Năm mới 2025, kiểm kê sự thay đổi trong quân đội Nga sau 3 năm xung đột với Ukraine

Năm mới 2025, kiểm kê sự thay đổi trong quân đội Nga sau 3 năm xung đột với Ukraine
3 ngày trướcBài gốc
Quân đội Nga đã thay đổi đáng kể kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột với Ukraine cách đây gần 3 năm. (Nguồn: Getty Images)
Cuộc xung đột ở Ukraine trong suốt năm 2024 đã khiến lực lượng trên bộ của Nga hao tổn không ít. Theo số liệu của Ukraine, hơn 780.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương kể từ tháng 2/2022.
Ước tính của phương Tây thấp hơn một chút, nhưng đồng ý với đánh giá của Kiev rằng tổn thất của Moscow đã đạt đến mức cao nhất vào mùa Thu 2024 và kéo dài đến mùa Đông.
Vào đầu tháng 12, chính phủ Ukraine cho biết Nga đã mất 3 tỷ USD tiền vũ khí và thiết bị quân sự chỉ riêng trong tháng 11.
Tuy nhiên, các hạm đội hải quân của Nga được triển khai ở những nơi khác trên thế giới hầu như không bị tổn hại, mặc dù Ukraine thỉnh thoảng nhắm mục tiêu ở biển Baltic và biển Caspi.
Trước đó hồi tháng 4, Tướng Christopher Cavoli, Tư lệnh tối cao quân đồng minh châu Âu, cho biết Moscow chỉ mất khoảng 1/10 lực lượng không quân tại Ukraine và quân đội Nga "không mất năng lực nào cả" ở một số lĩnh vực, bao gồm lực lượng chiến lược, khả năng không gian và hàng không tầm xa.
Với hy vọng bù đắp những tổn thất đáng kể, Moscow đã đẩy mạnh ngành công nghiệp quân sự. Và cuộc xung đột cũng là thử thách cho việc ứng dụng các công nghệ mới khi Nga dành khoảng 40% chi tiêu chính phủ cho các lực lượng vũ trang.
Tên lửa
Vào những tuần đầu của cuộc xung đột, Nga cho biết đã sử dụng tên lửa Kinzhal lần đầu tiên trong cuộc tấn công vào một kho vũ khí ở phía Tây Ukraine.
Kể từ đó, Kinzhal, còn được gọi là "Dagger", là tên lửa đạn đạo siêu thanh đã được sử dụng rộng rãi chống lại Ukraine. Đây là một trong những vũ khí thế hệ tiếp theo được Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố vào năm 2018 và thường được phóng từ máy bay chiến đấu MiG-31 đã được cải tiến.
Đầu năm 2024, các nhà nghiên cứu ở Kiev cho biết Moscow đã sử dụng một tên lửa "thế hệ tiếp theo" khác ở Ukraine mang tên Tsirkon. Một quan chức Nga cho biết vào giữa năm 2022 rằng Moscow đã hoàn thành việc thử nghiệm Tsirkon siêu thanh, còn được gọi là Zircon.
Tháng 11 vừa qua, Nga đã bắn tên lửa đạn đạo tầm trung siêu thanh mới vào một cơ sở phòng thủ của Ukraine ở khu vực Dnipro thuộc miền Trung. Kiev ban đầu báo cáo đây là một cuộc tấn công sử dụng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Moscow cho biết Oreshnik, có nghĩa là "cây phỉ", có thể di chuyển với tốc độ gấp 10 lần tốc độ âm thanh (Mach 10). Vào giữa tháng 12, ông Putin cho biết Nga sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik để "bảo vệ an ninh của Nga và các đồng minh".
Bên cạnh đó, Nga được cho là đã bắt đầu sử dụng tên lửa đạn đạo do các đồng minh cung cấp, chẳng hạn như Iran và Triều Tiên.
Vào cuối tháng 12, quân đội Nga tuyên bố rằng, một trung đoàn mới sẽ vận hành hệ thống phòng không S-500, vốn được phát triển trong nhiều năm như một bản nâng cấp cho S-400 đang hoạt động. Trong khi đó, tình báo quân sự Ukraine cho biết hồi tháng 6 rằng Moscow đã di chuyển một số bộ phận của hệ thống thử nghiệm đến Crimea.
Xe tăng và xe bọc thép
Nga đã mất một số lượng lớn xe tăng và xe bọc thép trong vài tháng đầu của chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) của Anh cho biết vào tháng 2/2024 rằng, Moscow đã mất hơn 3.000 xe tăng ở Ukraine, một con số vượt quá số lượng xe tăng mà Nga có trong tay khi tiến hành chiến dịch quân sự.
Moscow buộc phải sử dụng nhiều vào xe tăng và xe bọc thép từ kho dự trữ khổng lồ từ thời Liên Xô. Tại cuộc gặp ông Putin vào tháng 11, Tổng giám đốc Mosfilm (hãng phim lớn nhất của Nga) Karen Shakhnazarov cho biết, hãng phim đã gửi gần 28 xe tăng hạng trung T-55, 8 xe tăng lội nước PT-76, cùng với một số xe chiến đấu bộ binh và xe tải nhằm hỗ trợ quân đội.
