Nam Định bứt phá cải cách, kiến tạo nền hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp

Nam Định bứt phá cải cách, kiến tạo nền hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp
7 giờ trướcBài gốc
Người dân xã Giao Phong (Giao Thủy) được hướng dẫn, hỗ trợ, giải quyết hiệu quả thủ tục hành chính liên quan đến chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Quyết liệt chỉ đạo, hành động thực chất
Với tinh thần hành động quyết liệt, kỷ cương, sáng tạo, ngay từ cuối năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch CCHC tỉnh năm 2025 (Kế hoạch số 165/KH-UBND tỉnh ngày 26/12/2024), xác định rõ CCHC không chỉ là nhiệm vụ chính trị then chốt mà còn là động lực quan trọng để xây dựng chính quyền liêm chính, phục vụ nhân dân, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. UBND tỉnh đã đặt mục tiêu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu CCHC trong năm 2025, tạo bước chuyển mạnh mẽ, thực chất trong hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước. Trọng tâm là nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), đẩy mạnh số hóa, dịch vụ công trực tuyến, tăng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, phấn đấu cải thiện vững chắc vị trí xếp hạng Chỉ số CCHC, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính và Hiệu quả quản trị, hành chính công (PAPI), hướng tới nhóm khá toàn quốc. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành Bộ Chỉ số CCHC mới của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tại Quyết định số 2796/QĐ-UBND ngày 17/12/2024 của UBND tỉnh, quy định rõ nội dung, phương pháp, cách thức đánh giá, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị.
Năm 2024, chỉ số CCHC trung bình của các sở, ban, ngành đạt 84,8 điểm, tăng 8,04% so với năm 2023; khối UBND các huyện, thành phố đạt trung bình 91,93 điểm, tăng 7,05%; nhiều đơn vị đạt trên 90%, khẳng định hiệu quả triển khai đồng bộ trên toàn hệ thống. Các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố đều tự thực hiện đánh giá, chấm điểm một cách nghiêm túc, có sự giám sát chặt chẽ của phần mềm chuyên dụng, đảm bảo tính minh bạch và khách quan. Tổ thẩm định cấp tỉnh tiến hành, bám sát hướng dẫn, tài liệu kiểm chứng, kết quả đo lường sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, phản ánh đúng thực chất mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng đơn vị.
Nhiều đơn vị như thành phố Nam Định, các huyện Xuân Trường, Vụ Bản, Hải Hậu… đã có bước tiến rõ rệt trong ứng dụng chữ ký số, xử lý hồ sơ trên môi trường mạng, góp phần xây dựng nền hành chính số hiện đại, thân thiện. Tỷ lệ số hóa hồ sơ thủ tục hành chính tại các sở, ngành, địa phương đều đạt trên 90%. Đáng chú ý, việc rà soát, cập nhật thủ tục hành chính được thực hiện thường xuyên, bảo đảm tính công khai, minh bạch, giảm phiền hà cho người dân; 100% văn bản quy phạm pháp luật có sai sót qua kiểm tra đều được xử lý kịp thời.
