Năm 2025, Đồng Nai sẽ thu hồi, chuyển mục đích sử dụng hơn 7 ngàn hécta đất

Năm 2025, Đồng Nai sẽ thu hồi, chuyển mục đích sử dụng hơn 7 ngàn hécta đất
2 giờ trướcBài gốc
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi (giữa) đi kiểm tra một dự tái định cư tại huyện Trảng Bom. Ảnh: Hoàng Lộc
Hiện các đơn vị, địa phương vẫn tiếp tục rà soát để đảm bảo tính khả thi của dự án đề xuất.
16/30 đơn vị, địa phương đã đề xuất
Sở Tài nguyên và môi trường mới có tổng hợp danh mục dự án và quỹ đất mà các sở, ngành, đơn vị, địa phương đăng ký thực hiện trong năm 2025. Theo quy trình, các dự án này phải đưa vào danh mục dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất để UBND tỉnh xem xét trước khi trình HĐND tỉnh thông qua vào kỳ họp cuối năm nay. Sau đó, địa phương đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm sau mới đủ cơ sở làm các thủ tục tiếp theo.
Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Nguyễn Ngọc Thường cho hay, tính đến tháng 11-2024, sở nhận được văn bản của 8/19 sở, ngành và 8/11 huyện, thành phố đối với các dự án sử dụng đất trong năm 2025. Qua tổng hợp, có tổng cộng 132 dự án thuộc trường hợp thu hồi đất với tổng diện tích hơn 3,8 ngàn hécta và 90 dự án cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng với diện tích hơn 3,2 ngàn hécta.
Tính đến tháng 11-2024, các địa phương, đơn vị đăng ký thu hồi 3.844 hécta đất, chuyển đổi mục đích sử dụng 3.253 hécta đất để thực hiện các dự án trong năm 2025.
Theo ông Thường, trong số các dự án đề xuất trên, có dự án không phải đưa vào danh mục để trình HĐND thông qua theo quy định của Luật Đất đai năm 2024.
Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất Mai Văn Hiền thông tin, năm 2025, huyện đề xuất 6 dự án sử dụng đất. Các khu đất này đã phù hợp quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030. Việc đề xuất đưa vào danh mục dự án sử dụng đất trình tỉnh là cơ sở để huyện đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2025, triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất.
Phó chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Vũ Quốc Thái cho rằng, các dự án thành phố đề xuất đều rất cấp thiết. Điển hình như Dự án Khu dân cư tái định cư Phước Tân cần chuyển đổi đất lúa hơn 3 hécta để tiếp tục triển khai xây dựng hạ tầng, đặc biệt là khu nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người dân bị thu hồi đất làm đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu mà không đủ điều kiện tái định cư. Hay Dự án Khu dân cư tuyến tránh của Công ty CP Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO cần chuyển mục đích đất rừng sản xuất, đất trồng lúa để tiếp tục xây dựng hạ tầng và khu nhà ở.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, hơn 220 dự án các sở, ngành, đơn vị, địa phương đề xuất đều rất cần thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Lãnh đạo tỉnh đề nghị các đơn vị đề xuất dự án rà soát lại, những dự án đủ điều kiện, khả thi và cấp thiết như: nhà ở xã hội và tái định cư, xây dựng mới và mở rộng trường học, đấu giá đất tạo vốn phát triển hạ tầng… cần đưa vào danh mục để trình HĐND tỉnh.
Cần đảm bảo đủ điều kiện và đúng quy trình
Trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án đang triển khai. Bên cạnh các dự án triển khai thuận lợi, còn nhiều dự án chậm tiến độ, thậm chí quá hạn do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, chưa bố trí được nguồn vốn, chưa đồng bộ các loại quy hoạch… Việc này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất, mà còn lãng phí nguồn lực đã đầu tư vào dự án. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với các dự án mới là phải đảm bảo tính khả thi trong triển khai thực hiện. Riêng với các dự án cần thông qua nghị quyết của HĐND phải đảm bảo đủ điều kiện và đúng quy trình.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án cần triển khai thực hiện nhưng có những dự án lại chậm hoàn thành, “ngâm” vốn vì vướng mặt bằng. Do đó, khi đăng ký dự án, địa phương phải rà soát để đảm bảo tính khả thi trong triển khai, nhất là quy hoạch sử dụng đất. Khi được duyệt danh mục dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất phải đẩy nhanh giải phóng mặt bằng để triển khai theo kế hoạch. Lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị các địa phương quan tâm rà soát các dự án triển khai chậm để kiến nghị xử lý.
Có ý kiến về vấn đề này, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Kim Phước cho rằng, các dự án đề xuất thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch chung đô thị, có chủ trương đầu tư, riêng dự án nhà ở phải nằm trong kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 của tỉnh. UBND tỉnh tổng hợp danh mục dự án đủ điều kiện gửi Ban Kinh tế - ngân sách thẩm tra trước khi trình HĐND tỉnh; song song đó, UBND tỉnh đăng tải danh mục dự án lên Cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến. Dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất mà không phải trình qua HĐND thì loại ra để tránh mất thời gian thẩm tra. Đối với các dự án chưa đủ điều kiện, cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để trình kỳ họp sau.
Thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng là nhằm bổ sung quỹ đất sạch thực hiện các dự án thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từ đó tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp. Tuy nhiên, việc làm này cũng đặt ra không ít thách thức về an sinh xã hội, nhất là tái định cư và việc làm cho người bị thu hồi đất; bố trí nguồn vốn ngân sách hoặc kêu gọi nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách.
Hoàng Lộc
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202411/nam-2025-dong-nai-se-thu-hoi-chuyen-muc-dich-su-dung-hon-7-ngan-hecta-dat-94800e8/