Xuất khẩu tiếp tục lập kỷ lục mới
Báo cáo tình hình công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, năm 2024, trong hoạt động xuất khẩu đã tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống để đẩy mạnh xuất khẩu, nâng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2024 lập kỷ lục mới, dự kiến vượt ngưỡng 700 tỷ USD (ước đạt 783 tỷ USD; trong đó xuất khẩu ước đạt 403 tỷ USD; nhập khẩu ước đạt 380 tỷ USD), vượt hơn 100 tỷ so với mức 681 tỷ USD của năm 2023.
Trong đó, khu vực thị trường châu Á - châu Phi tiếp tục giữ vị trí chiến lược với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều ước đạt 519,7 tỷ USD, tăng 13,7% so với năm 2023, chiếm 66,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới (xuất khẩu ước đạt 197,4 tỷ USD, tăng 8,4%; nhập nhẩu ước đạt 322,3 tỷ USD, tăng 17,2%; nhập siêu 124,9 tỷ USD, tăng 34,6% so với năm 2023).
Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao ở mức hai con số, với sự phục hồi tích cực của các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực. Xuất khẩu ước đạt 403 tỷ USD (vượt xa mức 354,7 tỷ USD của cả năm 2023), tăng 13,6% so với năm 2023 (năm 2023 giảm 4,6%), đây là mức tăng trưởng khá cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN và châu Á (trong 10 tháng năm 2024, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 12,7%, Hàn Quốc tăng 9,6%, Thái Lan tăng 4,9%, Indonesia tăng 1,33%). Trong đó, xuất khẩu tăng mạnh ở nhóm hàng nông lâm thủy sản (11 tháng tăng 20,6%), với giá bán nông sản thuận lợi đã hỗ trợ tiêu thụ tốt đầu ra cho sản xuất nông nghiệp và người dân và nhóm hàng công nghiệp chế biến (11 tháng tăng 14,3%).
Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nhóm công nghiệp chế biến phục hồi mạnh, là động lực đóng góp chính vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước (chiếm gần 85%).
Đặc biệt, các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực vốn gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 đã có sự phục hồi nhanh, lấy lại đà tăng trưởng cao ở mức hai con số như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 71,7 tỷ USD, tăng 25%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 53,9 tỷ USD, tăng 2,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 52,6 tỷ USD, tăng 22%; hàng dệt may đạt 37 tỷ USD, tăng 11,2%; giày dép các loại đạt 22,9 tỷ USD, tăng 13%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16,2 tỷ USD, tăng 20,3%; sắt thép đạt 9,3 tỷ USD, tăng 11,8%...
Đáng chú ý, hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Khai mở thị trường tiềm năng tại Trung Đông - châu Phí bằng việc ký kết Hiệp định FTA với UAE trong thời gian đàm phán kỷ lục (16 tháng).
Hoạt đông xuất nhập khẩu đã cơ bản tận dụng, khai thác có hiệu quả các cam kết mở cửa thị trường từ các FTA, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam với hầu hết các thị trường đã ký FTA đều tăng, xuất khẩu sang Hoa Kỳ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam ước đạt 119,7 tỷ USD, chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng tới 23,4% so với năm 2023 (năm 2023 giảm 11,3%); xuất khẩu sang thị trường EU ước đạt 51,6 tỷ USD, tăng 18,3% (năm 2023 giảm 6,8%); xuất khẩu sang khu vực thị trường ASEAN tăng 13,6%; xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc ước đạt 25,5 tỷ USD, tăng 8,6% (năm 2023 giảm 3,4%); xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản ước đạt 24,6 tỷ USD, tăng 5,5% (năm 2023 giảm 3,7%).
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu tại hội nghị.
Điều hành, khai thông hiệu quả hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, hàng hóa cơ bản không bị ách tắc, kể cả lúc cao điểm thời vụ, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang thị trường này.
Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, năng lực sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước ngày càng được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước (18,9%) cao hơn so với khu vực FDI (11,6%); đồng thời, tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước cao hơn so với cùng kỳ năm trước (28,9% so với 26,9%).
Hoạt động nhập khẩu được đảm bảo với cơ cấu phù hợp, cơ bản đáp ứng nhu cầu nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng. Trong đó, nhóm hàng cần nhập khẩu tiếp tục chiếm tỷ trọng cao (gần 89%). Việc nhập khẩu các mặt hàng linh kiện, máy móc, nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng trưởng trở lại cho thấy sự phục hồi của hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế, cùng như những tín hiệu tích cực về các đơn hàng nhận được trong thời gian tới.
“Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp (từ năm 2016) với mức thặng dư khá cao (ước đạt 23 tỷ USD), góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế”, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết.
Năm 2025 mục tiêu xuất khẩu tăng 12% so với 2024
Thực hiện chỉ đạo mới nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức cao 8%, Bộ Công Thương đã đề xuất nâng các chỉ tiêu tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại năm 2025 để đưa vào Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) phấn đấu tăng khoảng 9-10% so với năm 2024; Xuất khẩu hàng hóa phấn đấu tăng khoảng 12% so với năm 2024; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phấn đấu tăng khoảng 10% so với năm 2024; Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống ước đạt 347,5 tỷ kWh, tăng khoảng 12,2% so với năm 2024. Trong đó, tổng công suất nguồn điện (không bao gồm điện mặt trời mái nhà) 82.097 MW, tăng khoảng 6,2% so với năm 2024.
Để thúc đẩy xuất nhập khẩu trong năm 2025, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi thông tin kịp thời cho các Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, nhất là những thay đổi trong chính sách thương mại của các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Đồng thời, tích cực triển khai đa đạng các hình thức (trực tiếp và trực tuyến) để giới thiệu các lợi thế, ưu đãi từ các Hiệp định FTA đã thực thi để tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định.
Bộ sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu.
Bộ cũng sẽ thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh thực hiện thông qua dịch vụ công trực tuyến giúp tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được giao về triển khai thực hiện Kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển hoạt động thương mại biên giới bền vững thông qua thúc đẩy xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới theo hình thức chính ngạch, điều hành, khai thông hiệu quả hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc.
Thu Trang/Báo Tin tức