Nắm cả thiên hạ, giường và phòng ngủ của hoàng đế lại khiêm tốn lạ thường

Nắm cả thiên hạ, giường và phòng ngủ của hoàng đế lại khiêm tốn lạ thường
8 giờ trướcBài gốc
LỜI TÒA SOẠN
Là quần thể cung điện hoàng gia lớn nhất thế giới, biểu tượng quyền lực tối thượng của các triều đại phong kiến Trung Hoa, song đằng sau những bức tường son cao vút, những mái ngói vàng rực rỡ của Tử Cấm Thành ẩn chứa vô vàn câu chuyện ly kỳ hay góc khuất mà không nhiều người biết.
VietNamNet giới thiệu tuyến bài Bí ẩn Tử Cấm Thành
Bài 1: Vì sao sau 23h Tử Cấm Thành lại hút đầy quạ đen?
Bài 2: Vì sao nơi quan trọng nhất trong Tử Cấm Thành lại vắng bóng cây xanh?
Bài 3: Phòng tân hôn của vua và hoàng hậu trong Tử Cấm Thành có gì đặc biệt?
Bài 4: Trận động đất thế kỷ hé lộ bí mật ít người biết bên dưới Tử Cấm Thành
Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh là một trong những cung điện quy mô nhất thế giới. Tổng diện tích của quần thể này lên tới 720.000m2 và tương truyền có 9.999 căn phòng.
Ảnh: Sohu
Tuy nhiên, giường và phòng ngủ của các hoàng đế nhà Thanh thời xưa lại có diện tích vô cùng khiêm tốn.
Theo ghi chép trong Thanh cung di văn, phòng ngủ không chỉ là nơi nghỉ ngơi mà còn là không gian quan trọng bậc nhất trong đời sống thường nhật của hoàng đế, liên quan mật thiết tới giống nòi, sức khỏe, quyền lực và vận mệnh quốc gia.
Ảnh minh họa: Weibo
Phòng ngủ của hoàng đế trong cung Càn Thanh và cung Khôn Ninh hay trong điện Dưỡng Tâm ở Tử Cấm Thành, thường có diện tích khoảng 10m².
Đáng chú ý, giường ngủ của nhà vua thực chất "không rộng hơn giường của dân thuờng là mấy" với chiều dài khoảng hơn 2m, chiều rộng tầm 1m.
Phòng ngủ của hoàng thượng khiêm nhường trong điện Dưỡng Tâm (viền xanh). Ảnh: Sohu
Các chuyên gia nghiên cứu về kiến trúc cung đình cho biết, người xưa thường quan niệm "phòng quá lớn mà thưa người thì đừng ở". Phòng quá lớn sẽ dễ khiến dương khí lọt ra ngoài, tai họa theo đó mà kéo đến.
Do đó, trong hoàng cung, các căn phòng đa phần đều được thiết kế thấp và hẹp nhất có thể, giúp tích tụ càng nhiều khí, người ở trong đó sẽ an toàn. Phòng ngủ của nhà vua cũng không ngoại lệ.
Giường ngủ của nhà vua (ảnh trái) không rộng hơn giường của dân thuờng là mấy. Ảnh minh họa: Sohu
Ngoài ra, theo TS Tôn Vũ Bình, chuyên gia văn hóa truyền thống tại Đại học Bắc Kinh, việc nhà vua nằm giường hẹp còn gắn liền với quan niệm phong thủy và âm dương ngũ hành, đặc biệt là niềm tin về sự may mắn.
Cụ thể, từ “giường” trong tiếng Trung Quốc đọc là "chúang", gần giống từ "cháng" nghĩa là “dài” hoặc “trường”, biểu thị cho sự lâu dài, trường tồn. Từ “hẹp” đọc là "shòu", đồng âm với từ "thọ".
Chính việc phát âm “chúang shòu” (giường hẹp) và “cháng shòu” (trường thọ) gần giống nhau đã hình thành một cách lý giải mang tính biểu tượng rằng: "Ngủ trên giường hẹp sẽ được trường thọ".
Ảnh minh họa: Sohu
Các chuyên gia nghiên cứu còn chỉ ra rằng, Bắc Kinh nằm trong khu vực khí hậu lục địa nóng ẩm, chịu ảnh hưởng của gió mùa. Mùa hè nóng ẩm, mùa đông lạnh có tuyết và hanh khô. Mùa xuân thường chịu bão cát từ thảo nguyên.
Thời xưa chưa có những thiết bị hiện đại để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết. Do đó, giường và phòng ngủ của nhà vua cần được thiết kế với diện tích vừa đủ để có thể đảm bảo chống lạnh, phòng bão cát.
Phòng ngủ được xây tường dày bao quanh, giường được làm bằng gỗ, vừa giúp giữ nhiệt vào mùa đông lại hạn chế ảnh hưởng của cái nóng mùa hè.
Đỗ An
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/nam-ca-thien-ha-giuong-va-phong-ngu-cua-hoang-de-lai-khiem-ton-la-thuong-2421720.html