Năm 2025, ngành Công Thương được Chính phủ giao chỉ tiêu 'cao hơn mấy mức'

Năm 2025, ngành Công Thương được Chính phủ giao chỉ tiêu 'cao hơn mấy mức'
12 giờ trướcBài gốc
Nhiều chỉ tiêu "cao hơn mấy mức"
Ngày 8/1/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.
Nghị quyết nêu rõ: Nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và cả giai đoạn 5 năm 2021-2025 theo kết luận, yêu cầu của Trung ương, Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tập trung chỉ đạo, điều hành, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt ít nhất 8% và phấn đấu hai con số trong điều kiện thuận lợi hơn (cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%);
Cùng với đó, thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng GRDP của các địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8-10%, nhất là Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; các địa phương tiềm năng, thành phố lớn là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước để phát huy vai trò mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2025.
Nghị quyết 01 cũng đề nghị các cấp, các ngành, địa phương cần phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần đổi mới, không ngừng nỗ lực sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên, chung sức, đồng lòng, biến mọi khó khăn, thách thức thành cơ hội bứt phá, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt theo chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá”.
Tại Nghị quyết 01 Chính phủ đã giao nhiều nhiệm vụ quan trọng cho ngành Công Thương với những chỉ tiêu có thể nói là “cao hơn mấy mức” để góp phần đưa đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên thịnh vượng, giàu mạnh và phát triển. Ảnh: Minh Hùng
Để thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu nêu trên, Chính phủ đã đưa ra 05 quan điểm, trọng tâm trong chỉ đạo điều hành cùng 12 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu; trong đó giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho từng Bộ, ngành, địa phương, đơn vị.
Liên quan đến lĩnh vực công nghiệp và thương mại, tại Nghị quyết 01 Chính phủ đã giao nhiều nhiệm vụ quan trọng cho ngành Công Thương với những chỉ tiêu có thể nói là “cao hơn mấy mức” để góp phần đưa đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên thịnh vượng, giàu mạnh và phát triển.
Theo đó, về tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất nhập, Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng 12% phấn đấu tăng khoảng 14% so với năm 2023; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9-10% phấn đấu tăng khoảng 12% so với năm 2023; tốc độ tăng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10%, phấn đấu tăng đến 12%; tăng trưởng thị trường thương mại điện tử B2C tăng 20-22%; tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử tăng từ 60-62%..
Liên quan đến các chỉ tiêu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và dịch vụ công, trong Nghị quyết 01, Chính phủ giao chỉ tiêu về tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 347 tỷ kWh, tăng 12,5%; tổng công suất nguồn điện (không bao gồm điện mặt trời mái nhà) đạt 82.097 MW, tăng 6,2%...
Tại Nghị quyết 01, về tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất nhập, Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng 12%, phấn đấu tăng khoảng 14% so với năm 2023. Ảnh: Bình Nguyên
Ngoài ra, Nghị quyết 01 cũng giao Bộ Công Thương đến tháng 12/2025 phải xây dựng và hoàn thiện Chiến lược phát triển ngành dầu khí quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; đến tháng 6/2025 hoàn thành Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2026-2035; tháng 12/2025 phải hoàn Chương trình Khuyến công quốc gia giai đoạn 2026-2030, định hướng đến 2045; cũng đến tháng 12/2025, hoàn thành Đề án xây dựng Hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA…
Về nhóm nhiệm vụ rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tổ chức thực hiện pháp luật; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, Nghị quyết 01 của Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương đến tháng 12/2025 phải hoàn thành Đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật cạnh tranh đến năm 2030”; đến 10/2025 hoàn thành Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi)...
Hiện thực hóa các chỉ tiêu “cao hơn mấy mức”
Để các cấp, các bộ, ngành, địa phương thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và cả giai đoạn 5 năm 2021-2025, Chính phủ đã đề ra 12 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó có nhiều nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực công nghiệp, thương mại của ngành Công Thương.
Cụ thể, tại nhiệm vụ số 02, Nghị quyết 01 nêu rõ: Ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và có thặng dư cao”, trong đó, Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành, địa phương cần phát triển mạnh thị trường trong nước; triển khai các hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 10-12%.
