Sáng nay (6/1), Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tổng kết năm 2024, công tác quản lý nhà nước và chỉ đạo, điều hành của Bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các đơn vị đã nỗ lực triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm năm 2024; nhiều nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đã được rà soát, tích hợp với các nội dung, công việc đang triển khai của Bộ, của ngành và đã đạt được một số kết quả nổi bật.
Chương trình GDPT 2018 và Chương trình giáo dục thường xuyên mới được tích cực triển khai theo lộ trình.
Hoàn thành việc thẩm định và phê duyệt danh mục sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12, sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số cấp tiểu học đối với 8 thứ tiếng và tài liệu giáo dục địa phương cơ bản bảo đảm chất lượng, tiến độ.
Chất lượng giáo dục phổ thông có bước tiến bộ, học sinh phổ thông tham dự các kỳ thi khoa học kỹ thuật, Olympic khu vực và quốc tế tiếp tục đạt thành tích cao.
Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ GD&ĐT.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2024 được tổ chức thành công, đảm bảo nghiêm túc và an toàn. Công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025 được chú trọng.
Sang năm 2025, toàn ngành giáo dục tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả, nghiêm túc và bảo đảm tiến độ việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Bộ GD&ĐT.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách về giáo dục và đào tạo nhằm thể chế hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Kết luận số 91của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh về xu hướng thuận lợi của ngành trong năm 2024, qua đó tạo khí thế, tinh thần tốt cho đội ngũ giáo viên và toàn ngành.
Nhấn mạnh một số kết quả nổi bật, Bộ trưởng nhận định, trong năm 2024, ngành giáo dục hoàn thành được nhiều nhiệm vụ lớn mà không đợi đến hết kế hoạch 5 năm.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy trao đổi tại hội nghị.
Trong đó có việc tổng kết Nghị quyết 29 và đề xuất chính sách mới; hoàn thiện, ban hành Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; hoàn tất chu trình đổi mới giáo dục phổ thông; hoàn thành quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm và quy hoạch hệ thống trường chuyên biệt; xây dựng được nhiều đề án, chương trình, dự án sẽ chuẩn bị khởi động vào năm 2025; chuẩn bị cho Chương trình giáo dục mầm non mới…
"Có thể nói, đây là năm của công tác kiến tạo, chuẩn bị và chúng ta đã làm được rất nhiều việc", Bộ trưởng đánh giá.
Nhìn nhận một số việc cần làm tốt hơn, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh đến nhiệm vụ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; giải ngân đầu tư công và nhiều công việc lớn sẽ khởi động từ năm 2025.
Theo Bộ trưởng, 2025 dù chưa phải năm khởi đầu kế hoạch 5 năm giai đoạn mới, nhưng với ngành giáo dục lại là thời điểm khởi động nhiều việc lớn. Đơn cử như triển khai Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; triển khai quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm và quy hoạch hệ thống trường chuyên biệt. Nếu Luật Nhà giáo được thông qua, năm 2025 sẽ là năm bắt đầu triển khai thực thi luật này.
Cũng năm 2025, ngành giáo dục bắt tay chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục mầm non mới theo Nghị quyết của Quốc hội; tổng kết và chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của đổi mới giáo dục phổ thông theo Chương trình GDPT 2018; đồng thời, triển khai các chương trình, đề án, dự án lớn quy mô toàn ngành…
Từ đó, Bộ trưởng lưu ý một số công việc trọng tâm triển khai trong năm 2025. Trong đó có việc tận dụng cơ hội về mặt đầu tư từ các nguồn khác nhau; chuẩn bị tốt các đề án phát triển đơn vị theo các nghị quyết vùng; triển khai thực hiện tốt các quy hoạch; đặc biệt là triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến tái cấu trúc, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Nguyễn Hoa Trà