Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh mới đây đã công bố các thay đổi quan trọng trong dự kiến đề án tuyển sinh năm 2025. Theo đó, trường sẽ không sử dụng kết quả học tập THPT (học bạ) trong xét tuyển và chỉ giữ lại những điều kiện ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để đáp ứng các yêu cầu theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.
Các mùa tuyển sinh trước đây, Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh xét tuyển học bạ độc lập (khoảng 10%) chỉ tiêu hoặc kết hợp điểm học bạ với điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt (30-40% chỉ tiêu). Tuy nhiên, từ năm nay trường sẽ không sử dụng kết quả học bạ với cả hai phương thức này.
Nhà trường cho biết sẽ xét tuyển theo 4 phương thức gồm: xét tuyển thẳng theo Quy chế của Bộ GD-ĐT (10% chỉ tiêu); ưu tiên xét tuyển và xét tuyển học sinh lớp chuyên (10% - 20% chỉ tiêu); xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt - dự kiến khoảng hơn 30 ngành sử dụng phương thức này (40% - 50% chỉ tiêu) và xét tuyển dựa trên kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (20% - 40% chỉ tiêu cho các ngành có xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt hoặc 70% - 80% cho các ngành không xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt).
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (Ảnh: Xuân Quý)
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng cho biết sẽ bỏ phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập cấp THPT (xét học bạ) từ năm 2025.
Năm trước, trường xét tuyển theo 5 phương thức, trong đó phương thức xét học bạ có điều kiện đăng ký xét tuyển đối với các ngành đào tạo giáo viên là thí sinh có hạnh kiểm tất cả 6 học kỳ cấp THPT đạt loại tốt và học lực 3 năm đạt từ giỏi trở lên. Riêng ngành sư phạm tiếng Pháp, nếu thí sinh là học sinh hệ song ngữ tiếng Pháp thì điều kiện về học lực là lớp 12 đạt loại giỏi; đối với ngành sư phạm công nghệ, điều kiện về học lực là lớp 12 đạt loại giỏi. Đối với các ngành khác (ngoài sư phạm) yêu cầu thí sinh có hạnh kiểm tất cả 6 học kỳ và học lực 3 năm cấp THPT đạt từ khá trở lên.
Năm nay, trường chỉ còn xét tuyển theo 3 phương thức gồm: xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025; Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thí sinh có năng lực, thành tích vượt trội và Xét tuyển dựa trên điểm thi đánh giá năng lực - SPT năm 2025.
Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) cũng bỏ 2 phương thức sử dụng điểm học bạ để xét tuyển đầu vào năm nay.
Theo đó, năm nay trường tuyển sinh theo các phương thức: xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT; xét kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Thái Nguyên (V-SAT-TNU); xét học sinh dự bị đại học; dùng kết quả tốt nghiệp hoặc kết hợp điểm thi này với thi năng khiếu thể dục - thể thao. So với năm 2024, trường đã bỏ 2 phương thức là xét tuyển học bạ và kết hợp học bạ với điểm thi năng khiếu (ngành Giáo dục mầm non).
Năm 2024, điểm chuẩn các ngành khối sư phạm theo phương thức xét điểm học bạ THPT khá cao. Tại Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, điểm chuẩn các ngành khối sư phạm theo phương thức xét điểm học bạ THPT dao động từ 25.99 đến 29.81 điểm, tương đương ngành cao nhất gần 10 điểm/mỗi môn. Ở các ngành còn lại, điểm chuẩn xét học bạ cũng ở mức cao khi đều trên 26 điểm, chủ yếu tập trung từ 27-28 điểm.
Tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, điểm chuẩn các ngành khối sư phạm ở phương thức này cao nhất lên tới 29.71 điểm ở ngành Sư phạm Lịch sử, tiếp đến là các ngành Sư phạm Địa lí (29.40 điểm), Sư phạm Toán học dạy Toán bằng tiếng Anh (29.30 điểm), Sư phạm Sinh học (29.23 điểm), Sư phạm Vật lí (29.13 điểm),...
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, phương thức xét tuyển bằng học bạ gặp nhiều khó khăn trong việc đánh giá chất lượng đầu vào của xét tuyển đại học. Lý do bởi điểm học bạ của thí sinh có độ tin cậy chưa cao, bệnh thành tích còn rất lớn và gian lận trong cho điểm cũng là vấn đề còn "nóng". Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục nước ta hiện không đồng đều, chưa có hệ thống kiểm định thường xuyên trên cả nước. Bởi vậy, điểm giữa các trường THPT, tại các vùng miền có thể rất khác nhau, khó đảm bảo sự công bằng.
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non đang được Bộ GD-ĐT xây dựng, xin ý kiến đã đưa ra các quy định siết chặt vấn đề xét học bạ trong tuyển sinh. Theo đó, Bộ GD-ĐT quy định nếu sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh, thay vì dùng điểm 3 đến 5 kỳ học như quy định hiện hành.
Đa số ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo các trường đại học đều đồng tình với đề xuất này bởi giúp đảm bảo đánh giá kiến thức của thí sinh trong toàn cấp THPT và tránh được hiện tượng học lệch, bỏ không học một số môn ở học kỳ 2 năm lớp 12, chỉ học các môn để thi tốt nghiệp.
Không chỉ ở khối trường sư phạm, thời gian vừa qua, nhiều trường đại học lớn cũng cho biết sẽ không dùng phương thức xét tuyển học bạ hoặc giảm mức ảnh hưởng của điểm học bạ trong tuyển sinh.
Nguyễn Liên