Nam giới độc thân có thể nhờ mang thai hộ được không?

Nam giới độc thân có thể nhờ mang thai hộ được không?
20 giờ trướcBài gốc
Thời gian gần đây, cộng đồng mạng bất ngờ khi có nhiều người nổi tiếng trên mạng xã hội công khai trở thành bố đơn thân. Có người cho rằng ba mẹ bé đã đường ai nấy đi, nhưng cũng không ít bình luận đồn đoán em bé là do mang thai hộ. Số khác thì phản bác rằng mang thai hộ là phạm pháp, ai dại gì mà khoe lên đây.
Từ đây, rất nhiều thắc mắc xoay quanh vấn đề mang thai hộ đã được đặt ra như: Một người đàn ông độc thân có thể nhờ hoặc thuê người khác mang thai hộ hay không? Hay một cặp vợ chồng mà người vợ vì lo sợ mang bầu, sinh con sẽ mất đi vóc dáng xinh đẹp, nên họ quyết định nhờ người khác mang thai hộ thì có được không?...
Ai được quyền nhờ người khác mang thai hộ?
Trao đổi với PLO, Luật sư Trần Vân Linh (Đoàn Luật sư TP.HCM), cho biết chế định mang thai hộ lần đầu tiên được quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Đây được xem là một cánh cửa mới đối với những cặp đôi không may rơi vào tình trạng vô sinh, hiếm muộn.
Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con
Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.
Tuy nhiên, luật này còn quy định rõ, việc thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại,... là một trong các hành vi bị cấm.
Do đó, pháp luật hiện hành chỉ công nhận hình thức mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.
Chỉ có cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản mới được nhờ người khác mang thai hộ. Chứng minh cho việc người vợ không thể mang thai, sinh con thì cần đáp ứng các điều kiện sau đây:
Thứ nhất, có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
Thứ hai, vợ chồng đang không có con chung;
Về phía người mang thai hộ, cần đáp ứng đủ các điều kiện dưới đây: (i) Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; (ii) Người phụ nữ đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; (iii) Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng.
Ngoài ra, cả người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ đều phải được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Một lưu ý quan trọng đó là việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Pháp luật hiện hành chỉ công nhận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Ảnh minh họa: NGUYỄN CHÍNH
Về vấn đề một người đàn ông độc thân hoặc cặp đôi đồng giới có thể nhờ người khác mang thai hộ hay không, Luật sư Trần Vân Linh nhấn mạnh, pháp luật hiện hành chỉ cho phép cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản… thì mới được nhờ người khác mang thai hộ, và phải vì mục đích nhân đạo. Do đó, nam giới độc thân thì không thể nhờ người khác mang thai hộ.
Giải thích thêm, luật sư Linh cho biết hiện nay, một số quốc gia trên thế giới đã công nhận hôn nhân đồng giới và cho phép các cặp đôi đồng tính nam thực hiện thụ tinh ống nghiệm cũng như mang thai hộ. Tuy nhiên, ở Việt Nam chúng ta, đối tượng kết hôn được công nhận phải là nam và nữ, đáp ứng một số điều kiện nhất định.
"Như vậy pháp luật Việt Nam hiện hành chưa công nhận hôn nhân đồng giới nên việc các cặp đôi đồng tính nam muốn thực hiện quy trình thụ tinh bằng noãn của người hiến tặng và mang thai hộ là không thể vì không được công nhận là quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật", Luật sư Linh nói.
Đối với trường hợp cặp vợ chồng mà người vợ chỉ vì lo sợ mang bầu, sinh con sẽ mất đi vóc dáng xinh đẹp nên quyết định nhờ người khác mang thai hộ, theo Luật sư Linh, trường hợp này, người vợ có khả năng mang thai thì không đáp ứng đủ các điều kiện để nhờ người khác mang thai hộ.
Nhiều người lãnh án vì trục lợi từ việc tổ chức mang thai hộ
Ngày 26-4-2024, TAND quận Đống Đa, Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với 2 bị cáo Trần Thị Bích V và Trần Thị Bích T.
