Những tác động từ năm 2024 sẽ tiếp tục kéo dài, kèm theo những biến số mới.
Nhận định bối cảnh năm 2025, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, những tác động từ năm 2024 sẽ tiếp tục kéo dài, kèm theo những biến số mới.
Cụ thể, có 4 “biến số” chính đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025 gồm:
Thứ nhất, về tỷ giá: Chỉ số đồng USD (DXY) ghi nhận tăng mạnh trong thời gian qua, đạt mức 105,69 vào ngày 9/12/2024. Điều này kéo theo tỷ giá đồng Việt Nam tăng từ 24.265 đồng/USD đầu năm lên 25.318 đồng/USD hiện nay, tương đương mức tăng 4,34%. Sang năm 2025, tỷ giá sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi chính sách kinh tế của ông Donald Trump.
Giới chuyên môn cho rằng, chính sách giảm thuế cho người giầu của ông Trump sẽ tăng thiếu hụt ngân sách cho Mỹ và có khả năng buộc Chính phủ Mỹ phát hành trái phiếu với lãi suất cao để cân đối ngân sách.
Thâm hụt ngân sách cũng có thể buộc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mua trái phiếu Chính phủ Mỹ nhiều hơn - một động thái được gọi là nới lỏng định lượng (Quantitative Easing), làm phình tổng tài sản của Ngân hàng trung ương Mỹ và đẩy một lượng tiền lớn vào lưu thông.
Tất cả những điều này có khả năng làm tăng lạm phát và buộc FED đảo ngược chính sách tiền tệ từ nới lỏng hiện nay trở lại thắt chặt và tạo lực đẩy tỷ giá USD/VND.
Thứ hai, về ngoại thương: Dưới khẩu hiệu "Nước Mỹ trước tiên" (America First), ông Trump có thể sẽ áp thuế nhập khẩu cao với các quốc gia xuất siêu vào Mỹ, trong đó có Việt Nam (Việt Nam là một trong 10 quốc gia xuất siêu lớn nhất vào Mỹ).
Nếu Mỹ tăng thuế lên đến 60% đối với Trung Quốc và mức thấp hơn với các nước khác (ít nhất 25%), xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ sẽ chịu tác động lớn, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Việt Nam phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ - đối tác xuất khẩu số một. Những chính sách bảo hộ mậu dịch của ông Trump nếu thực hiện sẽ bất lợi cho Việt Nam.
Riêng đối với Mỹ, chính sách bảo hộ mậu dịch có thể là một lợi thế chính trị trong cuộc tranh giành quyền lực với Trung Quốc, nhưng về đối nội, việc tăng thuế nhập khẩu sẽ làm tăng giá cả hàng hóa đối với người tiêu dùng ở Mỹ và tăng lạm phát.
Đồng thời kế hoạch trục xuất hàng triệu lao động nhập cư bất hợp pháp có thể tạo ra sự khan hiếm lao động tại Mỹ, đẩy giá lao động lên cao, đồng thời tăng lạm phát và tác động đến chính sách tiền tệ của FED.
Ngoại thương Việt Nam phát triển mạnh trong những năm qua, với kim ngạch xuất nhập khẩu gần gấp đôi GDP. Tuy nhiên, việc phụ thuộcvào thị trường Mỹ cũng là một rủi ro. Các chính sách bảo hộ của ông Trump sẽ tạo ra thách thức lớn.
Một cách để cân bằng là tăng nhập khẩu từ Mỹ, nhằm giảm thặng dư thương mại. Đồng thời, cần đón nhận cơ hội từ các doanh nghiệp Mỹ di dời khỏi Trung Quốc sang Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao và sản xuất bán dẫn.
Thứ ba, tình hình địa chính trị: Các điểm nóng tại Ukraine, Trung Đông và mới đây là bán đảo Triều Tiên, sẽ tạo ra những diễn biến khó lường, ảnh hưởng đến tiền tệ toàn cầu và chính sách kinh tế Việt Nam.
Tất cả những biến động địa chính trị này sẽ tác động lên chính sách đối ngoại của chính phủ ông Trump sau khi ông nhậm chức ngày 20/1/2025. Với vị trí là một siêu cường của thế giới, chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ tác động mạnh mẽ lên tình hình chính trị toàn cầu và từ đó các thị trường tài chính.
Việt Nam với sự lệ thuộc vào ngoại thương với Mỹ và có tỷ lệ thanh toán bằng đồng USD trong các giao dịch ngoại thương lên tới khoảng 80-90%, sẽ chịu những tác động của sự biến động của đồng USD và các chính sách kinh tế và đối ngoại của Mỹ.
Thứ tư, nội tại của nền kinh tế: Nhiều doanh nghiệp vẫn đang phải rất nỗ lực để phục hồi sau COVID-19. Năm 2025 có thể chứng kiến số lượng doanh nghiệp phá sản gia tăng, nếu không có biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn.
Trong bối cảnh đó, theo chuyên gia, Việt Nam có cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư từ các công ty Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao và bán dẫn. Điều này có thể thúc đẩy quá trình hiện đại hóa công nghiệp. Minh chứng là, công ty công nghệ bán dẫn hàng đầu của Mỹ là Nvidia đã quyết định chọn Việt Nam làm địa điểm đặt trung tâm R&D đầu tiên tại ASEAN.
Ngoài ra, châu Âu - thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam - cũng mang lại cơ hội lớn, dù tình hình chiến sự tại Ukraine có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu hàng hóa tại châu Âu.
Nhưng nhiều hàng hóa tiêu dùng của Việt Nam đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của người dân châu Âu, do đó, châu Âu vẫn là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam sau Mỹ.
Về nội tại, Việt Nam đang trong giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế, tạo nền tảng cho một giai đoạn phát triển mới.
Những chuyển động của kinh tế thế giới đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục thích ứng với điều kiện và môi trường toàn cầu luôn biến động để khai thác tối đa lợi ích từ hội nhập quốc tế, đồng thời ứng phó hiệu quả với các rủi ro và rào cản.
Theo Thanh Thanh/thitruongtaichinhtiente.vn