Theo dõi sát tình hình thị trường, thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là trong các dịp cao điểm Lễ, Tết, triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại trong nước, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Thực hiện tốt công tác chống gian lận xuất xứ hàng hóa; chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước, đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế. Đồng thời, nâng cao chất lượng các loại dịch vụ, nhất là dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch.
Cùng đó, Nghị quyết 01 cũng đề nghị các cấp, các bộ, ngành tập trung thúc đẩy xuất khẩu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và thị trường xuất, nhập khẩu gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu, rộng hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu. Khai thác hiệu quả các cơ hội từ 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn, chủ lực; tăng cường khai thác các thị trường mới, tiềm năng, thị trường Trung Đông, Halal, Mỹ La-tinh, châu Phi, phấn đấu thặng dư thương mại bền vững.
Song song đó, đảm bảo tiến độ đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), đàm phán FTA ASEAN-Canada (ACAFTA), FTA Việt Nam-Khối EFTA và khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt trong nước để Hiệp định có hiệu lực.
Tiếp tục đổi mới, thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu. Duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài; nhất là các tiêu chuẩn, điều kiện có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp.
Thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả; thúc đẩy các ngành, lĩnh vực mới nổi như: dữ liệu lớn, điện toán đám mây, quang điện tử, công nghiệp internet, internet vạn vật, công nghiệp y sinh học, năng lượng mới, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí...
Cũng trong Nghị quyết 01, Chính phủ giao ngành Công Thương tiếp tục rà soát, điều chỉnh Quy hoạch điện VIII cho phù hợp với yêu cầu phát triển. Khẩn trương ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Điện lực (sửa đổi). Ảnh: EVN
Tại nhiệm vụ 04 trong Nghị quyết 01: “Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, ưu tiên công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, các dự án có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn, hạ tầng chuyển đổi số; kết nối hệ thống cao tốc với sân bay, cảng biển và triển khai hệ thống đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, Chính phủ giao ngành Công Thương tập trung thực hiện hiệu quả Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII và Kế hoạch huy động nguồn lực triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Tiếp tục rà soát, điều chỉnh Quy hoạch điện VIII cho phù hợp với yêu cầu phát triển. Khẩn trương ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Điện lực (sửa đổi).
Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển điện lực, năng lượng tái tạo, hydrogen; khởi động lại điện năng lượng hạt nhân, phù hợp với mục tiêu, quy hoạch, điều kiện, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung hoàn thành và đưa vào vận hành các dự án điện lớn, quan trọng như: Thủy điện Hòa Bình mở rộng (480 MW), Quảng Trạch 1 (1.430 MW). Triển khai thi công và hoàn thành đường 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên, đường 500 kV Monsoon - Thạch Mỹ.
Tiếp đến, tại nhiệm vụ thứ 05, Nghị quyết 01 đề nghị: “Tập trung thực hiện cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và trong nội ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế”, trong nhiệm vụ này, liên quan đến chỉ tiêu tăng trưởng sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9-10% phấn đấu tăng khoảng 12% so với năm 2023, Chính phủ giao các cấp, các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại hóa, phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm các ngành công nghiệp có lợi thế.
Ưu tiên phát triển, làm chủ công nghệ mới, các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới nổi như chip, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo... Triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, tăng cường liên kết giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực trong nước...
Để thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm do Chính phủ giao ở mức cao nhất, trong năm 2025 Bộ Công Thương sẽ tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tiếp tục xác định công tác xây dựng thể chế, chính sách là một trong ba đột phá chiến lược; ưu tiên nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp và tái cấu trúc doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo Đề án đã được phê duyệt; tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng.
Mặt khác, phát triển mạnh thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường trong nước. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để khai thác hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế; tăng cường hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, cạnh tranh không bình đẳng, phòng vệ thương mại... bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp.
Nghị quyết 01/NQ-CP nêu rõ, năm 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để Việt Nam tự tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, hướng tới thực hiện thắng lợi mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Hoàng Giang
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/nam-2025-nganh-cong-thuong-duoc-chinh-phu-giao-chi-tieu-cao-hon-may-muc-369569.html