Cùng với đó, Nga tuyên bố tăng mạnh sản lượng xe bọc thép và xe tăng mới.
Cuộc xung đột cũng chứng kiến sự ra mắt của xe tăng T-14 Armata, được ca ngợi là "bước đột phá" từng được một quan chức cấp cao của quân đội Anh gọi là "chiếc xe tăng mang tính cách mạng nhất trong một thập niên". Tuy nhiên, hãng TASS đưa tin vào tháng 8/2023 rằng T-14 sẽ tiếp tục được nghiên cứu thay đổi sau khi tham gia thực địa ở Ukraine.
Máy bay không người lái
Nga và Ukraine đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ máy bay không người lái (UAV) kể từ tháng 2/2022. Cả hai bên đều được cộng đồng quốc tế theo dõi chặt chẽ và nhận thức được công nghệ không người lái đã định hình lại cuộc xung đột như thế nào.
Moscow sử dụng nhiều loại UAV được cập nhật và điều chỉnh thường xuyên. Những chiếc UAV này đã được triển khai trong nhiều kế hoạch quân sự của Nga, từ trinh sát đến tấn công vào các vị trí của Ukraine.
Nga được cho là đã sử dụng khí nhiều UAV Shahed do Iran thiết kế. UAV Shahed tạo ra tiếng vo ve thấp đặc trưng và tương đối dễ bắn hạ khi bị phát hiện. Moscow đã nâng cấp thiết kế của Shahed nhiều lần, bao gồm sơn đen để tấn công vào ban đêm.
Chuyên gia Samuel Bendett tại Trung tâm phân tích hải quân (CNA) có trụ sở tại Mỹ lưu ý rằng, Moscow và Kiev đang hướng tới các loại UAV thương mại, mặc dù Nga vẫn sử dụng UAV cấp quân sự như Orlan và Lancet.
Xu hướng chung của cả hai bên trong xung đột là tránh xa UAV độc lập đắt tiền, ủng hộ số lượng lớn UAV giá rẻ có thể "lắp ráp nhanh chóng, triển khai nhanh chóng và tổn thất nhanh chóng", ông Bendett nói.
Chuyên gia này lưu ý rằng, lực lượng Nga và Ukraine cũng đang sử dụng ngày càng nhiều UAV điều khiển bằng sợi quang để vượt qua chiến tranh điện tử hạng nặng.
Moscow vẫn đang tiếp tục chạy đua công nghệ không người lái cho nhiều trang thiết bị quân sự khác nhau, tuyên bố sẽ thành lập đội đặc nhiệm chuyên về UAV trong quân đội vào quý III năm 2025.
Máy bay phản lực
Nga có một kho máy bay khổng lồ, từ máy bay phản lực tàng hình mới nhất đến trực thăng lâu đời. Theo số liệu của Ukraine, Nga đã mất khoảng 369 máy bay và 329 trực thăng trong xung đột (con số này chưa được xác minh độc lập).
Cơ quan tình báo quân sự Ukraine (GUR) cho biết vào tháng 6/2024 rằng họ đã tấn công một trong những máy bay phản lực tàng hình Su-57 được ca ngợi của Nga, còn được gọi bằng biệt danh "Felon" và mô tả đây là "trường hợp đầu tiên trong lịch sử".
Không giống như các máy bay phản lực khác được sử dụng rộng rãi ở Ukraine, chẳng hạn như máy bay Su-35 của Nga, máy bay chiến đấu Su-57 không đóng vai trò chính trong sự hiện diện trên không của Moscow trong xung đột với Kiev.
Chiến thuật và chiến lược
Chiến thuật và chiến lược quân sự của Nga đã phát triển tại các thời điểm khác nhau trong cuộc xung đột, nhưng các chuyên gia đánh giá chung rằng, Moscow đã dựa vào các cuộc tấn công do bộ binh chỉ huy, sử dụng số lượng lớn binh lính để áp đảo từng tuyến phòng thủ của Ukraine.
Ông Andrii Ziuz, cựu Giám đốc điều hành Hội đồng An ninh và quốc phòng quốc gia Ukraine và hiện là Giám đốc công nghệ tại công ty Prevail có trụ sở tại Anh nhận định: "Nga đã bắt đầu cuộc xung đột bằng nhiều thứ giống như Liên Xô... Từ chiến thuật đến vũ khí".
"Nhưng họ (quân đội Nga) đang học rất nhanh, bằng cách thay đổi chiến thuật và đạt được thành công trong chiến tranh điện tử vô tuyến và máy bay không người lái", ông Andrii Ziuz nói.
Hình thái quân đội Nga có sự thay đổi sau tổn thất và Điện Kremlin đã phát động các chiến dịch tuyển quân. Nga đã tái cấu trúc quân đội để hỗ trợ ngắn hạn chiến dịch quân sự ở Ukraine, cũng như thực hiện các cải cách dài hạn nhắm nhiều hơn vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
(theo Newsweek)
Quang Huy
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/nam-moi-2025-kiem-ke-su-thay-doi-trong-quan-doi-nga-sau-3-nam-xung-dot-voi-ukraine-299187.html