Năm mới, giá nhà vẫn nhấp nhổm tăng

Năm mới, giá nhà vẫn nhấp nhổm tăng
16 giờ trướcBài gốc
Đối với bất động sản, lấy quá khứ để đánh giá hiện tại chính là “bẫy tâm lý” tạo lực cản vô cùng lớn trong quyết định đầu tư và mua nhà. Ảnh: Lê Toàn.
Bẫy tâm lý
Trong sự kiện công bố dự án căn hộ trên địa bàn TP. Thủ Đức, TP.HCM diễn ra mới đây, có đôi vợ chồng tham gia với mong muốn tìm cơ hội mua nhà. Nhưng xem bảng giá, người chồng lấy điện thoại ra bấm tới bấm lui, sau đó quay sang nói với vợ: “Tính ra giá hơn 130 triệu đồng/m2, làm sao mua được. Thôi đi về!”.
Hỏi thêm thì được biết, hai vợ chồng này sống tại TP.HCM hơn 10 năm, vợ là giáo viên dạy tiểu học, chồng là kỹ sư điện lạnh, thu nhập không quá cao nhưng ổn định. Họ đã dành dụm hơn 10 năm nay mà chưa mua được căn nhà riêng, vẫn phải thuê nhà.
Người chồng chia sẻ, dù có ít vốn tích lũy và thu nhập hàng tháng sinh hoạt dư dả, nhưng vì tâm lý sợ mang nợ, trông chờ giá nhà giảm thêm, nên họ đánh mất hàng loạt cơ hội. “Nhiều năm qua, rất nhiều lần chúng tôi tính đến chuyện mua nhà, nhưng vì chưa đủ tiền, nên cố chờ tích lũy đủ mới mua. Song tiền kiếm được không kịp đà tăng giá của thị trường”, anh bộc bạch.
Tương tự, với thu nhập hàng tháng khoảng 20 triệu đồng, vợ chồng anh Nguyễn Toàn (TP. Thủ Đức) nhiều năm qua cũng chật vật tìm mua một căn hộ để an cư, nhưng chưa tìm được. Cuối năm 2023, một dự án căn hộ thuộc TP. Dĩ An (Bình Dương) mở bán với giá bán trung bình 40 triệu đồng/m2. Điểm thuận lợi với dự án này là chủ đầu tư uy tín, pháp lý hoàn chỉnh và có chính sách cho khách hàng trả chậm không lãi suất.
“Song do dự án này thuộc tỉnh Bình Dương, nên chúng tôi quyết định không mua. Hơn nữa, chúng tôi nghĩ, thị trường khó khăn, chờ giá giảm thêm mới quyết định”, anh Toàn chia sẻ và cho biết, từ đó đến nay, vợ chồng anh vẫn miệt mài tìm căn hộ phù hợp tại TP.HCM để mua, nhưng hầu như không có dự án mới nào mở bán.
Thị trường vẫn có lác đác dự án công bố ra thị trường, nhưng qua tìm hiểu, giá cao ngất ngưởng, hầu hết trên 70 triệu đồng/m2. Sau đó, vợ chồng anh Toàn quay lại dự án tại Bình Dương tính mua, nhưng dự án đã hết hàng, muốn mua lại phải trả tiền chênh lệch khá cao, các dự án mới khác dù ở khá xa, đều có giá trên 40 triệu đồng/m2.
Câu chuyện tìm nhà của cợ chồng anh Toàn không phải là cá biệt, mà là thực tế chung của thị trường địa ốc TP.HCM suốt nhiều năm qua.
Chỉ tính riêng tiền sử dụng đất, cách đây vài năm, một dự án có tiền sử dụng đất chưa đến 20 tỷ đồng, nhưng hiện tăng lên 80 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần, chưa tính tới hàng loạt chi phí khác.
Ông Ngô Quang Phúc Tổng giám đốc Phú Đông Group
Trong một lần trò chuyện với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, giám đốc một doanh nghiệp môi giới chia sẻ: “Giá cao quá là câu mà tôi thường được nghe trong hơn 10 năm qua từ khách hàng, khi họ vừa tìm hiểu một dự án mới. Nhưng kết quả luôn là hàng thì hết, mà giá chẳng thấy giảm bao giờ”, vị này cho biết.
Theo phân tích của vị giám đốc trên, chúng ta thường lấy quá khứ để đánh giá hiện tại và đối với bất động sản, đây lại chính là “bẫy tâm lý” tạo lực cản vô cùng lớn trong kinh doanh hoặc ra quyết định đầu tư và mua nhà.
