Anh L.V.K (44 tuổi, kỹ sư xây dựng tại TPHCM) có tiền sử sức khỏe tương đối ổn định. Qua các lần khám sức khỏe định kỳ, huyết áp của người bệnh dao động trong khoảng 130/80 - 140/90 mmHg, chưa từng sử dụng thuốc điều trị hạ áp và không có biểu hiện lâm sàng bất thường.
Vào buổi sáng cuối tháng 5, trong lúc đang làm việc, người bệnh đột ngột xuất hiện đau đầu dữ dội kèm theo yếu liệt nửa người bên phải. Ngay lập tức, người nhà đưa anh K. đến cấp cứu tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TPHCM). Tại đây, bác sĩ chẩn đoán anh K. xuất huyết não vùng đồi thị bên trái, bệnh thận mạn giai đoạn IIIA và rối loạn lipid máu. Người bệnh bị di chứng liệt nửa người bên phải sau đợt cấp.
Sau xuất viện, anh K. được chuyển đến Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cơ sở 3 để phục hồi chức năng. Khi nhập viện, người bệnh liệt gần hoàn toàn nửa người phải. Sau 3 tuần điều trị kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền, sức cơ cải thiện rõ rệt: tay và chân bên phải phục hồi gần mức bình thường. Bác sĩ đánh giá sức cơ hồi phục 4+/5.
Chụp mạch máu não cho bệnh nhân đột quỵ. Ảnh: Quyên Lê.
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Âu Văn Khê - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cơ sở 3, việc phục hồi chức năng giúp anh K. có thể tự đi lại, tiếp tục tập luyện tại nhà và trở lại công việc kỹ sư sau một tháng.
Bác sĩ Khê cho biết, xuất huyết não là tình trạng máu thoát ra khỏi mạch máu và xâm nhập vào nhu mô não, gây tổn thương tế bào thần kinh, làm rối loạn chức năng vận động, ngôn ngữ hoặc ý thức. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây đột quỵ thể xuất huyết và thường có tiên lượng nặng nề nếu không xử trí kịp thời.
Bác sĩ Khê cho biết, các nguyên nhân phổ biến gây xuất huyết não gồm tăng huyết áp làm suy yếu thành mạch và gây vỡ mạch máu trong não; một số trường hợp có túi phình ở động mạch não có thể vỡ đột ngột do áp lực máu, gây chảy máu nội sọ; bệnh lý giảm tiểu cầu, thiếu các yếu tố đông máu hoặc dùng thuốc kháng đông không kiểm soát.
Tình trạng này có thể khởi phát đột ngột, không có dấu hiệu báo trước. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các dấu hiệu như đau đầu dữ dội, yếu liệt nửa người, nói ngọng, méo miệng hoặc mất ý thức có thể xuất hiện trong giai đoạn đầu.
Để phòng bệnh, bác sĩ Khê cho biết mỗi người nên có kế hoạch chăm sóc sức khỏe định kỳ đặc biệt từ tuổi 40.
Khi bạn ở tuổi này, sức khỏe bắt đầu có những dấu hiệu cảnh báo, nhiều bệnh mạn tính dần dần xuất hiện như tăng huyết áp, tiểu đường, tăng mỡ máu, gan nhiễm mỡ…. Trong đó, tình trạng tăng huyết áp dù không triệu chứng, nhưng có thể là yếu tố khởi phát những biến cố đột ngột và nghiêm trọng như xuất huyết não.
Các số liệu cho thấy người bị đột quỵ ở tuổi 40-45 chiếm hơn 30%. Trong đó, 50% số người bị đột quỵ sẽ tử vong, 70% số người sống sót cũng không thể trở lại làm việc bình thường.
Vì vậy, bác sĩ Khê khuyến cáo cần thực hiện ngay 5 lưu ý:
- Kiểm soát huyết áp: Đo huyết áp định kỳ, tuân thủ điều trị nếu có chỉ định dùng thuốc.
- Chế độ ăn lành mạnh: Giảm ăn mặn, hạn chế chất béo bão hòa, tăng cường rau xanh, cá béo và ngũ cốc nguyên hạt.
- Tập thể dục đều đặn: Các hình thức như đi bộ, dưỡng sinh, thể dục nhẹ nhàng giúp cải thiện lưu thông máu và kiểm soát cân nặng.
- Không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia: Hai yếu tố này làm tổn thương lớp nội mạc mạch máu và tăng nguy cơ tai biến.
- Khám sức khỏe định kỳ: Giúp phát hiện sớm tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu và các bệnh lý tim mạch khác.
Phương Thúy