Nam Định - Động lực mới, tầm cao mới trong phát triển công nghiệp

Nam Định - Động lực mới, tầm cao mới trong phát triển công nghiệp
12 giờ trướcBài gốc
Năm 2024, bất chấp những thách thức từ tình hình thế giới diễn biến phức tạp và giá nguyên vật liệu leo thang, ngành công nghiệp Nam Định vẫn ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 14,5% so với năm trước, với nhiều sản phẩm chủ lực (thuốc, hóa dược, dược liệu; thực phẩm chế biến; sản phẩm dệt may; các sản phẩm từ da; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn) đạt mức tăng trưởng ấn tượng.
Để đạt được thành tựu này, Nam Định đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp linh hoạt, quyết liệt. Chính quyền các cấp cùng với các sở, ngành đã nỗ lực tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Sự hỗ trợ hiệu quả từ các chính sách, cùng với quyết tâm của doanh nghiệp và người dân, đã tạo sự hậu thuẫn mạnh mẽ cho sự phát triển công nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội toàn diện.
Nhà máy sản xuất vải công nghệ cao của Tập đoàn Toray (Nhật Bản) tại Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông góp phần nâng cao giá trị cho ngành dệt may Nam Định.
Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp
Năm 2024, Nam Định đã tập trung nguồn lực để hiện đại hóa hạ tầng công nghiệp, tạo nền tảng cho những bứt phá mạnh mẽ. Các ngành chức năng đã tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Dệt may Rạng Đông; KCN Mỹ Thuận; KCN Bảo Minh mở rộng; các cụm công nghiệp (CCN) Yên Bằng, Thanh Côi, Giao Thiện, Hải Vân... để thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Đã khởi công đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN Giao Thiện (Giao Thủy) và Tân Thịnh (Nam Trực). Đáng chú ý, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Trung Thành đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào cuối tháng 10/2024, tiếp tục mở thêm cơ hội để tỉnh thu hút các dự án công nghệ cao và công nghiệp xanh. Tỉnh cũng hoàn thành lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và triển khai các thủ tục tiếp theo đầu tư các KCN: Hải Long (Giao Thủy), Nam Hồng (Nam Trực), Xuân Kiên (Xuân Trường), Minh Châu (Nghĩa Hưng)... Những nỗ lực này không chỉ cải thiện môi trường đầu tư mà còn củng cố nền tảng để Nam Định trở thành một trung tâm công nghiệp hiện đại và bền vững. Hạ tầng giao thông được xây dựng đồng bộ, hiện đại, góp phần tạo nên môi trường đầu tư hấp dẫn và hỗ trợ sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; cầu Bến Mới nối tỉnh Nam Định và tỉnh Ninh Bình; cơ bản hoàn thành thi công giai đoạn II dự án Xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Bên cạnh việc phát triển hạ tầng, Nam Định cũng triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ từ Trung ương, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh như giảm miễn thuế, tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, ổn định thị trường. Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nam Định, năm 2024 các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện nghiêm, kịp thời các chính sách về tiền tệ, tín dụng; tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 119.730 tỷ đồng, tăng 15,6% so với đầu năm, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của các doanh nghiệp. Sở Công Thương đẩy mạnh các hoạt động cung cấp thông tin, kết nối, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, chú trọng tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại đến các thị trường xuất khẩu, trong đó ưu tiên gắn kết cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trên cả nước với cơ quan thương vụ các nước. Hỗ trợ hàng hóa trong nước tiếp cận mạng lưới hệ thống bán lẻ tại nước ngoài. Thực hiện hỗ trợ miễn phí cho doanh nghiệp các thông tin, kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, những cơ hội, thách thức của các hiệp định thương mại tự do (FTA), giúp nâng cao khả năng cạnh tranh và thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Sở Công Thương cũng phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp để hỗ trợ đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các ngành công nghiệp công nghệ cao và hiện đại; tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo nghề nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân ở trong nước, nước ngoài và các tổ chức xã hội tham gia đào tạo nghề nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, tạo điều kiện cho người lao động dễ dàng thường xuyên học tập nâng cao trình độ, tay nghề.
