Năm bài học sắp xếp cán bộ khi sáp nhập

Năm bài học sắp xếp cán bộ khi sáp nhập
13 giờ trướcBài gốc
Tinh gọn bộ máy, cắt giảm biên chế, sắp xếp lại đội ngũ nhân sự là vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp, tác động đến công việc, tâm lý và quyền lợi của cán bộ. Tâm lý ngại thay đổi, tư duy "an phận", sợ khó, tìm cách né tránh trách nhiệm, thiếu tinh thần đổi mới, sáng tạo vẫn là một hiện tượng đáng lưu tâm.
Để người dân không bị ảnh hưởng bởi việc sáp nhập, việc chuyển nguyên hiện trạng cán bộ từ huyện xuống cấp xã là chủ trương đúng đắn, nhằm đảm bảo công việc điều hành liên tục. Ảnh minh họa.
Để quá trình tái cấu trúc đội ngũ cán bộ diễn ra suôn sẻ, việc xây dựng một hệ thống chính sách và cơ chế bảo vệ quyền lợi chính đáng cho họ là vô cùng quan trọng.
Trước tiên, cần rà soát, đánh giá tổng thể chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị nhằm loại bỏ tình trạng chồng chéo, trùng lặp và phân bổ lại nhiệm vụ một cách khoa học.
Trong bối cảnh mới, yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không chỉ dừng lại ở trình độ chuyên môn, mà còn phải bảo đảm khả năng thích ứng với môi trường làm việc hiện đại, ứng dụng chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để giảm tải công việc hành chính, nhân lực hiệu quả.
Để người dân không bị ảnh hưởng bởi việc sáp nhập, việc chuyển nguyên hiện trạng cán bộ từ huyện xuống cấp xã là chủ trương đúng đắn, nhằm đảm bảo công việc điều hành liên tục, không bị gián đoạn.
Sau quá trình đó, sẽ tiến hành phân loại, sát hạch để đưa những người không phù hợp ra khỏi bộ máy, bố trí đúng người, đúng việc theo vị trí việc làm.
Cũng cần lưu ý, trong quá trình thực hiện giải quyết chính sách, chế độ cho những người thôi việc phải khách quan, công tâm, bảo đảm quyền lợi chính đáng để họ yên tâm tìm kiếm cơ hội việc làm mới. Tránh tình trạng đẩy họ vào hoàn cảnh khó khăn, thất nghiệp.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, lợi ích của quá trình tinh gọn tổ chức và biên chế, bảo đảm sự đồng thuận xã hội, giúp cho quá trình tinh gọn bộ máy diễn ra thuận lợi, đạt được hiệu quả bền vững.
Tỉnh nhập tỉnh, bỏ huyện, xã nhập xã, cán bộ huyện về xã tất yếu dẫn đến trình độ, năng lực, kinh nghiệm và phương pháp làm việc chắc chắn có sự khác biệt. Để hòa quyện được đội ngũ này, cần có giải pháp đồng bộ và căn cơ.
Đó là tạo dựng được sự đoàn kết, thống nhất trên cơ sở bảo đảm sự sắp xếp đúng người đúng việc, đúng chuyên môn, năng lực thực tế theo vị trí việc làm; thực hiện công khai minh bạch, với các tiêu chí, nguyên tắc khách quan, khoa học có sự kiểm tra giám sát chặt chẽ.
Đả thông tư tưởng cán bộ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng; cùng chia sẻ, cùng hợp tác trên tinh thần vì lợi ích chung của địa phương, đơn vị.
Trong quá trình sắp xếp, phải bảo đảm các điều kiện làm việc, phát huy năng lực trình độ chuyên môn và sự hợp tác cùng phát triển của cán bộ sau hợp nhất, tránh tư tưởng cục bộ, địa phương, lợi ích nhóm.
Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ dôi dư một cách minh bạch và dân chủ, đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất. Đồng thời, xây dựng lộ trình sàng lọc và bố trí đội ngũ này sao cho phù hợp với chuyên môn đào tạo, năng lực thực tế và vị trí việc làm.
Dưới góc độ cá nhân, tôi nhận thấy có 5 bài học kinh nghiệm sâu sắc được rút ra từ các quá trình sáp nhập.
Điển hình là chủ trương sáp nhập tỉnh Hà Tây vào Hà Nội năm 2008, với việc quán triệt sâu sắc và thực hiện nhất quán chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cũng như chính quyền địa phương.
Từ chủ trương, sự đồng thuận, ra quyết định sáp nhập đều được tiến hành một cách bài bản, khoa học, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước.
Bài học thứ hai nằm ở việc bố trí, sắp xếp nhân sự một cách khách quan, khoa học, công khai và minh bạch, tránh mọi biểu hiện của tư tưởng cục bộ, địa phương.
Thứ ba, chú trọng xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ gắn liền với công tác sắp xếp, bố trí và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; thường xuyên kiện toàn nhân sự, củng cố tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở các cấp.
Thứ tư, cần đảm bảo ổn định đời sống, công bằng trong quá trình bố trí, sắp xếp, hưởng thụ các chế độ, chính sách.
Thứ năm, thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, điều chỉnh những sai lệch, xử lý vi phạm; phát huy vai trò giám sát của các đoàn thể, lắng nghe ý kiến nhân dân, để phát hiện, kiểm tra, đánh giá, sàng lọc, tuyển chọn cán bộ đạt hiệu quả cao.
Ngoài ra, trong công cuộc "tái cấu trúc này", theo tôi, mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải có tinh thần "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm", phải hi sinh cái riêng để được cái chung.
TS Bùi Sỹ Lợi (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội)
TS Bùi Sỹ Lợi
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/nam-bai-hoc-sap-xep-can-bo-khi-sap-nhap-1922504301927158.htm