 2 vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm
Đó là, vụ giết người xảy ra ngày 27/7/2024, tại bản Nậm Cung, xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu hậu quả làm 1 người chết. Liên quan vụ án này, cơ quan chức năng đã khởi tố bị can đối với 6 đối tượng đều dưới 18 tuổi.
Ngày 7/8, Công an tỉnh Lai Châu nhận được báo cáo của Công an huyện Nậm Nhùn về việc, từ giữa tháng 7 năm 2024 đến đầu tháng 8/2024, Lầu A K. (SN 2008), trú tại bản Huổi So, xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu có hành vi hiếp dâm đối với 2 bé gái V.T.C (SN 2012) và V.T.H (SN 2018) trú ở cùng bản.
Từ đầu năm 2024 đến nay, TAND hai cấp tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa ra xét xử rất nhiều vụ án liên quan đến trẻ thành niên và vị thành niên. Hay gần đây, tại Hòa Bình, hai vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng đã cướp đi sinh mạng của 6 thanh thiếu niên. Trong cả hai vụ, các nạn nhân đều chở ba trên xe máy và phóng với tốc độ cao, dẫn đến những kết cục thương tâm.
Nhóm "quái xê" gây tử vong cho cô gái tại Hà Nội
Thách thức cho pháp luật
Sự trẻ hóa tội phạm không chỉ phản ánh một thực trạng đáng lo ngại về đạo đức và giáo dục mà còn đặt ra nhiều thách thức cho hệ thống pháp luật và an ninh trật tự. Những đối tượng phạm tội ở độ tuổi vị thành niên thường có những hành vi bộc phát, thiếu suy nghĩ, chín chắn và dễ bị lôi kéo, dụ dỗ vào các hoạt động tội phạm. Điều đáng lo ngại hơn là các hành vi phạm tội ngày càng có tổ chức và nguy hiểm hơn. Đây là một thách thức lớn cho công tác phòng chống tội phạm, đòi hỏi sự nỗ lực và hợp tác từ nhiều phía.
Phân tích nguyên nhân về thực trạng này, Thạc sỹ Ngô Thế Nghị, Giảng viên khoa Chính trị học, Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam cho rằng, phần nhiều những em phạm tội là do phụ huynh đã quá bận rộn với làm ăn kinh tế mà ít dành thời gian quan tâm đến con em mình, sự thiếu thốn về mặt giáo dục từ gia đình, giám sát từ cha mẹ, gia đình không hạnh phúc, bị bạo hành, bị bỏ rơi…dẫn đến các bạn trẻ dễ bị lôi kéo vào môi trường xấu, dễ lây nhiễm từ các thông tin tiêu cực xấu độc trên mạng xã hội hiện nay, nhất là các thông tin bạo lực…
Nhiều trẻ vị thành niên phải chịu nhiều áp lực học tập, cuộc sống, phải mưu sinh kiếm tiền quá sớm, cũng là nguyên nhân dẫn đến sa vào các hoạt động phạm pháp để giải tỏa các áp lực đó.
Cùng với đó, việc thiếu các sân chơi, môi trường lành mạnh cũng là nguyên nhân quan trọng, khi trên không gian mạng hiện nay đang lan tràn các trào lưu xấu độc như “giang hồ mạng”, các trend mạo hiểm…tiêm nhiễm vào đầu óc thanh thiếu nhi mà chưa được quản lý chặt chẽ, làm cho trẻ vị thành niên dễ sa vào đời sống ảo, mất sức đề kháng, lạc lối, mất phương hướng.
Thạc sỹ Ngô Thế Nghị, Giảng viên khoa Chính trị học, Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam. Ảnh: NVCC
Thạc sỹ Ngô Thế Nghị khẳng định, thực trạng trên gây hậu quả cũng như hệ lụy rất lớn đối với mỗi gia đình và cộng đồng xã hội, cũng như tạo ra áp lực, thách thức rất lớn đối với các cơ quan pháp luật và tạo ra sự bất an, bất ổn cho toàn xã hội.
Những trẻ vị thành niên hay thanh thiếu nhi sau khi vi phạm pháp luật hoặc gây ra các vụ án mạng, tai nạn…mặc dù đã được xử lý, nhưng gây ra những tổn thất nặng nề về tinh thần và tâm lý cho cả gia đình, xã hội và cả bản thân các em cho hiện tại và cả tương lai lâu dài.
