Có sự đồng thuận rộng rãi rằng EU cần một ngân sách linh hoạt hơn nhưng khối này là một cỗ máy nặng nề (trong ảnh: Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt EU ở Brussels, Bỉ ngày 6/3/2025). Ảnh: AA/TTXVN
Theo mạng tin châu Âu Euractiv.com ngày 1/7, ngân sách dài hạn của Liên minh châu Âu (EU), Khung tài chính đa năm (MFF), đang đứng trước một cuộc đại tu lớn. Với tổng giá trị dự kiến lên đến 1,2 nghìn tỷ euro, MFF tiếp theo, có hiệu lực từ năm 2028, không còn được thiết kế cho thời kỳ ổn định. Thay vào đó, nó sẽ phải đối mặt với những thách thức chưa từng có, từ khoảng cách đầu tư khổng lồ đến nhu cầu tái vũ trang mạnh mẽ.
Vào ngày 16/7 tới, Ủy ban châu Âu sẽ công bố đề xuất ngân sách mới, khởi động một cuộc đàm phán kéo dài và đầy cam go trong hơn hai năm. Kết quả của những cuộc tranh luận này sẽ định hình lại hoàn toàn các ưu tiên chi tiêu của EU và xác định đâu là những lĩnh vực quan trọng nhất đối với tương lai của khối.
Dưới đây là năm cuộc tranh luận chính sẽ định hình MFF tiếp theo.
Thứ nhất, cuộc chiến về quy mô: Chi bao nhiêu là đủ? Ngay từ đầu, cuộc tranh luận về quy mô ngân sách đã trở nên "khốc liệt". Kể từ năm 2028, các quốc gia thành viên sẽ bắt đầu hoàn trả khoản vay 650 tỷ euro từ quỹ phục hồi COVID-19, với tốc độ 30 tỷ euro mỗi năm. Điều này sẽ chiếm khoảng 20% ngân sách hàng năm, đè nặng lên các quốc gia đang phải vật lộn với thâm hụt ngân sách trong nước như Pháp, Italy và Ba Lan.
Một số quốc gia như Pháp và Tây Ban Nha đã mạnh mẽ kêu gọi tăng gấp đôi quy mô MFF. Thậm chí, Đan Mạch, một quốc gia nổi tiếng "tiết kiệm", cũng tỏ ra sẵn sàng tăng đóng góp.
Về mặt lý thuyết, cách dễ nhất để tăng ngân sách mà không đòi hỏi thêm tiền từ các quốc gia thành viên là cung cấp cho EU nguồn thu nhập riêng, chẳng hạn như thuế carbon hoặc thuế khí thải. Tuy nhiên, các đề xuất này đã bị chặn tại Hội đồng châu Âu từ năm 2023.
Đức, một trong những nền kinh tế lớn nhất EU, cho biết "không có cơ sở" để tăng MFF, dù họ sẵn sàng thảo luận về các nguồn huy động tiền mới. Điều này cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ khối. Nếu các nước không thể đồng thuận về việc tăng quy mô thông qua các nguồn lực mới, cuộc chiến giành các khoản ngân sách hiện có sẽ còn khốc liệt hơn nữa.
Thứ hai, cuộc chiến về cơ cấu: Cải cách quỹ gắn kết và xoay trục quốc phòng. Quỹ gắn kết, chiếm gần một phần ba ngân sách hiện tại, được thiết kế để giúp các khu vực nghèo hơn bắt kịp về kinh tế. Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu đang tìm cách thay đổi triệt để cách phân bổ và sử dụng quỹ này.
Thay đổi đầu tiên mang tính chính trị. Ủy ban châu Âu muốn gắn kết việc phân bổ tiền mặt với việc thực hiện các cải cách được Brussels phê duyệt. Một tài liệu nội bộ bị rò rỉ gần đây cho thấy kế hoạch sáp nhập các quỹ nông nghiệp và quỹ gắn kết thành các quỹ thúc đầy cải cách quốc gia. Điều này sẽ làm giảm đáng kể quyền lực của các khu vực, tăng cường ảnh hưởng của Brussels đối với các nước.
Thay đổi thứ hai mang tính chiến lược. Ủy ban châu Âu muốn chuyển hướng quỹ gắn kết sang các lĩnh vực công nghệ quốc phòng và chiến lược như AI và công nghệ sinh học. Điều này đánh dấu một sự thay đổi lớn so với cách tiếp cận "chuyên môn hóa thông minh" hiện tại, vốn khuyến khích mỗi khu vực đầu tư vào thế mạnh của mình.
