Ông Hoàng Phước Bính – nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, là người có hơn 40 năm kinh nghiệm làm hồ tiêu, ông nhận định như thế nào về vụ hồ tiêu năm nay?
Ông Hoàng Phước Bính: Chúng tôi vừa đi khảo sát các tỉnh trọng điểm trồng hồ tiêu, đồng thời ghi nhận ý kiến từ người dân trồng hồ tiêu cho thấy, năm nay, nhận định chung dự kiến diện tích trồng hồ tiêu giảm từ 10-15% so với năm ngoái, trong đó, tại tỉnh Đắk Lắk, diện tích giảm nhiều hơn so với các địa phương khác do hồ tiêu bị xâm lấn bởi các cây trồng khác, trong đó có cây sầu riêng và cây cà phê.
Người trồng chăm sóc vườn tiêu cho vụ mùa mới. Ảnh: Hoàng Thiên
Riêng 3 tỉnh Đông Nam Bộ gồm Bà Rịa – Vùng Tàu, Đồng Nai, Bình Phước diện tích trồng nhiều cũng bị giảm. Tại tỉnh Đắk Nông, một nửa tỉnh phía Đông được mùa nhưng nửa phía Tây lại mất mùa. Diện tích giảm, đồng nghĩa với sản lượng giảm.
Một minh chứng cho câu chuyện diện tích giảm đó là chúng tôi có trao đổi với một đại lý kinh doanh hồ tiêu, họ chia sẻ đã mua được mấy chục tấn rễ cây tiêu để bán cho thương lái Trung Quốc làm thuốc và làm gia vị thực phẩm.
Cùng với dự báo sản lượng giảm thì lượng tồn kho hiện nay cũng gần cạn. Nguyên nhân do 4 năm vừa qua (từ năm 2020 đến nay) không có diện tích trồng mới. Chưa kể từ năm 2018 đến hết 2022, tại những vườn tiêu đã có, các nhà vườn cũng không trồng thêm hồ tiêu mà chỉ canh tác trên những cây trồng đã có, đến năm 2023 mới có thêm một số hộ trồng dặm (trồng cây mới thay thế cho những cây trồng già cỗi hay bị bệnh), và có rất ít vườn trồng hồ tiêu mới theo kiểu vườn chuyên canh.
Có thể nói, diện tích trồng mới nhìn chung không đáng kể và với diện tích này, phải 4 năm nữa chúng ta mới có sản lượng hồ tiêu được thu hoạch bổ sung.
Điều này đồng nghĩa những vườn tiêu đang cho thu hoạch hiện nay đều được trồng từ năm 2017 trở về trước. Nhiều vườn trong số này đã đi vào giai đoạn già cỗi, sản lượng hồ tiêu có thể sẽ ngày càng giảm. Thực tế, việc này xảy ra từ năm ngoái. Với diễn biến như vậy, bà con trồng tiêu cần có những tính toán đối với vườn tiêu và lượng tiêu thu hoạch cũng như giá bán.
Năm 2024, giá hồ tiêu tăng rất mạnh, điều này đồng nghĩa bà con có thêm nhiều lợi nhuận. Vậy đâu là lý do khiến cây hồ tiêu tiếp tục bị xâm lấn bởi các cây trồng khác, thưa ông?
Ông Hoàng Phước Bính: Hiện nay, cây sầu riêng và cà phê cho thu nhập rất lớn. Như với cây sầu riêng, nếu làm tốt có thể cho thu hoạch cả tỷ đồng/ha sau khi trừ chi phí. Hoặc như với cây cà phê, cũng cho thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng/ha. Nhưng với hồ tiêu hiện nay, khó có những diện tích cho được thu nhập như vậy.
Ông Hoàng Phước Bính - Nguyên Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai)
Chúng tôi đã tham khảo ý kiến tại nhiều vùng miền, nhiều người đã từng trồng hồ tiêu cho biết họ sợ trồng lại cây hồ tiêu. Những người từng trồng hồ tiêu và đã chuyển sang cây trồng khác khả năng quay trở lại trồng hồ tiêu chỉ khoảng 20 - 25%. Đối với suy nghĩ hiện nay của bà con, họ đang hướng đến cây cà phê, sầu riêng chứ không phải cây hồ tiêu.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích hồ tiêu cả nước năm 2023 đạt 115.000 ha, giảm 4,2% so với năm 2022 và giảm 24,3% so với năm có diện tích cao nhất là năm 2017 khoảng 151.900 ha. Theo quy hoạch của ngành nông nghiệp, dự kiến diện tích hồ tiêu có thể giảm xuống còn khoảng 110.000ha trong thời gian tới.
