Xuất khẩu, công nghiệp, bán lẻ cùng tăng vọt
Nam Định đang vươn mình mạnh mẽ trên bản đồ kinh tế vùng Đồng bằng sông Hồng với những con số tăng trưởng ấn tượng. Tiếp đà tăng trưởng hai con số từ năm 2023 và 2024, quý I-2025, GRDP (theo giá so sánh năm 2010) của tỉnh đạt 14.632 tỷ đồng, tăng 11,86% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mức tăng trưởng quý I cao nhất từ trước tới nay; xếp thứ nhất vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ ba cả nước, vượt xa mức trung bình toàn quốc (6,93%). Trong cơ cấu kinh tế, công nghiệp-xây dựng tiếp tục giữ vai trò động lực, chiếm tỷ trọng 42,92%; dịch vụ chiếm 37,58%; nông, lâm, thủy sản đạt 16,15%.
Cầu Đống Cao nối hai huyện Ý Yên và Nghĩa Hưng (Nam Định). Ảnh: VIẾT DƯ
Ngành công nghiệp tiếp tục bứt phá mạnh mẽ với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 23,25%-mức cao nhất kể từ năm 2019. Một trong những điểm sáng chính là sự phục hồi và phát triển nhanh chóng của ngành sản xuất máy tính, linh kiện điện tử và dệt may, cùng với sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Giá trị sản xuất xây dựng tăng 16% nhờ vào tiến độ nhanh chóng của các công trình hạ tầng trọng điểm và hoạt động xây dựng dân dụng sôi động.
Hoạt động xuất, nhập khẩu cũng là điểm nhấn quan trọng trong bức tranh kinh tế của tỉnh. Quý I-2025, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 1.720 triệu USD, tăng 81,5% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 158 triệu USD. Bên cạnh đó, thương mại và dịch vụ cũng khởi sắc rõ rệt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 21.510 tỷ đồng, tăng 14,9%. Đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2021-2025, thể hiện sức mua và tiêu dùng nội địa được duy trì tốt. Hoạt động xuất, nhập khẩu cũng rất khả quan với tổng kim ngạch đạt 1.720 triệu USD, tăng tới 81,5% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó xuất khẩu đạt 939 triệu USD (tăng 56,2%) và nhập khẩu đạt 781 triệu USD (tăng 125,5%).
Nam Định tiếp tục là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong quý I, tỉnh đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 11 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 227 triệu USD; trong đó có 7 dự án mới, tổng vốn 121 triệu USD. Các lĩnh vực thu hút đầu tư chủ yếu gồm dệt may, sản xuất thiết bị điện tử, chế biến thực phẩm và năng lượng tái tạo. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn tỉnh quý I ước đạt 14.039 tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2024, phản ánh sự cải thiện mạnh mẽ trong môi trường đầu tư và hiệu quả của công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Về tài chính-ngân sách, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quý I đạt 3.410 tỷ đồng, bằng 22% dự toán năm và tăng tới 57,3% so với quý I-2024. Điều này cho thấy nền kinh tế đang vận hành hiệu quả, nguồn thu bền vững hơn và năng lực tài chính công của địa phương ngày càng được củng cố.
Không để gián đoạn phục vụ nhân dân
Năm 2025 được xác định là năm tăng tốc về đích trong việc thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025. Ngay từ đầu năm, tỉnh đã tổ chức các hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đồng bộ, bám sát các nghị quyết của Trung ương, Chính phủ và Tỉnh ủy. Từ định hướng đó, UBND tỉnh đã cụ thể hóa thành những chỉ tiêu, kế hoạch rõ ràng cho từng ngành, từng cấp; trong đó tập trung vào các nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tinh giản thủ tục hành chính, ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý điều hành và phục vụ doanh nghiệp, người dân. Điều này giúp các cấp, các ngành chủ động triển khai, tạo sự linh hoạt trong ứng phó với những biến động kinh tế.
Với kết quả khả quan trong tăng trưởng kinh tế quý I, đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương cần phát huy khí thế quý I, tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ để hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2025. Trong thời gian tới, tỉnh tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, phòng, chống thiên tai, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao; tích cực thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh cũng tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch; công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án trọng điểm và đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đang xây dựng; ưu tiên phát triển những ngành công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, du lịch sinh thái-văn hóa, đồng thời tiếp tục đầu tư cho giáo dục, y tế và hạ tầng giao thông-đô thị.
Đặc biệt, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương, đơn vị tập trung thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư bảo đảm đúng phương án và thời gian quy định. Theo đó, các đơn vị nêu trên cần tập trung xây dựng và triển khai phương án thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm mục tiêu cùng cả nước giảm 50%; xây dựng và triển khai đề án không tổ chức cấp huyện; tập trung quán triệt, tuyên truyền sâu rộng về chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, cán bộ để tạo sự thống nhất về nhận thức, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm hoạt động thường xuyên, liên tục của các đơn vị để không gián đoạn, không ảnh hưởng đến các hoạt động của tổ chức, cơ quan, đơn vị, người dân và doanh nghiệp.
AN ĐỊNH