Năm 2025, Vĩnh Phúc phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8-9%

Năm 2025, Vĩnh Phúc phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8-9%
20 giờ trướcBài gốc
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Sỹ Hào
Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 tăng 11,3 triệu đồng/năm so với 2023
Tại buổi họp báo, ông Phạm Quang Thắng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang dần vượt qua những khó khăn, tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước. Chỉ số tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tính cả năm tăng 7,52% so với năm 2023, cao hơn tốc độ tăng bình quân chung cả nước (6,8-7%), đạt mục tiêu kế hoạch đề ra (tăng từ 7,5-8,5%).
Ông Phạm Quang Thắng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc năm 2024. Ảnh: Sỹ Hào.
Quy mô GRDP của Vĩnh Phúc theo giá hiện hành đạt khoảng 173,14 nghìn tỷ đồng, tăng 15,66 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 10% so với năm 2023. Giá trị GRDP bình quân đầu người ước đạt 141,3 triệu đồng/người/năm, tăng 8,7% (tương đương tăng khoảng 11,3 triệu đồng) so với năm 2023.
“Về sản xuất công nghiệp, từ quý II đến nay các hoạt động sản xuất, kinh doanh có xu hướng khả quan hơn, góp phần làm ngành công nghiệp của tỉnh đạt mức tăng khá so cùng kỳ năm 2023. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm tăng 11,43% so với năm 2023, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,56%.
Sản lượng sản xuất một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Vĩnh Phúc đều tăng, cá biệt có một số sản phẩm tăng rất cao so với với năm 2023 như: máy tính xách tay tăng 53%; thức ăn gia súc tăng 19,9%; gạch ốp lát tăng 15,68%; xe máy tăng 7,88%. Một số sản phẩm có sản lượng sản xuất giảm so với năm trước như: ô tô giảm 1,54%; điện thoại di động giảm 3,72% và quần áo các loại giảm 2,49% so với năm 2023” - ông Phạm Quang Thắng cho biết.
Thương mại, dịch vụ có sự phục hồi tốt
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh tiếp tục ổn định, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt 84,14 nghìn ha, đạt 100,7% kế hoạch. Công tác trồng cây, trồng rừng tiếp tục được quan tâm. Năm 2024, toàn tỉnh trồng được 602 ha rừng tập trung.
Các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, vận tải, du lịch, xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh có sự phục hồi tốt, đáp ứng nhu cầu đời sống của Nhân dân trên địa bàn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 ước đạt 80.594 tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm 2023.
Hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn phát triển khá, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 17,57 tỷ USD tăng 7,89%, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 18,56 tỷ USD tăng 20,1%; doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ đạt 8,41 nghìn tỷ đồng, tăng 23,6% so với năm 2023;
Số lượng khách tham quan đến tỉnh đạt 10,5 triệu lượt, tăng 13% so với năm 2023 và tổng doanh thu ước đạt 4 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm 2023. Hoạt động ngân hàng, tín dụng đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho nền kinh tế, ước cả năm tổng nguồn vốn huy động đạt 142,6 nghìn tỷ đồng, tăng 12,98%, dư nợ cho vay ước đạt 143,5 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với cuối năm 2023.
Năm 2025, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8-9%
Kết thúc họp báo, ông Phan Thế Huy, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, bước sang năm 2025 - năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Vĩnh Phúc, là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025 và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
“Trong bối cảnh kinh tế thế giới, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu cụ thể đối với một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu: tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 8-9; tổng thu ngân sách phấn đấu đạt 27.026 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 22.026 tỷ đồng; thu hút đầu tư đạt 600 triệu USD vốn FDI và 3.000 tỷ đồng vốn DDI; tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 0,3%; tỷ lệ lao động qua đào tạo phấn đấu đạt 82%...” - ông Phan Thế Huy chia sẻ.
Năm 2025, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8-9%. Ảnh: Sỹ Hào
Để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2025, Vĩnh Phúc sẽ triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh nhằm khơi thông các nguồn lực, nhất là các động lực mới nhằm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động việc làm, bảo hiểm. Quản lý chặt chẽ tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tiếp tục tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; thực hiện hiệu quả công tác sắp xếp tổ chức, bộ máy, đơn vị hành chính cấp xã; tổ chức sắp xếp các cơ quan hành chính theo hướng tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo định hướng của cơ quan có thẩm quyền và đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách các thủ tục hành chính.
Sỹ Hào
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/nam-2025-vinh-phuc-phan-dau-toc-do-tang-truong-kinh-te-dat-8-9.html