Theo đó, dưới sự lãnh đạo thống nhất của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo linh hoạt, quyết liệt của chính quyền các cấp, sự giám sát của HĐND, sự phối hợp của Ủy ban MTTQ tỉnh, cùng sự nỗ lực cố gắng của các sở, ngành, đoàn thể và của toàn thể nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, trong năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định tiếp tục ổn định, có sự phát triển so với năm trước và đạt được nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực với 14/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Toàn cảnh Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chất lượng, hiệu quả kinh tế được nâng lên. Tổng sản phẩm GRDP ước tăng 10,35%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước tăng 18,0%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14,5%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước tăng 13,8%. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tăng 30,8%.
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước tăng 34% so với năm 2023. Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước tăng 11,2%. Dư nợ tín dụng ước tăng 15,6% so với đầu năm… Cả hệ thống chính trị đã tập trung phòng, chống cơn bão số 3 và đợt mưa lớn gây ngập úng trên diện rộng, hạn chế thấp nhất hậu quả, giảm đáng kể thiệt hại về cơ sở vật chất, không có thiệt hại về người.
Công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đảm bảo dân chủ, đúng quy định, vượt tiến độ theo kế hoạch. Nam Định là một trong ba tỉnh đầu tiên trong cả nước được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 và là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã với số lượng lớn. Các đơn vị sau sắp xếp đã đi vào hoạt động ổn định từ ngày 1/9/2024.
GRDP năm 2024 của Nam Định ước tăng 10,35%. Ảnh: ST
Công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tiếp tục được quan tâm thực hiện và đạt được kết quả tích cực. Huyện Giao Thủy được Thủ tướng Chính phủ Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Đến nay, toàn tỉnh có 97,5% xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (vượt kế hoạch đề ra) và 28,1% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Công tác lập, quản lý và tổ chức thực hiện các quy hoạch trên địa bàn tỉnh được tập trung chỉ đạo và đạt nhiều kết quả. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư, đặc biệt là hệ thống đường giao thông, các khu, cụm công nghiệp; đồng thời tập trung chỉ đạo đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm.
Công tác giải phóng mặt bằng được tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tạo sự đồng thuận thống nhất và đảm bảo tiến độ triển khai công trình trọng điểm. Công tác xúc tiến và thu hút đầu tư tiếp tục được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực; tiếp tục có nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu, đầu tư vào tỉnh.
Đến ngày 15/11/2024, đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 73 dự án (bao gồm 41 dự án đầu tư trong nước và 32 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký khoảng 9.303 tỷ đồng và 252,9 triệu USD.
Lĩnh vực cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và Đề án 06 tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện và đạt được kết quả tích cực.
Năm 2025, tỉnh Nam Định tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, các Nghị quyết của HĐND tỉnh; phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Nghị quyết HĐND tỉnh đã đề ra.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Đặng Khánh Toàn khẳng định, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, năm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; cấp ủy các cấp, ngành cần phấn đấu thực hiện hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra, tạo tiền đề thuận lợi cho tỉnh Nam Định bước vào giai đoạn phát triển mới.
Bí thư Tỉnh ủy Nam Định đề nghị các cấp, ngành cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả, thực chất, cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ, đổi mới và nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế... Đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá, khai thác có hiệu quả, bền vững các loại hình và sản phẩm du lịch là thế mạnh của tỉnh.
Các cấp, ngành cần chú trọng phát triển lĩnh vực văn hóa-xã hội; đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhu cầu thông tin, giải trí của nhân dân, nhất là trong dịp đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025...
Bí thư Tỉnh ủy tin tưởng với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành, sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tỉnh Nam Định sẽ nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm mới 2025.
Trần Anh