Việc chuyển hướng này có thể làm giảm sứ mệnh cốt lõi của quỹ gắn kết là giảm bớt sự chênh lệch giữa các khu vực, gây ra sự phản đối từ các vùng và quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn tài trợ đó.
Thứ ba, cuộc chiến về nông nghiệp: Cải cách hay cắt giảm CAP? Chính sách Nông nghiệp chung (CAP) cũng chiếm gần một phần ba ngân sách EU. Hiện tại, quỹ này được chia thành các khoản thanh toán trực tiếp cho nông dân (79%) và hỗ trợ phát triển nông thôn (21%).
Các nhóm vận động hành lang nông dân khắp châu Âu kiên quyết phản đối bất kỳ sự sáp nhập hay cắt giảm hỗ trợ nào. Tuy nhiên, theo các nguồn tin nội bộ, Ủy ban châu Âu đang chuẩn bị cho việc cắt giảm 15-20% trợ cấp trong chu kỳ ngân sách tiếp theo.
Điều này chắc chắn sẽ gây ra phản ứng dữ dội từ các quốc gia có ngành nông nghiệp lớn và có ảnh hưởng chính trị như Pháp. Nông dân Đức, những người vừa giành được một chiến thắng trong ngân sách quốc gia, cũng đang chuyển sự chú ý của họ sang Brussels. Bất kỳ cải cách nào đối với CAP cũng sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ và có thể phải được đàm phán một cách tỉ mỉ từng điểm một.
Thứ tư, cuộc chiến về cạnh tranh: Cải cách Draghi. Chương trình Quỹ Cạnh tranh châu Âu (ECF) do cựu Thủ tướng Italy Mario Draghi đề xuất là một sáng kiến mới nhằm hỗ trợ toàn bộ chuỗi đổi mới, từ nghiên cứu ứng dụng đến khởi nghiệp. Sáng kiến này sẽ chuyển hàng tỷ euro từ hơn 10 dòng ngân sách cụ thể thành một quỹ tiền mặt linh hoạt.
Mặc dù chương trình nghiên cứu Horizon của EU trị giá 94 tỷ euro hiện tại sẽ vẫn độc lập nhưng sẽ được "kết nối chặt chẽ" với ECF. Điều này đã làm giới học thuật lo ngại rằng nguồn tài trợ dài hạn dựa trên chuyên môn sẽ nhường chỗ cho các ưu tiên chính trị ngắn hạn. Hơn nữa, Ủy ban châu Âu cũng đã đề xuất mở Horizon cho các nghiên cứu liên quan đến quốc phòng, tiếp tục làm dấy lên những lo ngại này.
Các quốc gia đều muốn tăng cường khả năng cạnh tranh của châu Âu, nhưng họ sẽ phải đối mặt với thử thách lớn trong việc cam kết tiền bạc, hủy bỏ các chương trình cũ và trao nhiều quyền quyết định hơn cho Ủy ban châu Âu.
Thứ năm, cuộc chiến về tính linh hoạt: Brussels có thể có bao nhiêu quyền lực? Tổng thể, Chủ tịch Ủy ban Ursula von der Leyen muốn có ít dòng ngân sách hơn nhưng linh hoạt hơn trong và giữa các dòng ngân sách. Bà Leyen cũng đề xuất chu kỳ ngân sách 5 năm thay vì 7 năm như hiện nay.
Mặc dù có sự đồng thuận rộng rãi rằng EU cần một ngân sách tinh gọn hơn để giải quyết các ưu tiên mới như quốc phòng, tính linh hoạt cao hơn cũng đi kèm với rủi ro. Các khoản tiền không được phân bổ trước thường bị coi là không đáng tin cậy về mặt chính trị, đặc biệt đối với các ưu tiên dài hạn như nghiên cứu cơ bản.
Đồng thời, các quốc gia thành viên và Nghị viện châu Âu (MEP) có thể coi đề xuất này là một hành động giành quyền lực của Ủy ban châu Âu. Các MEP chắc chắn sẽ đấu tranh để có được sự giám sát toàn diện đối với các quyết định chi tiêu trong tương lai. Cuộc chiến này sẽ định đoạt mức độ tập trung quyền lực của EU trong việc điều hành ngân sách của mình.
Công Thuận/Báo Tin tức và Dân tộc