Theo cáo trạng, năm 2023, Công an quận Đống Đa tiến hành kiểm tra nơi ở của Trần Thị Bích T, phát hiện có 3 người phụ nữ đang mang thai ở trong nhà. Quá trình điều tra xác định Trần Thị Bích T đã thực hiện 3 vụ tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Trần Thị Bích V không có nghề nghiệp ổn định, thường làm cộng tác viên hướng dẫn khách đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện có chức năng điều trị hiếm muộn. Do vậy, V nắm rõ các quy trình khám chữa cho các trường hợp vợ chồng hiếm muộn, khó khăn khi mang thai, thụ tinh trong ống nghiệm.
Đầu năm 2023, qua mạng xã hội và các mối quan hệ, V tìm kiếm những người có nhu cầu tìm người mang thai hộ. V cũng tìm kiếm những người phụ nữ khó khăn về kinh tế và sẵn sàng mang thai hộ để kiếm tiền.
V đã đứng ra môi giới những người này để mang thai hộ nhằm mục đích hưởng lợi. Giúp sức cho V trong việc tìm kiếm, chăm sóc người mang thai hộ là Trần Thị Bích T (chị gái ruột của V). Cả hai bị cáo đã tìm kiếm và đưa những người phụ nữ nhận mang thai hộ về ăn ở và sinh hoạt tại nhà
Sau khi tìm được khách, V đã trực tiếp gặp gỡ và thỏa thuận về chi phí mang thai hộ, mỗi trường hợp dao động từ 800 triệu đồng đến 1,5 tỉ đồng, chia thành nhiều đợt nhận tiền. T trả cho người mang thai hộ 280 triệu đồng, chia thành nhiều đợt nhận tiền.
Kết quả điều tra xác định, tổng số tiền bị cáo V đã thu lợi bất chính từ 3 trường hợp nhờ mang thai hộ là hơn 1,3 tỉ đồng.
Sau khi xét xử, tòa tuyên phạt Trần Thị Bích V 16 tháng tù về tội “Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại”. Tuy nhiên, tại thời điểm gây án, bị cáo V đang chấp hành hình phạt tù 16 tháng tù nhưng cho hưởng án treo cũng về hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại (chưa xóa án tích). Do đó, tổng hợp của 2 bản án, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 34 tháng tù.
Bị cáo Trần Thị Bích T nhận mức án 15 tháng tù.
Một vụ án khác, ngày 10-1-2024, TAND TP Hà Nội xét xử sở thẩm vụ án hình sự Nguyễn Thị H và đồng phạm về tội “Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại” và tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Theo đó, bị cáo H và 3 bị cáo khác bị tòa tuyên phạt từ 18 tháng tù đến 6 năm tù.
Đã có một con chung không được nhờ mang thai hộ
Nhiều người đặt câu hỏi: Một cặp vợ chồng đã có một người con nhưng vì lý do sức khỏe người vợ không thể mang thai, sinh con thêm lần nữa thì có thể nhờ mang thai hộ để có con thứ hai hay không?
Giải đáp vấn đề này, luật sư Trần Vân Linh cho hay, điều kiện mang thai hộ có quy định bắt buộc “Vợ chồng đang không có con chung”. Do đó, pháp luật hiện hành vẫn chưa cho phép một cặp vợ chồng đang có 1 con chung (còn sống) được phép nhờ mang thai hộ.
"Hiện nay đây là vấn đề khiến nhiều người băn khoăn. Cá nhân tôi cho rằng quyền có con thứ hai của các cặp vợ chồng vì điều kiện sức khỏe chỉ sinh được một con hoặc những cặp vợ chồng tuy đã có con chung nhưng bị khuyết tật, hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự... là chính đáng. Vì vậy, cũng cần nghiên cứu hướng để sửa đổi, bổ sung quy định liên quan vấn đề này", luật sư Linh nói.
NGUYỄN CHÍNH
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/nam-gioi-doc-than-co-the-nho-mang-thai-ho-duoc-khong-post840740.html