Thiên tai năm 2024 đã làm 514 người chết, mất tích, hàng ngàn ngôi nhà bị ngập nước, hư hỏng. Ảnh: Văn Toan
Khách mời tham gia tọa đàm có ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và PCTT; ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia; đại diện Ban chỉ huy PCTT - tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh, Thanh Hóa…
Trả lời câu hỏi tại tọa đàm về việc nhận định diễn biến thiên tai năm 2025, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Rất khó để nói chính xác thiên tai năm tới sẽ diễn biến cụ thể như thế nào nhưng gần như chắc chắn trong bối cảnh nền nhiệt độ toàn cầu ngày càng tăng thì các đợt nắng nóng ngày sẽ ngày càng gay gắt và khốc liệt hơn.
Cũng theo ông Khiêm, chúng ta cũng gần như chắc chắn sẽ phải đối mặt với sự xuất hiện của nhiều đợt mưa lớn, đặc biệt là mưa lớn cục bộ ở khu vực vùng núi và khu vực đô thị. Hệ quả liên quan với nó là lũ quét, sạt lở đất, ngập úng đô thị. “Cùng với đó, những cơn bão mạnh và siêu bão xác suất và khả năng xuất hiện tăng nhiều hơn. Do đó, hạ tầng ứng phó với thiên tai có lẽ chúng ta cũng cần phải lưu ý nâng cấp để sẵn sàng ứng phó với thiên tai ngày càng cực đoạn” - ông Khiêm nói.
Theo thông tin tại tọa đàm, năm 2024, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 1.340 trận với 21/22 loại hình thiên tai. Sau những tháng đầu năm hạn hán tại các tỉnh phía Nam do ảnh hưởng của hiện tượng Elnino là bão mạnh, mưa lũ lớn, sạt lở đất, lũ quét trên diện rất rộng tại Bắc Bộ; mưa lũ lớn ở Trung Bộ.
Các lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân bị sập nhà do bão số 3 (bão Yagi). Ảnh: Đức Quyết
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Tiến cho biết, có thể khái quát các điểm chính về thiên tai năm 2024 như sau: Một là bão số 3 (Yagi) là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền; hoàn lưu bão gây mưa lớn toàn Bắc Bộ và Thanh Hóa, gây lũ lớn, đặc biệt lớn diện rộng (hầu hết các sông vượt báo động 3), trong đó lũ lịch sử xuất hiện trên 7 tuyến sông; sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại hầu hết các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ, nhất là các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng,… Bão và mưa lũ sau bão đã làm 345 người chết, mất tích (gấp 2 lần thiệt hại về người cả năm 2023); tổng thiệt hại vật chất gần 83.746 tỷ đồng (gấp 9 lần thiệt hại về vật chất do thiên tai cả năm 2023).
Hai là do mưa lớn cực đoan thì lũ quét, sạt lở đất đã xảy ra tại nhiều điểm, gây thiệt hại rất lớn về người trong năm 2024, nhất là lũ quét, sạt lở đất sau bão số 3; lũ quét, sạt lở đất đã làm 325 người chết, mất tích (chiếm 63% tổng thiệt hại về người năm 2024), trong đó có những trận rất nghiêm trọng so với những năm gần đây như: Lũ quét, lũ bùn đá ngày 10/9 tại Làng Nủ, Lào Cai làm 67 người chết, mất tích. Sạt lở đất sáng ngày 9/9 tại xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng làm 31 người chết, mất tích.
Ba là mưa lũ lớn tại các tỉnh miền Trung sau bão số 6, trong đó tại Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đạt 4,14m, trên BĐ3 là 1,44m, lớn thứ hai từ năm 1979 đến nay và chỉ thấp hơn lũ lịch sử năm 2020, gây ngập lụt diện rộng và làm 8 người chết.
Thiên tai năm 2024 đã làm 514 người chết, mất tích (gấp 3,04 lần so với năm 2023 và 2,44 lần trung bình 10 năm từ 2014-2023); 2.207 người bị thương. Thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 88.748 tỷ đồng (gấp 9,52 lần với năm 2023 và 4,19 lần trung bình 10 năm từ 2014-2023).
Tại tọa đàm, các khách mời đã chia sẻ các kinh nghiệm trong chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó, các đại biểu đều cho rằng yếu tố đóng vai trò quyết định trong công tác ứng phó với thiên tai là lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai xuyên suốt, kịp thời, quyết liệt từ sớm, từ xa, thống nhất, thông suốt từ trung ương tới cơ sở với phương châm chỉ đạo là “chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu nhất”.
Cùng với đó phải xây dựng phương án, kế hoạch ứng phó sát với tình hình thực tế. Thường xuyên tổ chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức và kiến thức cho cộng đồng và lực lượng trực tiếp tham gia công tác PCTT.
Bích Nguyên