Đồng tình quan điểm trên, Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Đức Hùng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiện Duyên – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, có một nguyên nhân rất quan trọng, đó là hệ thống pháp luật hiện hành về công tác phòng chống và xử lý đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Trước tiên, theo luật sư Hùng, các quy định về phòng chống và xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật nói chung và phạm tội nói riêng đang nằm rải rác, phân tán ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau như: Luật trẻ em, Luật xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự và nhiều văn bản pháp luật có liên quan khác. Trong đó, nhiều quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu tính đồng bộ và thống nhất, đặc biệt là các cơ chế, các biện pháp quản lý, phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội còn khá mờ nhạt, mang nặng tính hình thức và kém hiệu quả. Do đó, việc thực thi các quy định pháp luật này nhiều khi cũng chưa mang lại hiệu quả cao.
“Chế tài xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội thường theo hướng nhân đạo và khoan hồng, với mức hình phạt áp dụng thấp hơn nhiều so với người đã thành niên phạm tội. Pháp luật hiện hành lại không có sự phân hóa, cá thể hóa phù hợp dẫn đến nhiều vụ án có mức xử phạt quá nhẹ, không tương xứng và công bằng, nhất là đối với các hành vi phạm tội có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, dã man và tàn ác, dễ dẫn đến tình trạng “nhờn luật”, cũng như gây ra những ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội”- luật sư Hùng nói.
Cần hoàn thiện văn bản pháp luật
Theo luật sư Hùng, pháp luật hiện hành vẫn phải hoàn thiện hơn nữa, theo hướng nhấn mạnh các biện pháp phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội. Trong đó, cần quy định rõ hơn nữa quyền hạn và trách nhiệm của các cá nhân, gia đình, nhà trường, các cơ quan, đoàn thể có liên quan trong việc quản lý, giám sát, phòng ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật. đặc biệt là đối với nhóm trẻ vị thành niên có hoàn cảnh đặc biệt, có nguy cơ vi phạm pháp luật cao (trẻ em mồ côi, lang thang, không nơi nương tựa, hoặc gia đình có các các vấn đề về tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình.v.v..).
Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Đức Hùng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiện Duyên – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội
“Vừa qua, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2026), với nhiều quy định mới tiến bộ liên quan đến việc xử lý người chưa thành niên phạm tội. Đây là một bước tiến rất quan trọng, không chỉ tạo ra sự thống nhất, đồng bộ, thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật mà còn có rất nhiều quy định mang tính nhân đạo, nhân văn rất cao, tăng cường các biện pháp giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội sửa chữa lỗi lầm, hòa nhập cộng đồng, với một quy trình tố tụng thân thiện, phù hợp với tâm sinh lý của người chưa thành viên.v.v.. Do đó, khi Luật này có hiệu lực sẽ tác động rất tích cực đến việc ngăn chặn và xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội”- luật sư Hùng nói.
Ngoài các nội dung nêu trên, để giải quyết được nguyên nhân “gốc rễ” của vấn đề, theo luật sư Hùng, cần phải chú trọng đến các giải pháp mang tính xã hội, kết hợp với việc hoàn thiện các cơ chế quản lý nhà nước, để có cung cấp cho người chưa thành niên sự bảo vệ, chăm sóc và giáo dục tốt nhất, giúp họ có thể phát triển hoàn thiện về kiến thức, kỹ năng sống, sự hiểu biết pháp luật, có đạo đức và nhân cách tốt, biết chủ động lựa chọn những cách xử sự phù hợp với các chuẩn mực của xã hội và quy định của pháp luật.
Còn ông Ngô Thế Nghị cho rằng, trước hết phải bắt đầu từ môi trường gia đình, các bậc cha mẹ hãy dành thời gia cho con nhiều hơn, quan tâm, quan sát, giáo dục, chia sẻ với con nhiều hơn nhất là trong khi các con đang ở lứa tuổi diễn biến tâm lý bất thường và có nhiều thay đổi. Vì cha mẹ phải là người tạo ra vaccine miễn dịch cho con mình bằng tình yêu thương và sự quan tâm.
“Các nhà trường cần phối hợp thường xuyên và chặt chẽ với gia đình trong việc quan tâm giáo dục trẻ; cần đẩy mạnh các hoạt động tham vấn, hỗ trợ tâm lý trong trường học, tổ chức các hoạt động và tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho trẻ vị thành niên, tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ. Làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho trẻ vị thành niên và thanh thiếu nhi. Cùng với đó, cả gia đình, nhà trường, xã hội, nhất là các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa, trấn áp tội phạm, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các em đã từng lầm lỡ có cơ hội được giáo dục và tái hòa nhập cộng đồng”- ông Nghị nói.
Nguyễn Hiền/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/phap-luat/nam-2024-bao-dong-tinh-trang-gia-tang-toi-pham-vi-thanh-nien-post1145015.vov