Điểm nhấn nổi bật là kết quả đột phá ở chỉ số thành phần về Xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số trong bộ Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2024 do Bộ Nội vụ mới công bố, tỉnh Nam Định dẫn đầu toàn quốc về Chỉ số Xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số năm 2024 với điểm chỉ số đạt mức 95,99%, cao hơn 5,24%, tăng 6 bậc so với năm 2023. Các chỉ tiêu then chốt như: xử lý văn bản, hồ sơ trên môi trường mạng; gửi - nhận văn bản điện tử 4 cấp chính quyền; số hóa hồ sơ TTHC; phát triển nền tảng dữ liệu và tích hợp, chia sẻ dữ liệu liên thông… đều tăng điểm so với năm 2023. Đây là minh chứng sinh động cho quyết tâm chuyển đổi số toàn diện của tỉnh, hướng tới nền hành chính hiện đại, minh bạch, hiệu quả, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức được đẩy mạnh với nhiều hình thức đổi mới, sáng tạo - trong đó huyện Trực Ninh là đơn vị tiêu biểu với việc tổ chức các hội thi trực tuyến, sân khấu hóa về CCHC. Đặc biệt, đã xuất hiện nhiều mô hình hay, sáng kiến hiệu quả có khả năng nhân rộng. Sở Khoa học và Công nghệ đã công nhận 50 sáng kiến có hiệu quả áp dụng, khả năng nhân rộng trên địa bàn tỉnh năm 2024 đối với lĩnh vực CCHC, trong đó Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Khoa học và Công nghệ, UBND huyện Nam Trực, UBND huyện Ý Yên đã có sáng kiến được chọn là tài liệu kiểm chứng để đánh giá Chỉ số CCHC tỉnh năm 2024 như sáng kiến về sắp xếp đơn vị hành chính, cổng liên kết dịch vụ công, mô hình chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ…
Được tỉnh đồng hành giải quyết các thủ tục hành chính, Công ty TNHH Top Textiles thuộc Tập đoàn Toray (Nhật Bản) thuận lợi trong đầu tư, phát triển sản xuất các sản phẩm dệt may chất lượng cao tại KCN Dệt may Rạng Đông.
Nhờ sự quyết liệt chỉ đạo, thúc đẩy cải cách thực chất, tỉnh Nam Định tiếp tục tạo được chuyển biến tích cực trên bình diện đánh giá đo lường và so sánh trải nghiệm và cảm nhận của người dân về hiệu quả, chất lượng thực thi chính sách và cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương trên toàn quốc với điểm chỉ số PAPI năm 2024 của tỉnh đạt 44,35 điểm, xếp thứ 20/61 tỉnh, thành phố (hai tỉnh Vĩnh Phúc, Tiền Giang không đưa số liệu vào báo cáo do dữ liệu bị nhiễu), nằm trong nhóm trung bình cao của cả nước. Trong đó, so với năm 2023, kết quả điểm chỉ số thành phần cho thấy có 6 nội dung gồm: Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công tăng 0,37 điểm; Quản trị môi trường tăng 0,26 điểm; Công khai, minh bạch tăng 0,21 điểm; Tham gia của người dân ở cấp cơ sở tăng 0,18 điểm; Thủ tục hành chính công tăng 0,15 điểm; Quản trị điện tử tăng 0,06 điểm… được cải thiện rõ nét cả về hành chính, kỹ thuật và chất lượng phục vụ.
Quyết tâm khắc phục hạn chế
Bên cạnh những kết quả nổi bật, UBND tỉnh thẳng thắn chỉ ra các tồn tại, như: một số đơn vị chưa thực hiện đầy đủ quy định về vị trí việc làm, bố trí cán bộ chưa sát vị trí việc làm; còn tình trạng công chức vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính; một số địa phương có tỷ lệ viên chức không hoàn thành nhiệm vụ ở mức cao. Đặc biệt, vẫn còn hiện tượng giải quyết TTHC quá hạn ở một số sở, ngành và địa phương.
UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục xác định: CCHC tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, động lực then chốt để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng chính quyền vì dân phục vụ. Phải giữ vững tinh thần quyết liệt trong chỉ đạo, tiếp tục huy động sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và quyết tâm không chấp nhận sự trì trệ; phải trực tiếp chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm nghiêm túc kết quả CCHC năm 2024, đề ra lộ trình khắc phục rõ ràng, gắn trách nhiệm cụ thể với từng cá nhân, tập thể. Chú trọng đổi mới phương pháp đánh giá, kiểm tra, thanh tra công vụ, nâng cao trách nhiệm nêu gương, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ. Đồng thời yêu cầu nhiệm vụ CCHC phải được thực hiện thường xuyên, gắn kết chặt chẽ với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục đẩy nhanh thực hiện và hiện đại hóa nền hành chính gắn với chuyển đổi số toàn diện.
Bài và ảnh: Thanh Thúy,
Nguồn Nam Định : https://baonamdinh.vn/kinh-te/202504/nam-dinh-but-pha-cai-cach-kien-tao-nen-hanh-chinh-phuc-vu-nguoi-dan-doanh-nghiep-73649b1/