Năm 2035, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh phấn đấu có 752km đường sắt đô thị

Năm 2035, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh phấn đấu có 752km đường sắt đô thị
8 giờ trướcBài gốc
Cần nguồn vốn cực lớn
Theo tờ trình của Bộ GTVT gửi tới Chính phủ, để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh như hiện nay, đòi hỏi hệ thống giao thông vận tải phải đi trước một bước, đối với các đô thị, trọng tâm là hệ thống giao thông công cộng khối lượng lớn như đường sắt đô thị. Trên thế giới đã có hơn 200 thành phố xây dựng hệ thống đường sắt đô thị và thực tiễn cho thấy, các thành phố lớn trên thế giới đều ưu tiên phát triển đường sắt đô thị để đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách đô thị vì đây là giải pháp căn cơ để giải bài toán ùn tắc, ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông đô thị.
Trước đó, đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh bắt đầu xây dựng từ năm 2007, tuy nhiên tiến độ triển khai chậm, không đáp ứng được nhu cầu vận tải. Đánh giá cho thấy, quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, đặc biệt là các quy định về trình tự, thủ tục đầu tư, huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện. Trong khi đó, TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là 2 đô thị lớn, đầu tàu kinh tế và tạo sức lan tỏa cho cả nước; kinh tế của hai thành phố đều liên tục tăng trưởng nên nguồn lực đầu tư đồng bộ, nhanh chóng các tuyến đường sắt đô thị không còn quá khó khăn.
Từ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn của hai thành phố và quốc tế, việc xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại hai thành phố là rất cần thiết và cấp bách để giải quyết "điểm nghẽn" về thể chế nhằm góp phần thực hiện mục tiêu đầu tư hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị tại 2 thành phố.
Tàu đường sắt đô thị ngày càng thu hút người dân tham gia.
Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh nhìn nhận việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa vào vận hành, khai thác đồng bộ, đồng loạt hệ thống đường sắt đô thị ở thời điểm hiện tại là phù hợp. Cụ thể, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2035 đưa vào khai thác 17 tuyến, đoạn tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 752km, đảm nhận 35-50% thị phần vận tải hành khách công cộng và đến năm 2045 đưa vào khai thác thêm 7 tuyến, 4 đoạn tuyến với tổng chiều dài thêm khoảng 355km, đảm nhận 50-60% thị phần vận tải hành khách công cộng.
Bộ GTVT cũng đưa ra kinh phí để đầu tư, thực hiện các dự án với dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư hệ thống đường sắt đô thị của hai thành phố khoảng 3.065.100 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho hai thành phố khoảng 424.850 tỷ đồng, ngân sách TP Hà Nội cân đối bố trí khoảng 1.170.250 tỷ đồng (tương đương khoảng 8,61 tỷ USD), ngân sách TP Hồ Chí Minh cân đối bố trí khoảng 1.470.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 8,38 tỷ USD).
Với định hướng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới, trong đó phấn đấu tốc độ tăng trưởng cả nước đạt 2 con số trong giai đoạn 2026-2030, phía Bộ GTVT tin tưởng việc bố trí vốn từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, dự kiến khoảng 424.850 tỷ đồng trong 10 năm, là khả thi để cân đối mà không tác động lớn đến ngân sách Trung ương.
6 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù được cho là "đột phá"
Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng đưa ra 6 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt về huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; phát triển mô hình quy hoạch phát triển đô thị theo mô hình giao thông công cộng (TOD); phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo; nguồn vật liệu xây dựng và bãi đổ thải; các chính sách áp dụng riêng cho TP Hồ Chí Minh. Dự thảo Nghị quyết cũng mang đến nhiều cơ chế linh hoạt giúp hai thành phố chủ động huy động vốn từ nguồn thu tăng thêm, tiết kiệm chi, vốn ODA mà không cần lập đề xuất dự án. Đặc biệt, quy trình phê duyệt được đơn giản hóa, cho phép triển khai ngay việc lập, thẩm định và quyết định đầu tư mà không phải trải qua bước quyết định chủ trương đầu tư và các thủ tục liên quan.
Ngoài ra, thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) sẽ thay thế thiết kế cơ sở trong báo cáo nghiên cứu khả thi, giúp rút ngắn thời gian thực hiện. Chính quyền địa phương cũng có quyền chủ động phân chia dự án, gia hạn thời gian thực hiện, áp dụng chỉ định thầu trong một số trường hợp và sử dụng định mức chi phí theo chuẩn quốc tế; công tác bồi thường, tái định cư có thể tách thành dự án độc lập.
Một điểm nhấn quan trọng là tích hợp quy hoạch phát triển đô thị theo mô hình giao thông công cộng (TOD). Cơ chế này giúp thành phố linh hoạt điều chỉnh quy hoạch, chuyển nhượng chỉ tiêu sử dụng đất mà không cần thủ tục điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất. Nhờ đó, các khu vực quanh nhà ga đường sắt đô thị sẽ được quy hoạch bài bản, tăng mật độ dân cư và chức năng thương mại, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế vừa giảm phụ thuộc vào phương tiện cá nhân.
Dự thảo Nghị quyết cũng hướng tới phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước, đảm bảo thống nhất quy chuẩn kỹ thuật và triển khai các chính sách ưu đãi về chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực. Các doanh nghiệp nội địa sẽ có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng cho các dự án đường sắt đô thị. Dự kiến, Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết của Quốc hội về ban hành thí điểm một số chính sách đặc thù, đặc biệt đầu tư xây dựng hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV vào tháng 2/2025.
Theo kế hoạch phát triển mạng lưới đường sắt độ thị tại TP Hà Nội, các dự án dự kiến đầu tư trước 2035 gồm: Tuyến số 1 Ngọc Hồi-Yên Viên-Như Quỳnh; tuyến số 2 Nội Bài-Thượng Đình-Bưởi; Tuyến 2A Cát Linh- Hà Đông-Xuân Mai (đoạn kéo dài đi Xuân Mai); Tuyến 3 Trôi-Nhổn-Yên Sở; Tuyến số 4 Mê Linh-Sài Đồng-Liên Hà; Tuyến số 5 Văn Cao-Hòa Lạc; Tuyến số 6 Nội Bài-Ngọc Hồi; Tuyến số 7 Mê Linh-Hà Đông; Tuyến số 8 Sơn Đồng-Mai Dịch-Vành đai 3-Lĩnh Nam-Dương Xá; Tuyến vệ tinh Sơn Tây-Hòa Lạc-Xuân Mai.
Các dự án đầu tư sau năm 2035 tại Hà Nội: Tuyến số 2 đoạn từ Trần Hưng Đạo-Chợ Mơ-Ngã Tư Sở-Hoàng Quốc Việt;Tuyến số 7 đoạn Mê Linh-Nội Bài; Tuyến 1A Ngọc Hồi-sân bay thứ 2 phía Nam; Tuyến số 9 Mê Linh-Cổ Loa-Dương Xá; Tuyến số 10 Cát Linh-Láng Hạ-Lê Văn Lương-Yên Nghĩa; Tuyến 11 Vành đai 2- trục phía Nam-sân bay thứ 2; Tuyến 12 kéo dài tuyến vệ tinh từ Xuân Mai đi Phú Xuyên.
Phạm Huyền
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/nam-2035-ha-noi-tp-ho-chi-minh-phan-dau-co-752km-duong-sat-do-thi-i758728/