Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội khởi tố bị can Lê Minh Giáp (SN 1984, trú tại phường Yên Nghĩa, Hà Nội) để điều tra về hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Bị can này là người điều khiển ô tô BKS 30K- 730.XX di chuyển trên đường Nguyễn Trác theo hướng từ Lê Trọng Tấn đi KĐT Đô Nghĩa đã va chạm với 2 ô tô, 5 xe máy vào tối 16/7. Hậu quả vụ tai nạn khiến 1 người tử vong, hai người khác bị thương nặng. Qua kiểm tra nồng độ cồn, tài xế này vi phạm ở mức rất cao là 0.861mg/l khí thở.
Liên quan đến vụ tai nạn kể trên, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp đánh giá đây là vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
"Luật Trật tự an toàn giao thông đồng bộ quy định người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải chú ý quan sát, làm chủ tốc độ, giữ khoảng cách đối với các phương tiện phía trước và nghiêm cấm sử dụng rượu, bia, chất kích thích dẫn đến có nồng độ cồn trong máu hoặc trong khí thở khi điều khiển phương tiện giao thông" - luật sư Cường nhấn mạnh.
Theo luật sư Cường, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có lỗi gây hậu quả nghiêm trọng (chết người) thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự. Đặc biệt, việc tài xế có vi phạm nồng độ cồn là tình tiết định khung tăng nặng hình phạt tại khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt từ 3-10 năm tù.
Tài xế Giáp nói về nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn.
Luật sư Cường cho biết thêm, tài xế ô tô khai nhận ban đầu do buồn ngủ nên đạp nhầm chân ga. Rất có thể rượu, bia là nguyên nhân dẫn đến người lái xe này buồn ngủ và vụ tai nạn xảy ra. Mặc dù hậu quả là không mong muốn, lỗi là vô ý đối với hậu quả nhưng dù buồn ngủ đạp nhầm chân ga thì người điều khiển xe ô tô trong tình huống này vẫn có lỗi và vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
"Đây là bài học đắt giá cho tài xế ô tô trong vụ việc và những người khác, chỉ vì không tuân thủ quy định của pháp luật khi sử dụng rượu, bia dẫn đến mất kiểm soát gây hậu quả nghiêm trọng và phải đối mặt với hình phạt nghiêm khắc. Bên cạnh đó, gia đình nạn nhân mất mát, thiệt hại tính mạng, sức khỏe..." - luật sư Cường nêu quan điểm.
Vị luật sư cho rằng, đây là vụ án điển hình của tác hại của rượu, bia đối với trật tự an toàn giao thông đường bộ. Bởi khi đã uống rượu bia đến mức hạn chế khả năng nhận thức thì việc tham gia giao thông là rất nguy hiểm.
Điều đáng chú ý là thời gian gần đây rất nhiều người gây tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia, người gây tai nạn là những người có trình độ học thức, thậm chí có chức vụ. Do đó, ngoài việc xử lý vi phạm cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức pháp luật của người tham gia giao thông để tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.
Tài xế Lê Minh Giáp.
Thời gian qua, lực lượng CSGT kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn, cả xã hội lên án những “ma men” điều khiển phương tiện, thì vẫn có người bất chấp mọi quy định lái xe sau khi đã sử dụng rượu, bia.
Điều đáng buồn, tài xế Lê Minh Giáp - giảng viên trường cao đẳng ở Hà Nội, là người có trình độ, có nhận thức chắc chắn sẽ biết được sự nguy hiểm của việc điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có nồng độ cồn, và các quy định của pháp luật nghiêm cấm việc lái xe sau khi uống rượu, bia và việc nghiêm cấm công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Vụ việc kể trên cũng chính là hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ tới những người đã và đang có ý định lái xe sau khi sử dụng rượu, bia.
Theo thống kê của Cục CSGT, 6 tháng đầu năm 2025, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 1,6 triệu trường hợp vi phạm TTATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa; tước hơn 149 nghìn giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn; tạm giữ hơn 424 nghìn phương tiện các loại. So với cùng kỳ năm 2024, tổng số lượng xử lý giảm hơn 469 nghìn trường hợp. Trong đó, trên đường bộ xử lý hơn 310.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.