Nắm bắt công nghệ, chủ động thi công đường sắt cao tốc

Nắm bắt công nghệ, chủ động thi công đường sắt cao tốc
một ngày trướcBài gốc
Dự án đường sắt tốc độ cao bắt đầu tại Thành phố Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại Thành phố Hồ Chí Minh (ga Thủ Thiêm), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố; chiều dài tuyến khoảng 1.541 km.
Về quy mô đầu tư của dự án, xây dựng mới tuyến đường sắt đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án khoảng hơn 1.700.000 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD).
Dự kiến nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn để đầu tư hoàn thành dự án vào năm 2035, bố trí vốn trong khoảng 12 năm, bình quân mỗi năm khoảng 5,6 tỷ USD, tương đương khoảng 1,3% GDP năm 2023, khoảng 1,0% GDP năm 2027 (thời điểm khởi công dự án). Quá trình triển khai sẽ huy động đa dạng các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho rằng dự án này rất cần thiết, là nguyện vọng của đại đa số người dân. Hệ thống đường sắt tốc độ cao sẽ đáp ứng nhu cầu giao thương với các nước trong khu vực, trong đó có nền kinh tế lớn Trung Quốc. Tuy nhiên, khi nghiên cứu tài liệu, đại biểu Nguyễn Anh Trí vẫn còn một số băn khoăn liên quan đến lưu lượng dùng, thời gian vận chuyển hàng hóa nông sản, thủy sản trong bao lâu để bảo đảm chất lượng; việc đặt vị trí các nhà ga ở đâu cho hợp lý. Đặc biệt, sau khi dự án đi vào hoạt động, việc vận hành sao cho hiệu quả, bởi kinh phí vận hành dự kiến đang ở mức rất cao.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng nếu được Quốc hội thông qua chủ trương thì dự án khởi công vào năm 2027 và khánh thành vào năm 2035. “Kinh nghiệm cho thấy, nếu càng nhanh, lợi ích từ máy móc thiết bị hiệu quả hơn. Cùng với đó, chúng ta có đủ nguồn lực về con người, phương tiện kỹ thuật, kinh phí để có thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án hơn, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và phát triển kinh tế - xã hội”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.
Là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực giao thông vận tải, đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng đây là dự án quy mô lớn mang tính biểu tượng quốc gia, động lực phát triển của đất nước, vì thế nếu triển khai tốt sẽ tác động tích cực và ngược lại nếu xảy ra sự cố đáng tiếc.
Làm rõ thêm các nội dung liên quan đến tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; xây dựng 23 ga khách, 5 ga hàng, đại biểu Nguyễn Phi Thường cho biết đây là dự án kết nối Bắc - Nam và hành lang kinh tế Đông Tây. Trong đó, đường sắt tốc độ cao chủ yếu sử dụng để vận tải hành khách.
Về thời gian xây dựng dự án, đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng, việc lựa chọn đề xuất cơ bản hoàn thành 1.545 km trong vòng 10 năm (từ 2025 - 2035) là mốc tiến độ đặt ra khá cao và cũng là mong muốn chung. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi cần có cơ chế, chính sách để đẩy nhanh tiến độ.
Theo Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cần ưu tiên triển khai ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và ga Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh) để có thể kết nối với các tuyến đường sắt đô thị.
Về tiêu chuẩn kỹ thuật, nhiều đại biểu băn khoăn khi áp dụng khung tiêu chuẩn của châu Âu, tuy nhiên, châu Âu chưa có tuyến đường sắt tốc độ cao nào có vận tốc lên tới 350 km/h. Do vậy cần nghiên cứu khung tiêu chuẩn của một số quốc gia để phù hợp với vận tốc thiết kế 350 km/h.
Cũng trong phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội cũng cho ý kiến về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Phúc Minh
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/nam-bat-cong-nghe-chu-dong-thi-cong-duong-sat-cao-toc-280073.htm