Theo đồng chí Vũ Thị Kim, Giám đốc Sở Công Thương: “Dưới sự tích cực đồng hành, hỗ trợ của các cấp chính quyền, ngành chức năng, tất cả các doanh nghiệp nội tại của tỉnh đều nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng sản xuất, kinh doanh, góp phần, nâng cao sức mạnh nội lực của ngành công nghiệp. Các sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng trưởng khá, năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên, một số sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu, vị thế quy mô trung tâm của vùng Nam đồng bằng sông Hồng, từng bước vươn lên đứng trong tốp đầu và giữ vững vị thế tại thị trường nước ngoài như: thuốc và dược liệu có nguồn gốc đông nam dược, sản phẩm may mặc, chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, sản phẩm cơ khí đúc sẵn, chế biến thực phẩm, đồ uống, chế biến thủy hải sản”.
Công nghệ cao và công nghiệp xanh - Tương lai của công nghiệp Nam Định
Với những kết quả vượt bậc năm 2024, Nam Định đã cho thấy tiềm năng lớn và khát vọng vươn xa trong lộ trình công nghiệp hóa. Động lực mới từ các dự án công nghệ cao, công nghiệp xanh và chính sách hỗ trợ toàn diện sẽ tiếp tục đưa Nam Định lên tầm cao mới, trở thành điểm sáng trong chiến lược phát triển công nghiệp của Việt Nam.
Nam Định đang chuyển mình mạnh mẽ, đặt trọng tâm vào các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp xanh. Điển hình, dự án nhà máy sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi của Tập đoàn Quanta Computer Inc., (Đài Loan - Trung Quốc) đã đầu tư tại KCN Mỹ Thuận, dự án công nghệ cao đầu tiên của Quanta tại Việt Nam. Đây là một trong những dự án lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ cao của tỉnh, dự kiến tạo ra 9.000 việc làm vào năm 2025, giúp Nam Định mở rộng sang ngành công nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao và định vị trên bản đồ công nghệ toàn cầu. Tập đoàn Toray (Nhật Bản) cũng đã đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất vải công nghệ cao tại KCN Dệt may Rạng Đông, công suất 60 triệu mét vải/năm, hướng tới 120 triệu mét vào năm 2025, góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu, khẳng định Nam Định là trung tâm dệt may hàng đầu miền Bắc và hỗ trợ sự phát triển bền vững của ngành Dệt may Việt Nam. Đặc biệt, Tổ hợp 3 dự án thép xanh có tổng mức đầu tư 98.900 tỷ đồng của Tập đoàn Xuân Thiện tại Nghĩa Hưng đang được triển khai, sử dụng công nghệ tiên tiến từ các nước G7, đảm bảo phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.Bên cạnh đó, kết quả tích cực trong công tác thu hút đầu tư năm 2024 tiếp tục tạo thêm động lực thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp của tỉnh. Đến ngày 30/11/2024, Nam Định đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 74 dự án, với tổng vốn đăng ký đạt 9.303 tỷ đồng và 343 triệu USD. Trong đó, nhiều dự án trọng điểm như: Dự án nhà máy giấy bao bì công nghệ cao của Công ty Cổ phần Giấy GĐT tại KCN Bảo Minh mở rộng với tổng vốn đầu tư trên 100 triệu USD; dự án sản xuất thanh hợp kim nhôm xanh, vật liệu điện tử 3C cao cấp và phụ kiện nhôm ô tô Kim Kiều của Tập đoàn Nhôm Kim Kiều với tổng số vốn đăng ký 90 triệu USD tại KCN Mỹ Thuận; dự án nhà máy may XIELONG Việt Nam với tổng mức đầu tư 40 triệu USD tại KCN Dệt may Rạng Đông... Sự hiện diện của các dự án quy mô lớn từ các nhà đầu tư chiến lược không chỉ khẳng định tiềm năng của Nam Định mà còn mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho ngành công nghiệp tỉnh nhà, hướng tới vị thế trung tâm công nghiệp quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng.
Bài và ảnh: Thanh Thúy
Nguồn Nam Định : https://baonamdinh.vn/kinh-te/202412/nam-dinh-dong-luc-moi-tam-cao-moi-trong-phat-trien-cong-nghiep-6fb1d2f/