Cách đây chừng 5 năm, tại quận Thủ Đức, có nhiều dự án căn hộ có mức giá dao động từ 18 đến 23 triệu đồng/m2. Song đến thời điểm hiện nay, không thể tìm thấy một dự án căn hộ mới nào có giá dưới 50 triệu đồng/m2.
Giá xuống, chờ đến khi nào?
Các chuyên gia cho rằng, những người có nhu cầu thật về nhà ở không nên do dự với tâm lý chờ giá xuống, bởi giá sẽ không bao giờ xuống khi mà nhu cầu nhà ở ngày càng tăng cao.
Đó là chưa kể quỹ đất để phát triển dự án ngày càng hạn hẹp, chi phí đầu tư cao, nên giá không thể giảm. Vấn đề quan trọng nhất để các khách hàng quyết định mua nhà lúc này chính là vị trí dự án, yếu tố pháp lý và năng lực của chủ đầu tư.
TP.HCM được biết đến là một siêu đô thị với nhu cầu nhà ở không ngừng tăng cao. Theo nghiên cứu của Savills, nhu cầu tự nhiên hàng năm đối với nhà ở tại TP.HCM là khoảng 50.000 ngôi nhà. Trong khi đó, theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), từ đầu năm 2024 đến nay, chỉ có một dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Ba năm qua, số dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư tại TP.HCM chỉ đếm được trên đầu ngón tay (năm 2021 có 7 dự án, năm 2022 có 2 dự án và năm 2023 có thêm 2 dự án). Khó khăn về thủ tục dẫn đến nguồn cung khan hiếm, chi phí đầu tư dự án liên tục bị “đội” lên cao, nên theo các chủ đầu tư, dù họ muốn giảm giá bán, cũng không thể thực hiện được.
Ông Trần Hiếu, Phó tổng giám đốc DKRA Group nhấn mạnh, khó có thể trông đợi thị trường căn hộ tại TP.HCM giảm giá. Có nhiều nguyên nhân khiến giá căn hộ tại TP.HCM không ngừng tăng giá trong bối cảnh thị trường chung trầm lắng là chi phí đầu vào (nguyên vật liệu xây dựng, tiền đất…) tăng cao. Thủ tục để triển khai dự án kéo dài, chi phí liên tục bị “đội” lên.
“Để làm được dự án hiện nay quá khó khăn. Chúng tôi có một dự án ở Long An lúc đầu dự kiến triển khai với quy mô 20 ha, do gặp khó khăn trong đền bù, nên rút lại còn 11 ha. Nhưng suốt nhiều năm qua, dự án vẫn chưa xong, lý do là doanh nghiệp phải tự thỏa thuận đền bù với người có đất rất nhiêu khê”, ông Hiếu nói.
Theo ông Hiếu, thời điểm mới triển khai dự án, giá đất thỏa thuận đền bù chỉ khoảng 350.000 đồng/m2, nhưng đến nay đã tăng gấp 10 lần, nhưng người có đất vẫn không chịu. Đây mới chỉ là khâu đền bù để tạo quỹ đất sạch, còn từ đất sạch chuyển sang dự án đầy đủ pháp lý là một quá trình dài với chi phí tăng gấp 3 lần.
Thủ tục dự án càng kéo dài, nguồn cung càng khan hiếm, chi phí đầu tư càng tăng cao. Thực tế này với TP.HCM càng rõ nét, do vậy thời gian tới, thị trường căn hộ, nhà phố bước vào một chu kỳ tăng giá tiếp theo là điều khó tránh khỏi.
Tại buổi công bố dự án mới ra thị trường mới đây, trả lời câu hỏi vì sao giá bán căn hộ tăng cao đến vậy, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho biết, hơn ai hết, chính các doanh nghiệp cũng muốn bán giá thấp để tranh thủ tiêu thụ sản phẩm, nhưng không thể làm được.
“Ngay trong lúc thị trường khó khăn nhất, mặt bằng giá vẫn tăng bởi các chi phí đầu vào như tiền mua đất, tiền xây dựng, chi phí tài chính vẫn luôn tăng và neo ở mức cao”, ông Phúc nói và cho rằng, để tìm một quỹ đất phù hợp phát triển dự án hiện vô cùng khó. Các khu vực gần TP.HCM không còn quỹ đất mà ngày càng phải đi xa, thủ tục hoàn thiện dự án kéo dài nhiều năm với hàng loạt chi phí không ngừng tăng cao.
Tăng Triển
Nguồn ĐTCK : https://tinnhanhchungkhoan.vn/nam-moi-gia-nha-van-nhap-nhom-tang-post363022.html