Quyết tâm cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh
Xác định CCHC là yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển, tỉnh đã ban hành hàng loạt văn bản quan trọng, trong đó có Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/6/2021, đặt mục tiêu xây dựng nền hành chính công vụ chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả. UBND tỉnh cũng triển khai nhiều kế hoạch nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số CCHC (PAR Index).
Nam Định đã kiện toàn Ban Chỉ đạo CCHC và thành lập các tổ công tác đặc biệt nhằm kiểm tra, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư. Tỉnh cũng tiên phong áp dụng Bộ Chỉ số đánh giá CCHC từ năm 2013, giúp lãnh đạo theo dõi, đánh giá hiệu quả hoạt động của các sở, ban, ngành, địa phương. Nhờ đó, chỉ số PAR Index năm 2023 đạt 87,32 điểm, xếp thứ 29/63 tỉnh, thành phố, tăng 11 bậc so với năm 2020. Chỉ số PCI cũng có sự cải thiện đáng kể, đạt 66,67 điểm năm 2023, phản ánh môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi.
Nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người dân, Nam Định đã thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp, hoạt động theo cơ chế “một cửa liên thông”, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh cải cách trong các lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, đầu tư, đất đai, xây dựng… đảm bảo giải quyết thủ tục nhanh chóng, công khai, minh bạch.
Người dân, doanh nghiệp làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Nam Định. Ảnh: Trần Khánh
Chỉ đạo của tỉnh cũng nhấn mạnh siết chặt kỷ luật công vụ, xử lý nghiêm các hành vi gây phiền hà. Nhờ đó, 100% doanh nghiệp tại Nam Định không phải chờ hơn một tháng để hoàn thành thủ tục đăng ký kinh doanh. Hệ thống chính quyền điện tử, chính quyền số được đẩy mạnh, giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng dịch vụ công.
Nhờ môi trường đầu tư thuận lợi, nhiều tập đoàn lớn đã chọn Nam Định để phát triển dự án, tiêu biểu như: Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư 98.900 tỷ đồng vào tổ hợp thép xanh công nghệ cao tại Nghĩa Hưng; Quanta Computer Inc. (Đài Loan) đầu tư 120 triệu USD vào Khu công nghiệp Mỹ Thuận, dự kiến đạt doanh thu 9 tỷ USD/năm từ 2028; Tập đoàn Toray (Nhật Bản) rót 2,3 tỷ USD vào sản xuất vải tại Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông; Tập đoàn Kim Kiều đầu tư 90 triệu USD vào sản xuất hợp kim nhôm tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận; Công ty YI DA DENIM MILL (VN) xây dựng nhà máy sản xuất sợi, vải, may mặc trị giá 60 triệu USD; AEON Việt Nam ký kết biên bản hợp tác phát triển Trung tâm thương mại AEON Nam Định.
Những dự án này không chỉ góp phần tăng trưởng kinh tế mà còn tạo ra hàng chục nghìn việc làm, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của tỉnh.
Hướng tới nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp
Năm 2025, Nam Định đặt mục tiêu xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch và hiệu quả với 7 nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra tại các Kế hoạch công tác CCHC, tuyên truyền CCHC, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh năm 2025. Tổng kết công tác CCHC tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025.
Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND và UBND các cấp trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng tiến độ, trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Nâng cao hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh, xử lý hoặc kiến nghị xử lý kết quả theo dõi thi hành pháp luật theo thẩm quyền.
Thứ ba, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến hướng tới sự hài lòng của người dân, tổ chức. Rà soát, đánh giá để kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa TTHC. Kịp thời xử lý các vướng mắc dẫn đến việc giải quyết TTHC bị chậm, muộn.
Thứ tư, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ VI Ban chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Thứ năm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện CCHC.
Thứ sáu, thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách địa phương năm 2025 đảm bảo đúng quy định. Hoàn thiện cơ chế tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập; nâng mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ bảy, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát triển chính quyền điện tử. Chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ công; kết nối và khai thác hiệu quả dữ liệu dân cư trong giải quyết TTHC và hoạt động hành chính các cấp.
Tỉnh cũng đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, với 100% văn bản điện tử được liên thông, 99,7% hồ sơ giải quyết đúng hạn, hệ thống dữ liệu mở trên 12 lĩnh vực.
Bảo Ngọc