Bác sĩ kiểm tra vết thương của bệnh nhân. Ảnh: BVCC
Ban đầu, ông chỉ nhận thấy một nốt đỏ nhỏ trên ngực, trông như một nốt mụn thông thường. Tuy nhiên, chỉ sau hai ngày, nốt đỏ này nhanh chóng lan rộng, chuyển màu đen và gây đau đớn. Nhận thấy tình trạng bất thường, ông đến cơ sở y tế huyện để thăm khám. Tuy nhiên, sau hai ngày nhập viện, tình trạng của ông không cải thiện mà còn trở nên nghiêm trọng hơn, vết hoại tử lan rộng và loét sâu. Ngay trong đêm, ông được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Khi nhập viện, tinh thần ông vẫn tỉnh táo, nhưng vết hoại tử ở ngực đã lan rộng đến kích thước 10x10 cm, với phần da bị hoại tử đen rõ rệt. Qua các triệu chứng và khám lâm sàng, các bác sĩ tại khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình thần kinh cột sống chẩn đoán ông mắc viêm mô bào hoại tử vùng ngực trái, nghi ngờ do một loại hoại thư sinh hơi. Ông đã được phẫu thuật để loại bỏ phần hoại tử.
Tuy nhiên, tình trạng của ông N phức tạp hơn dự đoán. Sang ngày thứ hai sau phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện vết thương của ông bị nhiễm nấm hoại tử, do sự phát triển mạnh mẽ của các vi khuẩn nấm sợi. Khu vực ngực, nơi bị nhiễm nấm, có cấu trúc phức tạp, đòi hỏi phải điều trị tích cực bằng thuốc diệt nấm và kháng nấm, đồng thời sát khuẩn kỹ lưỡng. Bác sĩ Phạm Văn Tỉnh - Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình thần kinh cột sống cho biết, những ca nhiễm nấm hoại tử rất hiếm gặp và thường khó chẩn đoán sớm do căn nguyên bệnh không rõ ràng. Bệnh tiến triển nhanh và nguy hiểm, với đặc điểm hoại tử đen trên da nhưng không sinh mủ hay gây tấy đỏ nhiễm khuẩn. Người dân cần đặc biệt lưu ý các vết trầy xước tiếp xúc với đất bẩn, bởi nguy cơ nhiễm nấm rất cao và có thể dẫn đến tử vong.
Ngày 6/1/2025, ông N đã trải qua ca phẫu thuật lần hai nhằm loại bỏ triệt để các mô hoại tử và vi khuẩn nấm sợi xâm nhập sâu vào mô cơ vùng ngực. Sau ca phẫu thuật, sức khỏe của ông dần ổn định. Các mô hoại tử đã được xử lý hoàn toàn, và ông dự kiến sẽ được tiến hành vá da vùng ngực trong vòng một tuần tới.
Bảo Long