Như vậy, điều này đồng nghĩa với một diện tích rất lớn hồ tiêu đã sụt giảm trong thời gian vừa qua đã được thay thế bằng cây sầu riêng và cây cà phê. Do đó, đến thời điểm này, rất khó có thể mở rộng diện tích để phát triển cây hồ tiêu đại trà và nhanh chóng giống như những chu kỳ trước đó.
Về lao động, chúng tôi đi khảo sát nhiều vùng và cho thấy đa số là những người lớn tuổi trồng hồ tiêu.
Một vấn đề nữa đó là, nếu ai muốn trồng hồ tiêu sắp tới cũng chỉ bằng nguồn vốn tự lực chứ không thể vay từ ngân hàng. Bởi trong chu kỳ trước, khi giá xuống tận cùng, bà con thua lỗ, ngân hàng bị nợ quá hạn rất nhiều, do đó, họ cũng ngại khi cho nông dân vay để trồng hồ tiêu.
Với những dự báo về sản lượng và mùa vụ như vậy, ông nhận định như thế nào về giá hồ tiêu trong thời gian tới đây?
Ông Hoàng Phước Bính: Dự kiến phải qua Tết Nguyên đán Ất Tỵ nông dân mới bắt đầu thu hoạch hồ tiêu và kéo dài đến hết tháng 4/2025. Như vậy, sẽ kéo dài khoảng trống thời gian để có nguồn hàng cung ứng ra thị trường.
Mặt khác, bà con có nguồn thu từ cà phê, sầu riêng rất lớn, với khoản thu nhập cao hơn nhiều so với những năm trước do giá bán tốt. Điều này đồng nghĩa, nhiều gia đình có vườn tiêu đang kinh doanh, nếu không có nguồn thu từ hồ tiêu thì có các nguồn thu khác và không bị áp lực bán ra ngay trong thời điểm của vụ mùa thu hoạch. Vì vậy, áp lực bán ra sẽ ít, nguồn hàng ra thị trường sẽ ít hơn so với những năm trước.
Trong đó, có một vấn đề nữa đó là ngày 13/6/2024, giá hồ tiêu đã ‘bốc’ từ con số 120.000 – 130.000 đồng/kg lên con số 180.000 đồng/kg. Do đó, dự báo năm nay, bà con trồng hồ tiêu cũng sẽ có tâm lý để lại hàng chờ giá lên chứ không bán ngay sau khi thu hoạch.
Năm 2024, Trung Quốc mua rất ít hồ tiêu Việt Nam, do đó, dự báo, vụ mùa năm 2025 họ sẽ cần mua nhiều. Cùng với đó là các thị trường khác họ có tâm lý chung là chờ đến vụ mùa thu hoạch của Việt Nam sẽ tập trung ồ ạt vào mua hàng.
Sản lượng hồ tiêu của Việt Nam hiện đang chiếm khoảng 60% tổng nhu cầu của thế giới, có lẽ, nhu cầu của người mua nhiều hơn người bán, nguồn cung ít, nhu cầu nhiều, giá hồ tiêu sẽ tốt hơn hiện tại.
Hiện giá hồ tiêu đang khoảng 150.000 đồng/kg, dự báo, trong năm 2025, giá hồ tiêu có thể lên con số trên 240.000 - 250.000 đồng/kg.
Xin cảm ơn ông!
Sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2025 được dự báo tiếp tục giảm so với năm 2024, đánh dấu năm giảm thứ tư liên tiếp kể từ năm 2022. Điều này phản ánh thực trạng cây hồ tiêu không còn là cây trồng chủ lực của nhiều nông dân, đặc biệt trong bối cảnh giá trị kinh tế của các cây trồng khác như sầu riêng, cà phê và cọ dầu gia tăng đáng kể. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu với các hiện tượng thời tiết cực đoan đã làm giảm năng suất và gia tăng chi phí duy trì sản xuất cây hồ tiêu.
Nguyễn Hạnh