Năm 2025 khó khăn của Ukraine

Năm 2025 khó khăn của Ukraine
2 ngày trướcBài gốc
Giao tranh giữa các lực lượng Nga và Ukraine ở Donbas. Ảnh: Sputnik
Theo kênh NBC News, Ukraine đang bước vào năm 2025 với nhiều thách thức khi phải đối mặt với áp lực từ các lực lượng Nga trên tiền tuyến và những thay đổi trong chính trường Mỹ. Theo nhận định của các chuyên gia, việc Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ có thể buộc Ukraine phải chấp nhận một thỏa thuận không có lợi với Nga.
Sau hơn 1.000 ngày giao tranh, Ukraine đang ngày càng khó khăn khi phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng. Trong khi đó, Nga liên tục đẩy mạnh các cuộc tấn công bằng tên lửa, thiết bị bay không người lái và pháo binh vào các mục tiêu ở Ukraine.
Hiện gần một phần năm lãnh thổ Ukraine đang bị quân đội Nga kiểm soát. Mặc dù Ukraine đã có những nỗ lực phản công và đẩy được cuộc chiến sang lãnh thổ Nga, kiểm soát một khu vực giáp biên giới ở Kursk, nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan.
Tướng Oleksandr Syrskyi, Tổng Tư lệnh Các lực lượng Vũ trang Ukraine, thừa nhận rằng quân đội Nga đã có những tiến triển đáng kể ở khu vực Donetsk phía Đông trong những tháng gần đây. Đặc biệt, khu vực Pokrovsk - một chốt chặn quan trọng trong tuyến phòng thủ của Ukraine, có nguy cơ rơi vào tay Nga, mở đường cho Moskva kiểm soát thêm nhiều vùng lãnh thổ.
Trước thềm lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vào ngày 20/1 tới, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang phải đối mặt với thách thức ngoại giao to lớn. Ann Dailey, nhà nghiên cứu chính sách tại RAND Corporation, nhận định: "Thách thức lớn nhất của ông Zelensky hiện nay là đảm bảo Mỹ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine".
Với tư cách là nhà hỗ trợ quân sự quan trọng nhất, Mỹ đã viện trợ cho Ukraine gần 61,4 tỷ USD. Mới đây, Nhà Trắng còn cam kết thêm 2,5 tỷ USD - có thể là những hỗ trợ cuối cùng từ chính quyền Biden. Tuy nhiên, ông Trump đã bày tỏ quan điểm không hoàn toàn ủng hộ sự hỗ trợ này. Trong cuộc phỏng vấn với NBC News đầu tháng 12/2024, Tổng thống đắc cử Trump nói rằng Ukraine "có thể" sẽ nhận được ít viện trợ quân sự hơn sau khi ông nhậm chức, đồng thời cho rằng châu Âu cần hỗ trợ ngang bằng với Mỹ.
Mặc dù ông Trump chưa tiết lộ nhiều về kế hoạch chấm dứt xung đột ở Ukraine, nhưng Keith Kellogg - người được ông chọn làm đặc phái viên Mỹ về Ukraine, đã đề xuất một kế hoạch hòa bình vào tháng 4 năm ngoái. Kế hoạch này bao gồm việc gây áp lực lên cả hai bên bằng cách cắt viện trợ quân sự cho Ukraine nếu không đồng ý đàm phán, và tăng cường vũ khí cho Kiev nếu Moskva từ chối đối thoại.
Trong khi đó, Tổng thống Putin đã thể hiện thái độ tự tin về tình hình chiến sự. Tại cuộc họp báo cuối năm vào ngày 19/12 vừa qua, ông Putin tuyên bố lực lượng Nga đang "tiến triển" trên chiến trường và "năng lực phòng thủ của Nga là cao nhất thế giới". Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ sẵn sàng tham gia đàm phán hòa bình với Ukraine.
Kristi Raik, Phó Giám đốc Trung tâm Quốc phòng và An ninh Quốc tế, bày tỏ lo ngại: "Ukraine có thể sẽ phải chịu áp lực chấp nhận một thỏa thuận với Nga, vì ông Trump sẽ rất muốn thực hiện lời hứa chấm dứt giao tranh".
Trước tình hình này, Tổng thống Zelensky đã có những thay đổi trong các tuyên bố công khai, nhấn mạnh nhu cầu về an ninh lâu dài hơn là kiểm soát lãnh thổ. Mặc dù không sẵn sàng nhượng bộ, nhưng ông đã thể hiện thái độ cởi mở hơn với việc đàm phán chấm dứt xung đột.
Theo Natia Seskuria, chuyên gia từ RUSI (Viện Nghiên cứu an ninh và quốc phòng có trụ sở tại Anh), Tổng thống Putin đang có cơ hội đàm phán ở thế mạnh và kỳ vọng sẽ nhận được sự nhượng bộ từ Ukraine với sự ủng hộ từ chính quyền Trump.
Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo nbcnews.com)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/nam-2025-kho-khan-cua-ukraine-20250104205231006.htm